Đi đám hiếu sẽ mang bệnh: thật hay dị đoan?

,
Chia sẻ

Với một số người có sức đề kháng yếu, việc kiêng đến gần người chết là có cơ sở khoa học.

 
Với một số người có sức đề kháng yếu, việc kiêng đến gần người chết là có cơ sở khoa học. Ảnh: DanNy
Một số câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra cho các thầy thuốc đông y là có nên tin vào giờ trùng hay ngày trùng khi chết, có cách hay thuốc xông nào để hoá giải mùi tử khí, có phải người yếu bóng vía sẽ dễ bị bệnh khi đi tang về…

Có thể hiểu những câu hỏi trên xuất phát từ lo âu của người sống, do tin vào hậu quả của việc không kiêng cữ hay dễ dàng chấp nhận các tập tục “có kiêng có lành” mà hành xử theo hướng dẫn của người lớn hoặc của người có uy tín trong tộc họ khi gia đình có người chết. Thật ra không có tài liệu đông y nào nói về các vấn đề đó, chỉ do người đời nhầm lẫn vì đông y lấy các học thuyết triết học đông phương làm cơ sở lý luận chẩn đoán và điều trị bệnh, mà lịch sách – tử vi cũng dựa vào các học thuyết này để lý giải sinh lão bệnh tử của đời người. Trong đông y có lý thuyết Tý Ngọ lưu chú, vốn là một quy luật hoạt động của kinh mạch trong cơ thể người. Người với môi trường hợp nhất, con người là một phần của tự nhiên giới. Sự thịnh suy khí huyết trong cơ thể cũng chịu tác động khá lớn của môi trường.

Theo định nghĩa y học, chết thực sự là tình trạng ngưng tim, ngưng thở và chết não. Các hoạt động cơ thể lần lượt đình chỉ và không hồi phục, năng lượng không còn sản sinh và thân nhiệt tử thi giảm xuống. Tuỳ thuộc tập quán và văn hoá mỗi vùng sẽ có các nghi thức chuẩn bị và xử lý xác chết. Sau khi xác định đã chết thực sự, người ta sẽ tiến hành tắm rửa xác, cho vào miệng một nhúm hạt gạo, đồng tiền hoặc mảnh vàng nhỏ. Họ tin làm vậy sẽ tỏ được lòng thương xót người chết hoặc giúp con cháu đời sau sung túc. Theo tập tục một số nơi vì sợ người chết phạm trùng (chết vào giờ trùng, nặng thì tuổi nào bị trùng dễ bị tai nạn chết theo, nhẹ thì quấy phá con cháu khó làm ăn) nên người ta thường coi ngày, giờ khâm liệm hợp với vong linh người chết. Một số nơi không cho những người thân có tuổi rơi vào cung trùng với người chết được có mặt khi khâm liệm và ngay cả lúc di quan. Về mặt y học, khi chết thực sự, quá trình oxy hoá chấm dứt, cơ thể bắt đầu biến đổi do hiện tượng phân huỷ. Khi đó có hai giai đoạn xảy ra:

Biến đổi sớm: kéo dài từ 8 – 10 giờ sau khi chết thực sự. Đồng thời với hiện tượng cứng bên ngoài tử thi, bên trong ruột do không còn yếu tố bảo vệ, vi trùng ký sinh sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng, gây ra hiện tượng phân huỷ mô và thối rữa, bụng sình trướng lên, tử thi bắt đầu bốc mùi.

Biến đổi muộn: là từ sau 10 giờ trở đi, các vi trùng lên men thối tạo khí hơi sình lên, làm toàn thân trương phình, mặt biến dạng, nội tạng rữa nát, dịch thối chảy ra từ các lỗ tự nhiên như mũi, miệng, hậu môn…

Trên đây là diễn tiến của một cơ thể bình thường chết do già yếu. Nếu chết do chấn thương tai nạn, mắc các bệnh nhiễm trùng, hay chết trong điều kiện chiến tranh… thời gian của các giai đoạn nói trên sẽ thay đổi, nhất là chết do các bệnh nhiễm trùng, bội nhiễm khi chết do tai nạn... thời gian phân huỷ sẽ sớm hơn, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường người sống nếu chậm xử lý xác và khâm liệm sớm. Như vậy, nếu một xác chết do già yếu, thì quan niệm một số người phải tránh xa người chết do tuổi “trùng” chỉ là mê tín dị đoan, nhưng đối với một xác chết do bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng… thì việc liệm xác nhanh, yêu cầu một số người có sức đề kháng yếu tránh xa người chết là có cơ sở khoa học.

Ai nên kiêng đến đám tang?

Trong dân gian xưa nay vẫn tin hơi lạnh ở nhà người mới chết là có thực. Và hiện tượng vướng phải hơi lạnh nên bị bệnh cũng là phổ biến, nhất là với những người có sẵn các chứng bệnh phong thấp, huyết áp cao... Thật ra, cái gọi là hơi lạnh chính là dấu hiệu môi trường nhiễm khuẩn do xác chết phát tán ra. Để phòng bệnh, các thầy thuốc thường khuyên người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người đang có bệnh… nên tránh đến dự trực tiếp đám tang. Một số nơi họ đặt sẵn ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí. Xét về tính năng, hơi nóng của than và mùi khói bưởi, bồ kết có thể hỗ trợ sát khuẩn môi trường, giúp thân nhiệt người đến dự đám tang ổn định, khả năng nhiễm khuẩn vì vậy ít đi. Nhiều người cũng hay ngậm gừng sống, uống rượu tỏi, nước lá nhót... trước và sau khi đến lễ tang. Cách này cũng tốt cho sức khoẻ vì những thực phẩm đó có nhiều dược tính tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Dược sĩ Lê Văn Bình (hội đông y Việt Nam)

 
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay
Trưởng khoa nội y học cổ truyền, bệnh viện đại học y dược TP.HCM
SGTT 
Chia sẻ