Đề xuất chọn riêng biển số xe ô tô bắt buộc đấu giá, giá khởi điểm 200 triệu đồng
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), điều này là khả thi cũng như góp tăng thu ngân sách.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết "thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".
Góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, qua quan sát, nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công năm 2017, Bộ Công an đã đề xuất cho đấu giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, số sau lớn hơn số trước, đây là nhóm sắp xếp theo quy tắc khoa học.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)
Cũng theo ông Cảnh, trong thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ. Với quy định cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây.
"Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá. Những số này sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng", ông Cảnh đề xuất.
Theo ông Cảnh, đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đến 40 tỷ, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đến 2 tỷ, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý.
Trong khi đó, tranh luận về áp dụng giá khởi điểm của 1 biển số ô tô đưa ra đấu giá chung trong cả nước nên ở mức nào, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn.
Thứ nhất, đại biểu cho rằng, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân quan tâm có thể tham gia vào việc đấu giá lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.
Thứ hai, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu, sở thích của mình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức khởi điểm đấu giá biển số ô tô được chia làm hai vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với mức 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại với mức 20 triệu đồng.
Mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô
Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) đề cập đến vấn đề quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô, ông Thịnh cho biết, từ trước đến nay, Nhà nước thực hiện việc cấp biển số xe cơ giới, trong đó có biển số xe ô tô để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về xe cơ giới. Cho nên, biển số xe cơ giới nói chung vẫn được coi như là giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan Nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết lần này coi biển số xe ô tô là tài sản công dưới dạng tài sản đặc thù mà không phải giấy chứng nhận tài liệu của nhà nước nữa. Thực tế, đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là tài sản đặc thù mà chỉ có Thông tư số 162 của Bộ Tài chính quy định về tài sản cố định đặc thù.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.
Về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, theo đại biểu, biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý, không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà)
Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, cần mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô.
"Tôi đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô để họ có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế, điều này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan...", ông Thịnh đề xuất.