Chuyên gia chia sẻ: Khắc phục được điều này, học sinh tăng cơ hội nhận HỌC BỔNG KHỦNG du học Mỹ

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Du học tại xứ sở cờ hoa luôn được các bạn học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm nhưng để trúng tuyển vào trường danh giá đòi hỏi sự dày công trong quá trình làm hồ sơ.

Trong thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay, việc tìm chọn môi trường học tập trở nên đa dạng, nhiều lựa chọn. Học sinh có thể chọn học ở tỉnh khác, thành phố khác, thậm chí là tại quốc gia khác. Nếu như trước đây, du học là ước mơ xa vời, chỉ gia đình có điều kiện mới cho con sang nước ngoài học tập thì ngày nay, du học trở thành một xu hướng.

Một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ. Đây cũng là đất nước được nhiều học sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm, hướng đến khi đi du học. Với chất lượng giảng dạy xuất sắc cùng nhiều chương trình học phong phú, Mỹ đã xây dựng thành công một môi trường giáo dục đáng mơ ước.

Tuy nhiên, nhiều học sinh cũng như phụ huynh đang nắm thông tin mơ hồ, chưa hiểu đầy đủ về một bộ hồ sơ "apply" học bổng Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Phạm Trang, 29 tuổi (Hà Nội). Hiện chị Phạm Trang đang là Trưởng nhóm Du học tại Công ty CP Giáo dục American Study.

Chuyên gia chia sẻ: Khắc phục được điều này, học sinh tăng cơ hội nhận HỌC BỔNG KHỦNG du học Mỹ - Ảnh 1.

Chị Phạm Trang hiện đang là Trưởng nhóm Du học tại Công ty CP Giáo dục American Study.

HỒ SƠ "APPLY" MỸ GỒM 3 PHẦN QUAN TRỌNG MÀ HỌC SINH KHÔNG THỂ BỎ QUA

- Thưa chị, một bộ hồ sơ đầy đủ để "apply" các trường Đại học tại Mỹ sẽ gồm những gì? 

Một bộ hồ sơ đầy đủ gồm 3 phần: Thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa và bài viết luận.

Trong thành tích học thuật, học sinh cần nỗ lực đạt GPA trên 9.0. Ngoài ra, bài thi chuẩn hóa như SAT và IELTS cũng nên đạt điểm tốt. Để giành học bổng vào top 100 trường Đại học tốt nhất tại Mỹ, điểm SAT nên từ 1400/1600 trở lên; IELTS 7.0 trở lên. Tiếp đến, học sinh cần chuẩn bị 3 bức thư giới thiệu (01 thư từ giáo viên chủ nhiệm; 02 thư từ giáo viên bộ môn). Thư giới thiệu được viết hoàn toàn bằng Tiếng Anh.

Phần 2 là bài viết luận, thông thường gồm bài luận chính và bài luận phụ. Bài luận chính có độ dài tối đa 650 từ. Học sinh có thể chọn 1 trong 7 đề tài được đăng tải trên website "apply" học bổng bên Mỹ. Nội dung thông thường kể về câu chuyện thường ngày làm toát lên tính cách, sự trưởng thành của bản thân. Đó có thể là câu chuyện về gia đình, trải nghiệm, các hoạt động liên quan,…

Về bài luận phụ, không phải trường Đại học nào cũng yêu cầu nộp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường yêu cầu thêm 1-2 bài luận phụ, mỗi bài khoảng 250 từ. Bài luận này xoay quanh các câu hỏi như: "Tại sao bạn quyết định chọn trường của chúng tôi để học tập và phát triển bản thân? "Tại sao bạn chọn chuyên ngành này?", "Sau khi vào trường, kế hoạch của bạn là gì, bạn sẽ đóng góp những gì cho trường?",…

Phần 3 là các hoạt động ngoại khóa, đây cũng là phần rất quan trọng, góp phần tạo nên một bài luận hay. Thông thường, học sinh cần triển khai khoảng 5 hoạt động, tập trung vào: Khả năng lãnh đạo, chuyên ngành nghiên cứu, từ thiện, khởi nghiệp, dự án cá nhân, thực tập,… Nếu các bạn học sinh có thời gian thì thực hiện càng nhiều càng tốt.

- Là người có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh "apply" học bổng bên Mỹ, theo chị, trong 3 phần của bộ hồ sơ, đâu là phần quan trọng nhất?

Thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa và bài viết luận đều quan trọng như nhau. Mỗi phần chiếm hơn 30% trên tổng hồ sơ. Tùy thuộc đặc điểm của mỗi trường dẫn đến việc ban tuyển sinh đánh giá cao ở phần đó. Mỗi trường có một thiên hướng chọn sinh viên riêng. Chẳng hạn, có trường thích sinh viên thiên hướng nghệ thuật, biết chơi các nhạc cụ. Bên cạnh đó, có trường lại thích học sinh đạt nhiều thành tích học thuật, kỹ năng lãnh đạo tốt hay chơi thể thao giỏi.

Chuyên gia chia sẻ: Khắc phục được điều này, học sinh tăng cơ hội nhận HỌC BỔNG KHỦNG du học Mỹ - Ảnh 2.

Chị Trang cho biết, cả 3 phần trong bộ hồ sơ đều quan trọng và học sinh cần chuẩn bị chỉn chu.

- Để tránh rơi vào tình trạng "nước tới chân mới nhảy", học sinh nên chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học tại thời điểm nào là hợp lý? 

Trước đây, học sinh Việt Nam không đi du học nhiều nên ít người có kinh nghiệm xin học bổng. Điều này khiến học sinh thiếu thông tin trang bị, đến năm lớp 11 mới hớt hải làm hồ sơ, dẫn đến chất lượng hồ sơ không đảm bảo. Còn ngày nay, thông tin du học khá nhiều nên các em phần nào bớt hoang mang, lo lắng.

Theo chị, thời điểm hợp lý bắt đầu thực hiện hồ sơ là năm lớp 10. Chứng chỉ IELTS có hạn 2 năm, SAT có hạn 5 năm. Vì thế, học sinh nên thi 2 bài chuẩn hóa sớm để dành thời gian còn lại tập trung vào hoạt động ngoại khóa và viết luận.

Về hoạt động ngoại khóa nên kết thúc vào cuối năm lớp 11. Thực ra, thời gian thực hiện hoạt động ngoại khóa càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, nếu không có thời gian, học sinh cần thực hiện trước 1-2 hoạt động rồi dàn trải các hoạt động còn lại để tránh cập rập. Thời gian kết thúc việc nộp hồ sơ vào giữa năm lớp 12.

BÍ KÍP "SĂN" HỌC BỔNG GIÁ TRỊ CAO KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT

- Theo chị, để đạt suất học bổng giá trị "khủng", học sinh cần chú ý điều gì? 

Bài viết luận và hoạt động ngoại khóa sẽ mang màu sắc cá nhân riêng biệt, thu hút ban tuyển sinh. Về bài viết luận, giống như môn tập làm văn ở Việt Nam vậy, không có một tiêu chuẩn hay thang điểm chính xác nào để đánh giá. Mỗi giáo viên có một cách cảm thụ riêng. Chẳng hạn cùng một bài luận nhưng người này cảm thấy thú vị nhưng người kia đọc lại thấy bình thường. Vì vậy, mọi đánh giá chỉ mang tính chất tương đối.

Chuyên gia chia sẻ: Khắc phục được điều này, học sinh tăng cơ hội nhận HỌC BỔNG KHỦNG du học Mỹ - Ảnh 3.

Chị Phạm Trang cùng các đồng nghiệp đang triển khai kế hoạch hỗ trợ học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa.

Điều quan trọng nhất là học sinh phải thể hiện được câu chuyện của mình theo lối đặc biệt, gây ấn tượng mạnh. Bài luận cũng giống như bộ phim vậy, mở đầu cần gây sự chú ý. Các tình tiết trong bài nên có nút thắt, nút mở tạo kịch tính. Nếu chỉ kể chuyện đơn thuần bằng giọng văn đều đều, không thể hiện được màu sắc riêng sẽ khiến người chấm bài cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh đó, học sinh cần chú ý tập trung miêu tả bằng việc sử dụng nhiều động từ, tính từ sẽ giúp bài viết hấp dẫn hơn.

Phần ngoại khóa có thể nhận được sự hỗ trợ ít nhiều từ mọi người. Nhưng phần viết luận, bắt buộc học sinh phải là người lên ý tưởng. Các bạn phải thể hiện được cá tính, không thể nhờ ai giúp được. Vì khi phỏng vấn, ban tuyển sinh sẽ phát hiện nếu có sự không thành thật. Ở bài viết luận, vấn đề nhiều học sinh mắc phải là không có ý tưởng, khó triển khai bài viết. Viết luận cần nhiều trải nghiệm mới có thể tạo nên một bài viết độc đáo, sâu sắc.

- Khó khăn mà học sinh thường gặp phải trong quá trình làm hồ sơ là gì, thưa chị?

Trong quá trình hướng dẫn các bạn, một trong những khó khăn lớn nhất là việc thuyết phục phụ huynh cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Học sinh Việt Nam hay được bố mẹ bao bọc, không cho đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều. Họ sợ con gặp nguy hiểm và chỉ muốn con tập trung duy nhất vào việc học. Ngược lại, ở nước Mỹ, bố mẹ thường khuyến khích con tham gia những phong trào, hoạt động tại trường học cũng như ngoài xã hội. Điều này giúp trẻ trở nên năng nặng động, nhanh nhẹn, giàu kiến thức cùng kỹ năng sống.

Chị nghĩ rằng đã quyết định cho con đi du học, các bậc phụ huynh nên tạo cơ hội để con được trải nghiệm, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ đó, con sẽ hình thành thế giới quan, có màu sắc cá nhân giúp việc viết luận trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn.

- Chị có nhiều kỷ niệm với học sinh trong quá trình hỗ trợ đi du học không?

Mỗi học sinh đều để lại cho chị kỷ niệm đáng nhớ. Nhiều bạn "apply" học bổng du học muộn dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều bạn sẵn sàng chia sẻ những điều khó nói với chị mà bố mẹ không hề biết. Nhiều bạn bị stress, không còn động lực để quyết tâm học tập trong thời điểm nhạy cảm. Những lúc đó, chị đóng vai trò là người bạn, sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe, an ủi, động viên. Đến khi ổn định tâm lý, các bạn lại tràn đầy nhiệt huyết, suy nghĩ tích cực và đạt được gói học bổng giá trị cao.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ