Đến nơi đem lại nụ cười cho những nạn nhân của chất độc màu da cam
Cơ thể không lành lặn nhưng với nỗ lực vượt bậc, họ đang từng ngày cố gắng vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội.
Vượt qua khó khăn để sống
Từ hơn 1 năm qua, ngôi nhà của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hiền luôn tràn ngập tiếng cười của những người khuyết tật trong cơ sở khuyết tật An Phúc. 19 con người với những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một điều: tất cả đều là nạn nhân của chất độc màu da cam. Mang trên mình những di chứng của vết thương chiến tranh và nỗi đau cả về thể chất và tinh thần nhưng họ đang từng ngày vươn lên với nghị lực phi thường để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trở thành những con người có ích cho xã hội.
Anh Bình, một thành viên trong cơ sở An Phú đang kết những cánh hoa lại với nhau.
Em Duyên (sinh năm 1992) một thành viên mới trong tổ ấm. Mặc dù đã tốt nghiệp khoa thiết kế đồ họa nhưng em vẫn không thể đi làm vì phải di chuyển bằng xe lăn. Đến với cơ sở em có điều kiện để làm việc và tạo thu nhập cho chính mình.
Đến với ngôi nhà của những người khuyết tật tại cơ sở An Phúc, điều mà tôi cảm nhận được nhiều nhất chính là sự ấm áp của tình người và khát khao được sống có ích của những người khuyết tật tại đây. Di chứng chiến tranh cướp đi của họ cơ thể lành lặn nhưng không thể cướp đi sự yêu đời. Bằng sự giúp đỡ của những người giàu lòng nhân ái, mỗi người tự vượt qua khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu để học nghề và làm việc để lo cho cuộc sống của chình mình.
Chiến tranh đã cướp đi của họ một cơ thể lành lặn nhưng không thể cướp đi khát khao được sống có ích.
Nhìn những chậu hoa mai vàng, những bông hồng cài áo, bình hoa... được làm khéo léo và đẹp mắt thật khó để tin rằng tất cả đều được tạo ra từ đôi tay, thậm chí là cả đôi bàn chân của những người khuyết tật ở đây. Mỗi người một việc, tỉ mỉ xây từng cánh hoa, từng chiếc lá, hạt cườm lại với nhau để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt mà đối với những người bình thường như tôi cũng cảm thấy khó khăn khi cùng mọi người ở đây làm thử. Thế nhưng với sự nhẫn nại và quyết tâm, họ vẫn hàng ngày chăm chỉ làm việc để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Anh Lê Văn Bình (một thành viên trong cơ sở) tâm sự: “Để làm được điều này, sự giúp đỡ của mọi người khi tạo điều kiện cho các thành viên được học nghề là rất quan trọng. Bên cạnh đó, mỗi người đều phải tự cố gắng để vượt qua những khó khăn nhất là khi mọi người ở đây đều là người khuyết tật.”
Đại gia đình người khuyết tật
"Mọi người ở đây đều tự giác giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Bởi vì, không ai thấu hiểu và cảm nhận rõ hơn khó khăn của mình bằng chính những người như mình. Vì thế mọi người luôn động viên nhau, giúp đỡ nhau để làm việc thật tốt và sống vui vẻ hòa đồng với nhau”, anh Bình chia sẻ.
Nụ cười luôn thường trực trên môi mỗi người tại đây.
Có được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người nhưng tất cả mọi người luôn cố gắng làm tất cả mọi việc mình có thể, từ nấu nướng, giặt giũ đến dọn dẹp nhà cửa. Nụ cười vui vẻ của những con người ở đây khi cùng làm việc, cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc sống, gia đình của mỗi người làm tôi thực sự cảm động trước sự yêu đời của họ.
Nụ cười này với nhiều người có thể bình thường nhưng với những người mang trên mình nỗi đau của chất độc da cam thì đó là cả một sự nỗ lực phi thường để vươn lên không ngừng trong cuộc sống.
“Niềm vui của mọi người ở đây đơn giản là cùng làm việc với nhau, chỉ cho nhau để làm tốt hơn, đẹp hơn hay quan tâm giúp đỡ những thành viên trong cơ sở khi cần,...hay những khi ngồi ca hát cùng nhau," một thành viên chia sẻ. Trong ngôi nhà nhỏ của những người khuyết tật ở đây treo rất nhiều nhạc cụ của các thành viên. Mỗi khi có thời gian họ lại cùng nhau đàn hát để tạo không khí vui vẻ cho căn nhà của mình sau giờ làm việc.
Cùng sống, cùng làm việc và chia sẻ đã mang đến cho họ niềm vui và nghị lực.
Nhắc đến những thành viên trong cơ sở của mình, anh Bình vui vẻ khi kể với tôi về bé trai nhỏ tuổi nhất trong nhà. Em bé mới hơn 1 tuổi là con trai của anh Đủ và chị Diễm Thu (hai thành viên trong cơ sở). Hai người đã đến với nhau sau một thời gian sống và làm việc tại đây. Khi chị sinh con, mọi người đã rất hạnh phúc và niềm hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi con trai của anh chị hoàn toàn khỏe mạnh.
Niềm hạnh phúc của mỗi người ở đây cũng tươi đẹp như những bông hoa họ làm nên mỗi ngày.
Được thành lập từ năm 2007, sau gần 5 năm hoạt động, cơ sở An Phúc với tâm huyết của những con người giàu lòng nhân ái đã dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 30 người khuyết tật là nạn nhân của chất độc màu da cam. Từ cơ sở ban đầu tại TP.HCM (nay chuyển về 132/4 Ngô Quyền,phường Lái Thiêu, Tp. Bình Dương), hiện nay, trung tâm đã mở thêm một tổ Tương trợ Vươn Lên tại xã Mây Ban, huyện Đức Linh, Tỉnh Bình Thuận. Với mong muốn giúp đỡ người khuyết có được một công việc ổn định và hòa nhập với xã hội, ban lãnh đạo đang từng ngày mang đến cho những người khuyết tật niềm tin và cơ hội để được sống và trở thành những con người có ích.
Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ dành cho những người khuyết tật tại cơ sở An
Phúc xin gửi về địa chỉ: Cơ sở An Phúc- 132/4 Ngô Quyền, phường Lái
Thiêu, TP.Bình Dương. Hoặc liên lạc theo số điện thoại: Ông Trần Hữu Quang - Giám đốc cơ sở: 0937.022.431 Chị Hà Thị Hồng Hiệp - Cô giáo dạy nghề: 0987.539.100
Mọi người có thể mua các mặt hàng thủ công do các bạn khuyết
tật sản xuất tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Số 28 đường Võ Văn
Tần, quận 3, TP.HCM vào các ngày từ thứ 3 đến chủ nhật hàng tuần hoặc
ngay tại cơ sở An Phúc. |