Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài

Dạ Nguyệt,
Chia sẻ

Tác phẩm của đạo diễn Hoàng Nam “học lỏm” nhiều phim kinh dị nổi tiếng nhưng chất lượng kém xa.

Sau mùa Tết toàn phim hài - tình cảm, khán giả có vẻ như đang “khát” một thể loại khác. Do đó mà Đèn Âm Hồn như một cơn mưa rào đúng thời điểm. Tuy có ý tưởng mới lạ lấy từ Chuyện Người Con Gái Nam Xương, bộ phim lại gây thất vọng bởi nội dung rời rạc, cóp nhặt từ nhiều tác phẩm kinh dị ăn khách khác và yếu tố diễn xuất thảm họa.

Đèn Âm Hồn xoay quanh hai mẹ con Thương (SyNi Trang) và Lĩnh (bé An Bình) đang ở nhà chờ chồng ra trận trở về. Để cậu con trai bớt cô đơn và tủi thân, Thương hay chỉ chiếc bóng của mình trên tường mỗi đêm và nói đó là bố. Thế nhưng, cô không hề hay biết chiếc đèn được mình sử dụng là đèn âm hồn có khả năng triệu hồi ác linh. Từ đây mà nhiều sự kiện rùng rợn bắt đầu ập đến.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 1.

Điểm cộng ở bối cảnh và sản xuất

Điểm sáng hiếm hoi của Đèn Âm Hồn nằm ở phần bối cảnh làng quê Bắc Bộ đẹp và nên thơ. Ê-kíp khéo léo chọn một mảnh đất nằm giữa các khúc sông lớn để tạo nên không gian biệt lập cho ngôi làng trong phim. Thiên nhiên hữu tình, thời tiết mờ ảo, màu phim âm u tạo nên bầu không khí rùng rợn đáng giá cho thể loại kinh dị. Nhiều góc quay toàn cảnh phô diễn được sự hoành tráng và đẹp mắt của bối cảnh.

Phần sản xuất cũng được đạo diễn Hoàng Nam chăm chút khá tốt. Trang phục của các diễn viên mang đậm dấu ấn vùng miền. Đặc biệt, chúng có sự cũ kỹ đúng với hình ảnh làng quê nghèo, dính với việc đồng áng cho thấy sự kỹ tính trong khâu sản xuất. Các nét văn hóa Bắc Bộ, nghi lễ tâm linh, văn hóa cũng được tái hiện chân thật trên màn ảnh.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 2.

Thế nhưng, khá khó hiểu khi phần lời thoại của phim lại khá gượng gạo và không thực tế. Có thể đoán được đạo diễn muốn đưa những câu ca dao, đối đáp mang tính văn học như Chuyện Người Con Gái Nam Xương vào phim. Nhưng trên thực tế, chúng chỉ xuất hiện như một phần gia vị của của cuộc sống. Còn việc để các nhân vật nông thôn, chân lấm tay bùn nói năng hoa mỹ thì lại vô cùng phi lý và lạc quẻ.

Kịch bản cóp nhặt mỗi nơi một ít

Nội dung của Đèn Âm Hồn lấy cảm hứng từ Chuyện Người Con Gái Nam Xương kể về nàng Vũ Nương chờ chồng là Trương Sinh ra trận về. Cô hay chỉ cái bóng của mình trên tường và nói đó là bố để chơi cùng cậu con trai. Đến khi Trương Sinh trở về và nghe lời nói ngây ngô của con nên đã nghi ngờ Vũ Nương ngoại tình rồi đuổi đi. Để chứng tỏ sự trong sạch, cô đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự sát. Đến khi Trương Sinh biết được sự thật thì đã quá trễ.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 3.

Từ cái cốt đó, bộ phim thêm các chi tiết rùng rợn như chiếc đèn tạo ra ánh sáng cho Thương là đèn âm hồn và cái bóng là âm binh. Tên oán linh mang mối hận thù và lên kế hoạch trả thù tàn ác. Không những thế, phim còn thêm vào nhân vật bà đồng Liễu (Hoàng Kim Ngọc) và em trai Hường (Tuấn Mõ) chuyên các vấn đề về tâm linh để giúp đỡ Thương chiến đấu với oán linh.

Thế nhưng, người xem không khó để nhận ra Liễu và Hường được lấy từ hình tượng pháp sư Lee Hwa Rim (Kim Go Eun) và Yoon Bong Gil (Lee Do Hyun) trong tựa phim vô cùng ăn khách Exhuma hồi năm ngoái. Thậm chí, Liễu cũng có một vũ điệu trừ tà với Hường ngồi đánh trống hỗ trợ không khác gì phân cảnh nổi tiếng trong bom tấn Hàn Quốc.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 4.

Không những thế, âm giới của Đèn Âm Hồn lại hao hao một phim kinh điển khác là Insidious (2010) với The Further (Cõi Vô Định). Lúc này, Liễu lại có nhiều chi tiết giống với bà đồng Elise (Lin Shaye) của series kinh dị do James Wan cầm trịch. Cái kết của Đèn Âm Hồn cũng là sự “xào nấu” của Insidious với hàng loạt tình huống khán giả có thể đoán trước nên chẳng có gì kịch tính, hấp dẫn.

Trong khi đó, bản thân tác phẩm của Hoàng Nam lại không có gì thú vị. Kịch bản vụng về và đơn giản, nhiều chi tiết vô lý, khiên cưỡng. Đơn cử như việc nhóm thanh niên lấy cớ “rước đèn Trung thu” để ra bãi tha ma chơi cầu cơ dù trước đó đã xảy ra nhiều cái chết bí ẩn trong làng. Khả năng và sức mạnh của oán linh không được giải thích rõ ràng khi lúc thì chỉ có thể thao túng tâm trí trẻ em, khi thì có thể giết người.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 5.

Yếu tố kinh dị trong Đèn Âm Hồn cũng khá tệ. Đạo diễn Hoàng Nam tỏ ra khá non tay trong việc tạo ra các pha hù dọa bất ngờ. Anh cũng không biết cách triển khai nút thắt hay đẩy sự cao trào, dồn dập trong tiết tấu. Các cảnh slow-motion xuất hiện rất khó hiểu, như khi… Đinh (Phú Thịnh) cởi trần bế Lĩnh đi tìm vợ mà không có mục đích, ý đồ nghệ thuật cụ thể gì. Mọi thứ diễn ra một cách bình thường, nhạt nhòa và cuối cùng trôi tuột đi khi phim khép lại.

Diễn xuất thảm họa

Không chỉ Hoàng Nam là đạo diễn tay ngang mà dàn diễn viên trong Đèn Âm Hồn cũng có nhiều cái tên phần đầu đóng phim điện ảnh. Khá khẩm nhất về mặt diễn xuất có lẽ là Hoàng Kim Ngọc. Hình tượng cô đồng Liễu khá ngầu, mạnh mẽ, quyết đoán và có nhiều giây phút tỏa sáng. Thế nhưng, nhân vật lại gợi nhắc đến cả Elise lẫn Lee Hwa Rim đã quá nổi tiếng khiến Hoàng Kim Ngọc bị lu mờ. Hường của Tuấn Mõ có nhiều phân đoạn hài hước thú vị. Song, đất diễn của anh lại khá ít, chưa được khai thác triệt để.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 6.

Thương là chiếc áo quá khổ so với SyNi Trang. Cô là nhân vật chính, trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống. Tâm lý nhân vật trải dài từ tủi thân, đau buồn cho đến hạnh phúc rồi lại tuyệt vọng. Dù đã cố gắng, nữ diễn viên sinh năm 2000 vẫn khó mà thể hiện được toàn bộ cảm xúc này và thường xuyên bị đuối sức, phải gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, thảm họa diễn xuất gọi tên Phú Thịnh. Anh xuất hiện ở nửa sau phim nhưng lập tức khiến người xem thấy “cấn”. Ngay lần đầu xuất hiện, biểu cảm của Phú Thịnh chẳng ra được một người chồng hạnh phúc khi tái ngộ vợ con sau nhiều năm ở sa trường, đối mặt sinh tử. Đài từ của anh chàng quá tệ, đôi lúc không thể nghe được nhân vật nói gì. Biểu cảm của Phú Thịnh cũng chỉ dừng lại ở trợn mắt, nhăn mặt rồi la hét thể hiện sự bực tức.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 7.

Cách Hoàng Nam xây dựng nhân vật Thương và Đinh cũng vô cùng khó hiểu. Lẽ ra khi nghe bé Lĩnh nói, Đinh phải về chất vấn vợ trước nhưng anh chỉ phẫn nộ công kích rồi đuổi cô đi mà không cho cơ hội giải thích. Thương cũng chẳng thèm tìm hiểu rõ sự việc hay lên tiếng thanh minh mà… đi thẳng ra sông gieo mình cho đúng với cốt truyện.

Anh chàng liên tục la mắng, bực tức với mọi người, thậm chí cả con mình mà chẳng có lý do gì. Về sau, Đinh cũng không hề đưa ra lời xin lỗi nào với vợ khi biết ra sự thật. Cảm xúc gắn kết giữa Thương và Lĩnh cũng chẳng có khiến Phú Thịnh và SyNi Trang lạc quẻ mỗi khi xuất hiện cùng nhau.

Chấm điểm: 2/5

Khai thác yếu tố tâm linh Việt Nam và lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học là một việc làm đáng khen, sáng tạo trong bối cảnh điện ảnh nước ta thiếu vắng dòng phim này. Song, cách học lỏm các tác phẩm kinh dị từ nước khác lại đi ngược với ý nghĩa của bộ phim là tôn vinh văn hóa Việt. Hoàng Nam có tay nghề làm phim nhưng cách viết kịch bản lại cũ kỹ, hời hợt. Hy vọng trong các bộ phim sau, anh sẽ chăm chút hơn cho khâu biên kịch thay vì lấy cái hay của người khác về làm của mình.

Đèn Âm Hồn: Phim tôn vinh văn hóa Việt lại đi đạo nhái loạt bom tấn nước ngoài- Ảnh 8.

Chia sẻ