Đi in thiệp cưới phải trình chứng minh thư

Theo Infonet,
Chia sẻ

Chiếu theo các quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động in bắt buộc người đi in thiệp cưới, danh thiếp, thiệp mời… sẽ phải kê khai đầy đủ thông tin cá nhân.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động in (do Cục Xuất bản soạn thảo) để lấy ý kiến nhân dân. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành in ấn đang phản ứng những quy định trong Dự thảo này vì cho rằng nó gây khó dễ cho hoạt động của họ.

Đi in thiệp cưới phải trình chứng minh thư 1
Người đi in thiệp cưới, danh thiếp sẽ phải trình chứng minh thư nhân dân?

Theo Thạc sĩ Lê Văn Tròn, chủ tịch Hiệp hội in TP.HCM, dự thảo Nghị định đã làm phát sinh hàng chục loại giấy phép con, gây phiền hà cho các doanh nghiệp in. Thậm chí có những quy định “không đáng” tầm của một Nghị định.

Cụ thể, Khoản 11 Điều 13 của Dự thảo quy định: “Đối với sản phẩm in phục vụ đời sống cá nhân, không nhằm mục đích kinh doanh thì phải có phiếu đặt in theo mẫu quy định được ghi đầy đủ thông tin của cá nhân đặt in”. Mẫu quy định hiện hành là Sổ theo dõi và quản lý in do ngành công an ban hành trong đó người đặt in phải kê khai đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân…

“Như vậy, theo quy định này, người dân đi in thiệp cưới, danh thiếp, thiệp mời sinh nhật, khai trương… sẽ phải trình chứng minh nhân dân. Điều này vừa gây phiền hà cho doanh nghiệp in vừa bất cập đối với người dân", ông Tròn nhận định.

Ngoài ra, việc Dự thảo Nghị định quản lý cả ngành in ngoài xuất bản phẩm như in bao bì, nhãn hàng hóa thậm chí là cả sản phẩm in vàng mã… là không đúng chức năng của ngành xuất bản. Ngành công nghiệp in hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại do một cơ quan quản lý về văn hóa tư tưởng quy định về là chưa phù hợp.

Bên cạnh hoạt động in, Dự thảo Nghị định cũng quy định về hoạt động photocopy với những điều kiện nhận photo khá khắt khe và khó khả thi. Cụ thể, Điều 18 quy định cơ sở photocopy chỉ được copy, nhân bản sản phẩm in đã được phép lưu hành hợp pháp. Đối với xuất bản phẩm có nhiều trang chỉ được copy 5% số trang của xuất bản phẩm và nhân bản không quá 2 bản. Đối với xuất bản phẩm là tờ rời, tờ gấp chỉ được copy 10% diện tích nội dung xuất bản phẩm và nhân bản không quá 2 bản...

Dự thảo Nghị định được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đến hết ngày 27/8.

Chia sẻ