Đẻ thuê - Bi kịch “bể show”
Hầu hết mọi người nhìn những người đàn bà “đẻ thuê” với ánh mắt ác cảm. Họ bị cho là những người vì tiền mà bán rẻ cả nhân phẩm, bán cả cốt nhục của mình
Theo sự giới thiệu của một người bà con, ngay trong ngày lễ 2/9, tôi đến gặp chị M. Chị sống lặng lẽ trong căn nhà lợp ngói, tường vôi tróc lở ngay cạnh ngôi chùa nổi tiếng đất Thành Nam.
Người đàn bà đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn còn những nét đằm thắm của một thôn nữ mộc mạc. Chuyện mới xảy ra nhưng với chị hình như nó đã là quá khứ từ rất lâu rồi.
Chị M. có một con trai với người chồng quá cố. Không may, cậu bé bị suy tim buộc phải phẫu thuật tốn kém. Vay mượn đã quá nhiều đến mức hàng xóm dù thương đến mấy cũng không dám cho chị vay nữa. Không có tiền phẫu thuật, con chị sẽ không thể tiếp tục duy trì sự sống. Thương con, chị nhắm mắt nghe theo lời người quen nhận “đẻ thuê” cho một gia đình hiếm muộn trên Hà Nội. Hợp đồng được kí với giá 40 triệu.
Mang thai 3 tháng, chị vẫn được người đàn bà hiếm muộn nọ hàng tháng đưa đi khám thai định kì, mua thực phẩm tẩm bổ và đối xử hết sức quan tâm, ngọt ngào. Bẵng đi tới gần hai tháng, không thấy bà ta tới. Gọi điện thì vợ chồng họ đã không còn dùng số cũ. Nóng ruột, chị tìm tới người quen đã giới thiệu thì mới tá hỏa khi biết vợ chồng họ vừa mới ly dị. Nhà cửa đã bán, tài sản đã chia chác xong, “anh đi đường anh, tôi đường tôi” và bản hợp đồng kí với chị thì chắc chả ai còn nhớ đến. Lúc này chị đã mang thai 5 tháng. Số tiền “tạm ứng” 5 triệu đồng của đôi vợ chồng nọ cũng đã hết sạch theo những đợt điều trị của cậu con trai ốm yếu. Trắng tay, bụng mang dạ chửa, lại cộng thêm một cậu con trai triền miên đau ốm, chị đã sống những ngày bi kịch nhất của đời mình.
Đẻ thuê và nỗi đau có thật
Một bi kịch đau lòng khác xảy ra với một cô gái hành nghề đẻ thuê tên S. Khác với chị M, S. là một “đẻ thuê viên” chuyên nghiệp. Cô đã từng đẻ thuê cho 2 người và tất cả đều “xuôi chèo mát mái”. Thấy “công việc” cũng không khó nhọc gì lại được chăm sóc, chiều chuộng, tẩm bổ, S. không ngại ngần kí kết với một đối tác tiếp theo.
Ở đời ai biết được chữ “ngờ” và S. cũng không thể là ngoại lệ. Lần này, mọi việc tưởng như đã thuận buồm xuôi gió cho đến khi cô lâm bồn. Biến chứng đã xảy ra. Cô bị chửa ngoài dạ con. Để cứu đứa bé, bác sỹ đã bắt buộc phải cắt bỏ tử cung của S. Vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ, lúc này bản năng của người phụ nữ mới trỗi dậy trong S. Cô không muốn trao con cho gia đình “Bên A”. Nhưng tất cả đã muộn, đứa bé vẫn thuộc về họ đúng như hợp đồng kí kết chỉ còn S. với nỗi đau có thật, một bi kịch mang tên “đẻ thuê”.
Lời kết
Hai câu chuyện, hai số phận con người nhưng đều gắn với một bi kịch mang tên “đẻ thuê”. Ở nhiều nước, “đẻ thuê” được hợp pháp hóa và được coi như một nghề. Việc tìm người đẻ thuê ở những nước đó dễ như thuê Ôsin. Nhưng tại Việt Nam, điều này vẫn là phạm pháp. Những hợp đồng không có giá trị pháp lý nhưng lại được kéo dài trong thời gian đủ để một đứa trẻ hình thành và ra đời thì tính rủi ro là rất cao. Tất nhiên, người gánh chịu những rủi ro ấy không ai khác là những người phụ nữ đã trót mang thân phận “đẻ thuê”. Không kể việc xã hội ta phần lớn không có thiện cảm với những người phụ nữ làm “nghề” này thì nói chung việc trở thành cái “máy đẻ” công nghiệp cũng sẽ gây cho phụ nữ nhiều hậu họa khôn lường về sau.
Theo Phunu.net