Đi du học Anh cần chuẩn bị gì, chọn trường ra sao? – Nghe chuyên gia tư vấn mà bất ngờ!

Ứng Hà Chi ,
Chia sẻ

"Khi chọn trường, ngoài thứ hạng, các bạn trẻ cần quan tâm đến nhiều yếu tố khác như: Sự hỗ trợ của thầy cô, cơ hội việc làm trong quá trình học, môi trường học tập, chi phí,... Đây đều là những điều cực kỳ quan trọng", chị Yến Phương cho biết.

Bên cạnh các nước như Mỹ, Pháp, Canada, Australia,… thì Anh Quốc cũng là quốc gia được nhiều các bạn trẻ quan tâm, mong muốn được sinh sống và học tập. Anh Quốc là cái nôi tiếng Anh của thế giới, là nơi có chất lượng giáo dục cao và bằng cấp được công nhận trên toàn cầu. Nền giáo dục tại Anh đa dạng, chi phí học tập được hỗ trợ nhiều, thời gian học ngắn.

Ngoài ra, Anh Quốc còn có chính sách visa rõ ràng, minh bạch; sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc và định cư tại Anh nếu đủ điều kiện. Trước những lợi ích to lớn trên, nhiều bạn trẻ mong muốn đi du học nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn: "Đi du học Anh cần lưu ý điều gì? Một bộ hồ sơ du học gồm gì?, Chọn trường dựa theo tiêu chí nào?,...".

Chị Hoàng Yến Phương, 27 tuổi, sinh sống tại Hà Nội, hiện là tư vấn viên du học tại Công ty Du học INDEC đã có những chia sẻ bất ngờ và thú vị. Đây sẽ là thông tin hữu ích giúp các bạn trẻ đưa ra quyết định đúng đắn cho con đường tương lai.

Đi du học Anh cần chuẩn bị gì, chọn trường ra sao? – Nghe chuyên gia tư vấn mà bất ngờ! - Ảnh 1.

Chị Yến Phương là tư vấn viên du học tại Công ty Du học INDEC.

CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ HỒ SƠ DU HỌC TẠI ANH

Chị Yến Phương chia sẻ, công việc hàng ngày của chị là lắng nghe nguyện vọng, lên phương án cho học sinh về quốc gia học tập, trường học, chuyên ngành, lộ trình phát triển,… Để xin học bổng tại Anh, học sinh cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, bao gồm:

- Thư mời nhập học: Gồm thư có điều kiện và thư không có điều kiện. Với những học sinh đã nộp hồ sơ nhưng thiếu chứng chỉ tiếng Anh hoặc chưa có bằng tốt nghiệp thì sẽ nhận được thư mời nhập học có điều kiện. Còn học sinh đã có đầy đủ giấy tờ, thành tích học thuật sẽ được cấp thư mời nhập học không có điều kiện.

- Chứng chỉ IELTS: Chương trình dự bị cho học sinh chuẩn bị lên học chương trình cử nhân yêu cầu 5.5 IELTS trở lên; Đã học chương trình cử nhân là 6.0 – 6.5 IELTS trở lên; Chương trình thạc sĩ từ 6.5 IELTS trở lên. Để đảm bảo sinh viên tự tin khi sang nước ngoài học tập thì điểm số cùng khả năng ngôn ngữ Anh càng cao càng tốt.

- Hoạt động ngoại khóa: Khi làm hồ sơ, tham gia hoạt động nhiều là một lợi thế, giúp hồ sơ "đẹp", tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, học sinh cần nghiên cứu kỹ chuyên ngành sắp theo học là gì, nhà trường yêu cầu hoạt động gì. Chẳng hạn như có trường thích sinh viên năng động, trẻ trung thì bạn nên tham gia nhiều hoạt động xã hội, dự án cộng đồng. Nhưng nếu trường có tính học thuật cao thì bạn nên thực hiện các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Và hoạt động ngoại khóa còn tùy thuộc vào tính cách, sở thích mỗi học sinh.

- Bài luận: Đây là phần rất quan trọng. Viết luận là cơ hội để học sinh thể hiện bản thân trong hàng ngàn bộ hồ sơ na ná như nhau. Các trường thường ra topic cụ thể. Một vài topic tiêu biểu như: "Em hãy nêu lý do muốn trở thành ứng cử viên tiềm năng của học bổng này? Em sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của trường trong thời gian tới?",… Topic thường rất mở để học sinh tự do sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo trong khuôn khổ cho phép. Điều quan trọng nhất là phải thể hiện được màu sắc cá nhân, chứ không thể đi sao chép hay viết máy móc.

Bên cạnh đó, một số trường có đề tài rất lạ như: "Miêu tả về một chuỗi vòng và đưa ra bài học cá nhân!", "Kể về một kỷ niệm đáng nhớ và bài học rút ra",.... Đề tài phụ thuộc vào chuyên ngành bạn đang theo đuổi và đặc thù của trường. Ví dụ trường thiên về nghệ thuật, họ sẽ yêu cầu học sinh nộp portfolio.

Đi du học Anh cần chuẩn bị gì, chọn trường ra sao? – Nghe chuyên gia tư vấn mà bất ngờ! - Ảnh 2.

Chị Yến Phương đã hỗ trợ nhiều học sinh sang Anh học tập.

- Vòng phỏng vấn: Không có format nhất định, người phỏng vấn có thể là giảng viên Việt Nam, cũng có thể là người nước ngoài. Những bạn học sinh đến được vòng phỏng vấn nên chuẩn bị những câu hỏi cơ bản nhất. Các bạn phải nêu được nét đặc sắc cá nhân trong hàng ngàn bộ hồ sơ. Có rất nhiều học sinh xuất sắc, trình độ học vấn tương đương nhau nên điều trường mong muốn là tìm kiếm ứng viên có mức độ phù hợp cao.

Chị Yến Phương chia sẻ thêm: "Hồ sơ xin học bổng có 2 loại là học bổng tự động và học bổng có mức giá trị cao hơn. Về học bổng tự động được áp dụng khi học sinh đã nhận thư mời nhập học, tức là đảm bảo mọi yêu cầu của nhà trường. Học bổng này có giá trị từ 1000, 2000, 4000 bảng Anh. Học bổng tương ứng với điểm GPA tốt nghiệp THPT. 

Đối với suất học bổng giá trị cao hơn, ban tuyển sinh sẽ yêu cầu học sinh viết luận. Bài viết luận tùy vào chính sách nhà trường. Có trường chỉ yêu cầu viết 1 bài luận nhưng có trường yêu cầu viết 2-3 bài luận. Ngoài viết luận, một số trường còn tổ chức buổi phỏng vấn với đại diện nhà trường".

TIÊU CHÍ CHỌN TRƯỜNG – ĐIỀU BĂN KHOĂN CỦA KHÔNG ÍT HỌC SINH VÀ PHỤ HUYNH

Mỗi học sinh có nguyện vọng, background riêng nên không thể tư vấn cho ai cũng như ai. Chị Yến Phương cũng không tư vấn hay hướng học sinh đặt nặng vấn đề vị trí địa lý, thứ hạng. Tuy nhiên, khá nhiều học sinh Việt Nam thường đặt nặng ranking (xếp hạng trường) và chi phí học tập. Nhiều học sinh khác lại mong muốn trường có thứ hạng cao nhưng đảm bảo chi phí vừa phải. Vì vậy, khi đào sâu thông tin chị Yến Phương luôn chú trọng tìm hiểu kỹ bằng cách đặt ra các câu hỏi: "Lý do học sinh chọn tiêu chí này? Học sinh đã nắm được những thông tin gì về du học Anh",…

Sau đó, chị Yến Phương dành thời gian kiểm tra lại nguồn thông tin học sinh tiếp cận để từ đó xây dựng các bước tiếp theo. Theo chị, cách tốt nhất học sinh nên làm là vào website chính phủ nước Anh để nắm được chính sách. Trên đó public (công khai) những trường Đại học ở Anh đã được công nhận, được cấp phép cho du học sinh sang học.

Đi du học Anh cần chuẩn bị gì, chọn trường ra sao? – Nghe chuyên gia tư vấn mà bất ngờ! - Ảnh 3.

Chị khuyên các phụ huynh và học sinh cần kiểm chứng thông tin du học theo nguồn chính thống của chính phủ Anh, tránh tiếp cận thông tin lệch lạc.

Chị Yến Phương cho biết: "Nước Anh có 121 trường Đại học, thuộc sự quản lý của chính phủ Anh. Về chất lượng khá đồng đều. Tất nhiên trường xếp hạng 1 sẽ có khác biệt rõ ràng. Còn các đứng top 10, top 20 không có sự chênh lệch chất lượng quá lớn. Có những trường nghe tên lạ nhưng chất lượng đào tạo rất tốt nhưng bị phụ huynh đánh giá không hay. Và một điều học sinh cũng như phụ huynh cần lưu ý là ở Anh có nhiều bảng xếp hạng khác nhau. Vì thế, chúng ta phải kiểm tra sự chính thống, mức độ uy tín để đánh giá". 

Tại Anh Quốc có 2 nhóm trường là: Russell Group Universities và Modern Universities với những tiêu chí đầu vào, tiêu chí đầu ra, chất lượng đào tạo, phương pháp đào tạo, môi trường học tập khác nhau.

- Nhóm trường Russel Group Universities: Gồm những trường Đại học lâu đời, thậm chí có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Nhóm trường này có ranking cao, không chỉ đào tạo sinh viên thông thường mà còn là bộ mặt của quốc gia khi thi đấu trên thế giới. Russel Group Universities nhận được sự đầu tư nhiều từ chính phủ Anh. Chính vì vậy, ranking trường cao dẫn đến đầu vào cao hơn, chi phí học tập cao. Điều đặc biệt của nhóm trường này là hướng đến đối tượng sinh viên nghiên cứu học thuật hoặc đi giảng dạy.

- Nhóm Modern Universities: Thường mới thành lập, trường có tính ứng dụng cao, bắt trend tốt, update môn học nhanh chóng. Chẳng hạn khi học về chứng khoán, nhiều trường còn mở sàn chứng khoán ảo cho sinh viên thực hành. Chi phí của nhóm trường này không dùng nhiều vào việc quảng bá mà để trang bị cơ sở vật chất, cung cấp kỹ năng cho sinh viên. Ở Việt Nam, phụ huynh chỉ nghe những trường lâu đời gắn với thành phố nổi tiếng mà chưa biết rằng nhiều trường khác có chất lượng đào tạo không hề thua kém.

Đi du học Anh cần chuẩn bị gì, chọn trường ra sao? – Nghe chuyên gia tư vấn mà bất ngờ! - Ảnh 4.

Ngoài ra, khi chọn trường Đại học, các bạn trẻ thường trăn trở một điều: "Nên chọn trường danh tiếng tốt hay trường bình thường nhưng chuyên ngành mình định theo học tốt?". Trước vấn đề này, chị Yến Phương giải đáp: "Khi đánh giá một ứng viên, nhà tuyển dụng không chỉ căn cứ vào phần background mà còn nhìn vào kinh nghiệm nếu có. Trong trường hợp ứng viên chưa có kinh nghiệm, họ đánh giá sự tự tin, phong cách thể hiện trong cuộc phỏng vấn. 

Người Việt Nam thường trọng danh tiếng trường. Thực ra ở nước ngoài cũng vậy. Về cảm quan ban đầu, nhà tuyển dụng nào cũng thích ứng viên tốt nghiệp trường top. Nhưng về lâu dài, nếu A học trường tốt nhưng chủ quan khi làm việc, đối xử với đồng nghiệp không tốt thì khó gắn bó được với công ty. Ngược lại, bạn B mới tốt nghiệp trường thường nhưng luôn nỗ lực phấn đấu, có chí tiến thủ vẫn được lãnh đạo và đồng nghiệp quý trọng, tạo cơ hội phát triển.

Tóm lại, khi chọn trường, ngoài thứ hạng, các bạn trẻ cần quan tâm đến nhiều yếu tố khác như: Sự support của thầy cô, cơ hội việc làm trong quá trình học, môi trường học tập, chi phí,... Đây đều là những điều cực kỳ quan trọng". 

Một điều lưu ý khác: Khi đi du học không chỉ ở Anh mà ở tất cả các quốc gia khác, sinh viên cần chủ động trong học tập cũng như trong cuộc sống. Điều này giúp các bạn thích nghi với môi trường nhanh chóng, sớm phát triển bản thân vượt bậc.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ