Đề xuất miễn học phí cấp THCS năm học 2022-2023 khó khả thi?

Nguyễn Trang,
Chia sẻ

Chuyên gia cho rằng, việc miễn giảm học phí chưa nhất thiết thực hiện ngay trong năm học mới, có thể làm chậm lại nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và có lộ trình thực hiện cho các địa phương.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho cấp THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí cho 5,5 triệu học sinh THCS với học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học sẽ là 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Đề xuất miễn học phí cấp THCS năm học 2022-2023 khó khả thi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về nguyên tắc, khi phổ cập giáo dục đến cấp nào thì phải miễn học phí ở cấp học đó. Hiện nay ngành giáo dục đang hướng đến phổ cập giáo dục cấp THCS, song vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc miễn học phí cấp THCS.

Trực tiếp làm công tác quản lý ở cấp THCS, thầy Hồ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cho rằng, việc đề xuất miễn giảm học phí cấp THCS thời điểm này chưa thực sự phù hợp, cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn. Để có đủ ngân sách trong một thời gian đột xuất, thực hiện ngay từ năm học mới 2022-2023 sẽ rất khó khăn cho không ít địa phương vì không thể bố trí kịp nguồn lực tài chính, nhất là các địa phương có nguồn ngân sách còn eo hẹp. Việc hướng đến phổ cập giáo dục bậc THCS cần tính đến việc miễn học phí, song cần có lộ trình cụ thể, không thể thực hiện một cách gấp gáp khiến địa phương bị động, khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực.

Đề xuất miễn học phí cấp THCS năm học 2022-2023 khó khả thi? - Ảnh 2.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An).

“Chính sách này sẽ rất được lòng dân nhưng nếu thực hiện ngay trong năm học mới thì khó khả thi. Song từ nhiều năm nay, người dân chưa bao giờ bức xúc vì học phí, mà bức xúc vì những khoản tiền ngoài học phí, đặc biệt là những khoản không minh bạch, không nằm trong quy định nhưng các trường vẫn thu, hay thậm chí có cả những khoản tiền có được quy định nhưng khi vào thực tiễn lại bị biến dạng gây bức xúc cho người dân, khó khăn cho nhà trường. Trong đó điển hình nhất là vận động tài trợ cơ sở vật chất theo Thông tư 16. Do đó, bên cạnh việc xem xét miễn học phí, cần rà soát lại các quy định, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học", thầy Hồ Anh Tuấn nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, việc miễn giảm học phí THCS do Bộ GD-ĐT đề cập tới nằm trong lộ trình thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Việc phổ cập cấp học này đã được nêu trong Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 20 ban hành năm 2019 của Chính phủ về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cũng như một số thông tư khác. Bà Nga cho rằng, việc đề xuất miễn giảm học phí THCS có cơ sở pháp lý chắc chắn, là một trong những bước tiến tới hoàn toàn phổ cập giáo dục THCS. Đề xuất này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh, học sinh, nhất là sau 2 năm dịch bệnh tác động nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Đề xuất miễn học phí cấp THCS năm học 2022-2023 khó khả thi? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc miễn học phí cấp THCS ngay trong năm học mới khó khả thi.

Song xét trên thực tế, đại biểu Quốc hội cũng không khỏi băn khoăn về đề xuất miễn học phí trong thời điểm hiện tại. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay cấp tiểu học đang được miễn học phí theo quy định, nếu miễn tiếp 4 lớp cấp THCS, thì sẽ chỉ còn thu học phí 3 năm THPT. Khi không thu học phí, ngân sách nhà nước sẽ phải bù vào phần thiếu hụt.

“Hiện nay ngân sách đang rất khó khăn, phần chi ngân sách cho công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế sau dịch là rất lớn. Việc lấy ngân sách bù vào học phí thời gian này cần tính toán rất kỹ, rà soát thực tế và đặc biệt khi ban hành chính sách cần đánh giá kỹ tác động.

Việc thực hiện miễn giảm học phí trong năm học này hay năm học sau không quan trọng, chúng ta có thể làm chậm lại một chút nhưng đánh giá tác động thật kỹ, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp, khi chưa có lộ trình, chưa cân nhắc kỹ, đến khi đưa vào triển khai thực hiện sẽ rất dễ nảy sinh những bất cập, khi đó sẽ phải giải quyết những khó khăn, hạn chế”, bà Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh việc miễn học phí, bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, trước thềm năm học mới Bộ GD-ĐT cần có giải pháp đảm bảo để các trường không lạm thu. Đây là câu chuyện năm nào cũng nói nhưng vẫn luôn xảy ra tại nhiều trường học trên cả nước. “Việc chúng ta quản lý tốt dể không lạm thu còn có ý nghĩa hơn việc miễn học phí ngay lúc này”, bà Nga nói.

Ủng hộ việc xây dựng lộ trình để miễn giảm học phí, tiến tới phổ cập giáo dục THCS, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần xem xét, rà soát tham mưu cho Chính phủ để có các biện pháp thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển. Khi hệ thống các trường ngoài công lập phát triển sẽ có thể giảm tải áp lực cho hệ thống công lập, từ đó giảm được đầu tư ngân sách nhà nước. Theo đánh giá của bà Nga, hệ thống giáo dục ngoài công lập có tiềm năng phát triển mạnh, nhưng hiện nay sự đầu tư cho nhóm này vẫn chưa thực sự tương xứng./.

Chia sẻ