Đi bộ sao cho khoẻ?

,
Chia sẻ

Hầu hết mọi người đều có thể đi bộ hàng ngày. Tuy nhiên, nếu bị bệnh mãn tính tiểu đường type 2, huyết áp cao, loãng xương… nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để tránh hậu quả xấu.

Dù có được tư vấn hay không, nếu đi bộ mà cảm thấy các triệu chứng đau ngực, chóng mặt, tim đập nhanh, hụt hơi hoặc thở ngắn… thì phải ngừng ngay. 

Đi chậm lúc bắt đầu và lúc kết thúc. Đi bộ chậm trong khoảng năm phút lúc bắt đầu cũng như năm phút lúc sắp kết thúc sẽ giúp hệ thần kinh và tim mạch thích ứng với thay đổi của cơ thể khi chuyển từ động sang tĩnh hoặc ngược lại, tránh những hệ quả xấu. Nên “làm nóng” người trước khi đi bộ cũng như “làm nguội” sau khi hoàn tất bằng vài động tác vươn vai hoặc lắc tay, xoay người.

Giữ tư thế đúng khi đi bộ. Không thu vai lại để giữ cho cột sống được thẳng và hô hấp được tối đa, cằm có thể hơi đưa lên nhưng cố không ngả đầu quá về phía sau. Gót chân luôn tiếp đất trước để sức nặng của cơ thể như trượt dần từ gót chân đến mũi bàn chân. Cong khuỷu tay khoảng 900 và vung cánh tay thoải mái ra phía trước và phía sau. Tránh nắm hai bàn tay lại.


Trắc nghiệm “nói chuyện”. Khi đi bộ ở cường độ trung bình, phải có khả năng nói chuyện bình thường. Nếu nói chuyện mà bị hụt hơi chứng tỏ đã vận động quá sức, cần đi với vận tốc chậm hơn. Ngược lại, nếu có thể ca một bài hát trong khi đi có nghĩa là đã vận động chưa tới mức cần thiết. Trường hợp này, nên bước đi nhanh hơn. 

Tuần ba lần, lần 30 phút. Nếu đã lâu ngày không đi bộ, chỉ nên bắt đầu bằng những lần đi chậm và ngắn khoảng 10 hay 15 phút, sau tăng dần. Khi đã đạt đến bước đi nhanh, đi được mỗi ngày 30 phút, mỗi tuần ba lần là đủ cho yêu cầu vận động thể lực cần thiết cho sức khoẻ. 

Giữ lửa nhiệt tình. Nên ghi lại những thông tin cân nặng, huyết áp, độ cholesterol trong máu, đường huyết… Những cải thiện cụ thể này sẽ là động lực giúp duy trì đi bộ. Nếu vì lý do gì đó phải lỡ mấy buổi, nên tiếp tục như vừa bắt đầu. 

Lương y Võ Hà 
Hội Y học cổ truyền Việt Nam
Theo SGTT

Chia sẻ