Đi du lịch ở làng làm cốc uống bia hơi

Hạ Đan,
Chia sẻ

Hầu hết các cốc uống bia bằng thủy tinh thứ cấp màu xanh nhạt, làm hoàn toàn thủ công trong những hàng bia hơi bình dân tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đều có xuất xứ từ làng nghề Xối Trì, xã Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Qua thời gian, cả làng nay chỉ còn ba hộ làm nghề. Nhưng hiện nay, ngôi làng đang bắt đầu thu hút sự chú ý của những khách du lịch ngoại quốc vốn yêu thích những món đồ thủ công độc bản.

Món quà đặc biệt từ Việt Nam

Qua hai dự án tình nguyện tại Hà Nội, Karl Bohm – chuyên gia môi trường người Đức trở thành fan của món bia hơi đường tàu. Một lần, cùng các tình nguyện viên liên hoan chia tay, Karl đang uống bia thì cái cốc thủy tinh bị vỡ khiến anh chảy máu môi. Biến cố này không khiến Karl e ngại, trái lại, nó kích hoạt lòng yêu cuồng nhiệt của anh với thứ đồ thủ công thô sơ này. Trước khi về nước, Karl nhờ bạn bè kiếm hộ hai cái cốc bia đường tàu để đóng vali về Dresden. Từ đó, thư từ qua lại, Karl khoe anh chỉ uống bia Đức với cốc đường tàu, thấy “không loại cốc nào mang lại nhiều cảm xúc bằng”.

Đi du lịch ở làng làm cốc uống bia hơi - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Duyên, một trong ba chủ hộ thổi thủy tinh còn theo nghề ở Xối Trì

Nhờ chỉ dẫn của Karl, một số người Đức sau đó sang Việt Nam công tác cũng tò mò tìm cốc đường tàu để uống bia. Họ đều bị cái vẻ “thô mộc hiếm có” của sản phẩm này thuyết phục, có người còn mua số lượng lớn về để tặng bạn bè thân thiết như một thứ quà lưu niệm.

Đi du lịch ở làng làm cốc uống bia hơi - Ảnh 2.

Cốc uống bia Xối Trì chờ tiểu thương đem đi phân phối ở các quán bia hơi

Câu chuyện cốc uống bia của Karl và nhóm bạn đã gợi ý cho anh Lê Nguyễn Hùng (tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, Đại học IULM, Ý) tổ chức một tua du lịch trải nghiệm hướng riêng đến Xối Trì.

“Tôi học ở Ý, từng đến đảo Murano – hòn đảo thủy tinh có bán kính chỉ hơn 1km vuông nhưng du lịch cực kỳ phát triển. Một nghìn năm trước, đảo Murano không có người, những thợ làm thủy tinh ở Ý được chính quyền gom ra đây để cách ly với những hộ gia đình khác, đề phòng hỏa hoạn. Dần dần, nó trở thành một địa chỉ “phải đến” khi du lịch ở Venise. Đồ thủy tinh ở đây muôn hình vạn trạng, chủ yếu là đồ lưu niệm, gia dụng. Nhà cửa trên đảo cũng được quy hoạch thống nhất về mặt kiến trúc. Khách đến đảo chủ yếu để tham quan làng nghề, mua đồ lưu niệm và ngắm hoàng hôn. Dân đảo bây giờ sống rất sung túc, hàng năm còn nộp thuế đáng kể cho nhà nước. Tôi biết làng nghề Xối Trì qua những người bạn ở Nam Định, đã đi khảo sát và phát hiện nó hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ du lịch. Dù hiện tại sản phẩm của làng nghề hơi nghèo nàn, nhưng nếu được đầu tư, chú ý thì có lẽ nó sẽ thu hút được khách du lịch”.

Đi du lịch ở làng làm cốc uống bia hơi - Ảnh 3.

Anh Phạm Xuân Dương trực tiếp thổi thủy tinh

Bị ý tưởng của anh Hùng đánh động, nghệ sĩ Ly Mai cũng đang gấp rút tiến hành một triển lãm từ thủy tinh tái chế đầu tiên ở Xối Trì. “Tôi có ý định này hai năm nay nhưng chưa tìm được địa điểm lý tưởng để tổ chức. Đồ thủy tinh tái chế được tôi biến đổi công năng, trở thành đồ trang trí và gia dụng. Từ khi gặp anh Hùng, tôi quyết định sẽ tổ chức triển lãm ở Xối Trì, vì muốn thu hút giới trẻ, chúng tôi đang liên lạc một số nghệ sĩ nhạc Indie cùng làm một sự kiện nhỏ thôi nhưng phải thật xôm. Hy vọng, khi các nghệ sĩ đến với làng nghề, họ sẽ có thêm nhiều ý tưởng góp thêm để gợi ý cho những người thợ thủ công nơi đây mở rộng chủng loại sản phẩm. Chúng tôi (với tư cách là khách tham quan) mong muốn làng thủy tinh Xối Trì không chỉ sản xuất cốc uống bia mà còn có đồ lưu niệm, đồ trang trí nhà cửa, trang sức v.v... và tất cả phải được làm thủ công hoàn toàn”, chị Mai chia sẻ.

Làng chỉ còn 3 hộ làm nghề

Khoảng 40 năm trước là thời kỳ hoàng kim của làng thủy tinh Xối Trì. Anh Phạm Văn Lĩnh, chủ một trong ba xưởng thủy tinh còn lại của làng cho biết, đến đời anh đã là thế hệ thứ ba làm nghề thổi thủy tinh. Ông nội anh Lĩnh là Phạm Văn Đạo, từ gần 80 năm trước đã học được nghề thổi thủy tinh, sau đó về thôn mở lò, truyền dạy cho người làng.

“Quy trình thổi thủy tinh thủ công trải qua nhiều công đoạn. Kỹ thuật không quá phức tạp nhưng cần người chịu khó chịu khổ, kiên trì, lại phải có sức. Nghề này giống như nghề rèn, mùa đông còn đỡ, mùa hè nhốt mình trong nhà xưởng lúc nào cũng hầm hập năm sáu mươi độ, không phải ai cũng trụ được”, anh Lĩnh chia sẻ.

Muốn thổi được thủy tinh trước tiên phải đắp được lò nấu. Hiện nay, anh Lĩnh nhập nguyên liệu đất sét ở làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), đất sau khi đem về được nghiền thành bột trộn cùng với sạn chịu nhiệt theo tỷ lệ “2 sạn 1 đất” rồi đổ nước ủ từ 15-20 ngày. Sau khi phần đất và sạn chịu nhiệt quyện chặt vào nhau là đến công đoạn “nện đất” để làm đáy nồi. Trung bình mỗi chiếc nồi nấu thủy tinh cao hơn 1m, rộng 80cm, đáy dày 10cm. Mỗi chiếc nồi khi được đắp xong sẽ được phơi trung bình một tháng mới có thể sử dụng. Theo anh Lĩnh, kỹ thuật đắp nồi rất quan trọng bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, nồi sẽ bị vỡ; khi ấy toàn bộ mẻ thủy tinh sẽ bị hỏng. Một mẻ thủy tinh thường được nấu trong 6-7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ) thì tan chảy.

Đi du lịch ở làng làm cốc uống bia hơi - Ảnh 4.

Thổi thủy tinh là công việc vất vả, nặng nhọc do liên tục phải làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao (trung bình 40-50 độ)

Thợ thổi thủy tinh lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn. Bằng mắt, họ phải ước lượng lấy đủ số thủy tinh phù hợp để thổi sản phẩm cần làm; sau đó điều tiết hơi thở với nhịp ngắn, dài để thành hình sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề có kinh nghiệm còn phải có những thủ thuật để giữ cho hơi thở đều, vừa phải. Đây là công đoạn tương đối phức tạp và khá thu hút sự chú ý của du khách.

Những chiếc cốc sau khi thổi sẽ được cắt mép bằng lửa ga ở nhiệt độ cao. Không có bất cứ sự trợ giúp nào từ máy móc, người thợ cắt mép cốc phải làm từng chiếc một bên cạnh bếp ga, và được hạ nhiệt bằng hai cái quạt điện cùng lúc. Cốc thủy tinh sau khi ra lò sẽ được ủ trong tro để hạ nhiệt từ từ, tránh bị nứt vỡ khi ra khỏi môi trường nhiệt độ cao.

Theo anh Marcron Jacobs (phóng viên người Pháp, hiện đang làm phóng sự về các kỹ thuật thủ công thuần túy ở châu Á) thì hiện trên thế giới không còn nhiều nơi sử dụng những kỹ thuật thủ công thuần túy và công cụ thô sơ như thế này để làm thủy tinh, kể cả ở một số làng nghề ở Trung Quốc hay Indonesia. Anh Jacobs cũng thông tin thêm: những sản phẩm thủ công kiểu này tuy không có độ tinh xảo, bóng bẩy như sản phẩm công nghiệp nhưng thắng ở tính độc bản và “được làm hoàn toàn bằng tay”, khi biến thành sản phẩm du lịch thì đều có giá cao. “Tuy nhiên (phóng viên này nhấn mạnh) các thợ thủ công ở Xối Trì cần cải thiện chất lượng và độ bền của thủy tinh. Nếu chỉ có mấy mẫu sản phẩm như hiện tại thì rất khó thuyết phục du khách rút hầu bao”.

Hiện nay, lò thổi thủy tinh của anh Lĩnh trung bình nấu 2 nồi/ngày đêm, mỗi người thợ thổi làm theo ca luân phiên, cứ 5 tiếng lại thay ca một lần, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Ngoài anh Lĩnh, trong làng còn có lò thủy tinh của anh Phạm Xuân Dương và anh Trần Văn Duyên. Anh Duyên chia sẻ, hiện thu nhập từ nghề thổi thủy tinh không còn “hoàng kim” như thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước nhưng túc tắc thì vẫn sống được. Nhờ danh tiếng có được trước đó, các lò thủy tinh Xối Trì hiện đều có khách đặt hàng theo mẫu, chủ yếu là cốc chén, lọ hoa, bóng đèn… nhưng nhiều nhất vẫn là cốc uống bia.

Bản thân anh Duyên hi vọng, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp xã hội có thể chú ý đầu tư và tìm thêm đầu ra cho các sản phẩm thủy tinh Xối Trì. “Chỉ cần có khách, chúng tôi có thể cải thiện mẫu mã và làm thêm đa dạng sản phẩm”, anh Duyên khẳng định.

Chia sẻ