Đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 7 năm gần đây nhất, năm nay tác phẩm nào sẽ được "gọi tên"?
Dưới đây là đề thi Ngữ văn trong 7 năm qua (từ 2017 - 2023) bao gồm Nghị luận xã hội (NLXH) và Nghị luận văn học (NLVH).
Chỉ ít ngày nữa thôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ chính thức diễn ra. Ngữ văn là môn thi đầu tiên mà các sĩ tử 2k6 phải "đối mặt" trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời này. Như thông lệ, khoảng thời gian gần thi, trên các hội nhóm tuyển sinh, các sĩ tử nháo nhào đoán xem đề thi văn năm nay vào bài nào.
Nhưng các sĩ tử lưu ý, việc đoán đề này chỉ nên được xem là hành động vui vẻ để "xả stress" sau chuỗi ngày ôn thi căng thẳng thôi nhé, chứ đừng coi nó là cơ sở để học tủ. Bởi việc này chủ yếu phụ thuộc vào may mắn và tính xác suất, chẳng ai có siêu năng lực đoán đề cả đâu. Các sĩ tử hãy tập trung ôn luyện thật tốt và thật đầy đủ, như thế thì đề có ra kiểu nào đi chăng nữa bạn cũng chẳng hề sợ "lệch tủ" hay "trúng tủ nhưng sai ngăn" đâu.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về các tác phẩm từng ra trong đề thi tốt nghiệp THPT, dưới đây là đề thi Ngữ văn trong 7 năm qua (từ 2017 - 2023) bao gồm Nghị luận xã hội (NLXH) và Nghị luận văn học (VLVH). Được biết, 2017 là năm đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm là chủ yếu và cũng là năm đầu tiên xuất hiện hình thức bài thi tổ hợp liên môn.
Năm 2017:
NLXH: Trình bày suy nghĩ về sự thấu cảm trong cuộc sống.
NLVH: Tác phẩm Đất nước (Nguyễn Khoa Điểm). Ý phụ: Bình luận quan điểm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Năm 2018:
NLXH: Trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
NLVH: Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Ý phụ: Liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu ( Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.
Năm 2019:
NLXH: Sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống.
NLVH: Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Ý phụ: Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Năm 2020:
- Đợt 1:
NLXH: Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
NLVH: Tác phẩm Đất nước (Nguyễn Khoa Điểm).
- Đợt 2:
NLXH: Sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống.
NLVH: Tác phẩm Việt Bắc (Tố Hữu).
Năm 2021:
- Đợt 1:
NLXH: Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
NLVH: Tác phẩm Sóng (Xuân Quỳnh). Ý phụ: Nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
- Đợt 2:
NLXH: Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.
NLVH: Tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng). Ý phụ: Nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ.
Năm 2022:
NLXH: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.
NLVH: Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Ý phụ: Liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Năm 2023:
NLXH: Sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.
NLVH: Tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân). Ý phụ: Nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.
Thống kê nhanh, tính từ năm 2017 đến này, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Đất nước thi 2 lần. Các tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Việt Bắc, Sóng, Tây Tiến, Vợ nhặt mỗi tác phẩm thi một lần.
Tổng hợp