Đến 13/5, đã có khoảng 25 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

PV,
Chia sẻ

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động là ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank, TPBank, PGBank, SeABank và mới nhất là VietABank.

Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) vừa áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới với việc điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Đây lần đầu tiên tăng lãi suất huy động trong vòng hơn 1 năm.

Cụ thể, Viet A Bank tăng thêm 0,1%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng và tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 4 -36 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ - sản phẩm có lãi suất cao nhất, kỳ hạn 1 tháng hiện có lãi suất áp dụng là 3%/năm, 2 tháng là 3,1%/năm, và 3 tháng là 3,3%/năm, 4 - 5 tháng tăng lên 3,4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng hiện tăng lên 4,5%/năm.

Hiện lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại VietABank dao động trong khoảng 5,0 – 5,4%/năm. Trong đó, mức cao nhất 5,4%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24 – 36 tháng.

VietABank là ngân hàng tiếp theo tăng lãi suất trong tháng 5. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động là ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank, TPBank, PGBank, SeABank và mới nhất là VietABank.

Trong tháng 4, cũng có tới 16 ngân hàng truyền thống tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Ngoài ra, ngân hàng thuần số Cake by VPBank cũng đã tăng 0,3 – 0,7 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn trong tháng 4.

Trước đó, đã có một số ngân hàng tăng lãi suất vào trong tháng 3 là VPBank, Eximbank, SHB và Saigonbank.

Như vậy, tính từ cuối tháng 3 đến nay, đã có khoảng 25 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm.

Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Báo cáo tài chính quý 1 cũng cho thấy tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều nhà băng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.

Về phía cầu tín dụng, số liệu của NHNN cho biết, tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%). Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã ở mức âm trong 2 tháng đầu năm.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến (tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/04/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%).

Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 – 0,7 điểm %, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 – 1%/năm từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 0,5 – 1%/năm.

Chia sẻ