Đề nghị xử kín Lê Văn Luyện vì tương lai bé Bích

Theo phunutoday.vn,
Chia sẻ

Ngày 30/3, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm Lê Văn Luyện, cháu Trịnh Thị Ngọc Bích, nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm sát tại tiệm vàng ở Bắc Giang sẽ tham dự.

Tương lai của bé sẽ ra sao? Thêm một lần nữa bé Bích phải đối diện với kẻ thủ ác, phải hồi tưởng lại cảnh bố mẹ và em ruột bị giết dã man thế nào. Chúng ta hồi hộp tưởng mình đi tìm công lý mà không biết đang có thể giết chết tâm hồn một đứa trẻ". - Chị Lê Thanh Mai (Kiến An, Hải Phòng) có ý kiến:
 
1. Tôi dám khẳng định mình giống như hàng triệu người Việt có lương tri, chỉ cần nghe nói đến Lê Văn Luyện đã rùng mình ghê sợ bởi tội ác mà Luyện gây ra.
 
Trong phiên tòa sơ thẩm hắn lạnh lùng, rành rọt kể lại từng chi tiết gây án thế nào không một chút ân hận hay hối lỗi với gia đình bị hại.
 
Thậm chí, Luyện còn cười khểnh khi đi ngang qua hàng nghìn con mắt phẫn nộ đang đổ dồn về mình.
 
Hàng triệu người lớn chúng ta bị sốc vì sự dã man, băn khoăn về câu hỏi nhân tính, tình người trong xã hội ngày nay.
 
Với người lớn ngoài cuộc còn thế, thử hỏi với Bích 9 tuổi trực tiếp chứng kiến đêm đẫm máu dù có sức chịu đựng rắn rỏi đến đâu, liệu cháu có vượt qua nổi cú sốc này?
 
Tôi tưởng tượng ra cảnh cháu Bích đối diện tên Luyện ngập ngừng đối chất, hàng trăm ống kính phóng viên chĩa vào như phiên sơ thẩm, nháy đèn chói mắt. Rồi hôm sau hàng nghìn tấm ảnh giăng khắp nơi từ báo giấy, báo hình khắp nước Việt này.
 
Tôi xót xa vì tôi cũng có con nhỏ như quý vị vậy. Con nhỏ ngây thơ, chúng ta đừng hai lần tô lại vết thương tâm hồn chúng.
 
Không phải chúng ta đi tìm công lý, có thể chúng ta vô tình đang làm điều ác!
 
2. Còn nếu nhất thiết phải có mặt cháu trong phiên tòa phúc thẩm này để tòa làm rõ những điều còn khuất tất thì tôi khẩn thiết đề nghị quý tòa xét xử kín để bớt đi nỗi đau cho cháu.
 
Đêm qua tôi có tìm hiểu điều 18 và 307 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín.
 
Như vậy, về pháp lý chúng ta cũng có quyền làm điều tử tế.
 
Tòa vẫn đảm bảo công lý được thực thi, cái ác vẫn phải cúi mặt khuất phục cái thiện và sự hiếu kì không có chỗ trong phiên xử này.
 


 
3. Cần nói lại, trong phiên tòa này, sự đối mặt giữa Luyện và cháu Bích là đối diện của cái thiện và cái ác. Và một lẽ đương nhiên là ai cũng mong muốn thiện sẽ thắng ác. Nhưng thiện thắng ác không có nghĩa là phải tung hô, tường thuật trực tiếp hoặc một hình thức tương tự.
 
Bởi tội ác man rợ của Luyện ai ai cũng rõ. Nếu thêm một lần dư luận muốn chửi bới, nguyền rủa thì có thay đổi được gì nhiều, trong khi người phải gánh chịu hậu quả, người phải chịu đựng nỗi đau này không ai khác là đứa bé 9 tuổi.
 
4. Mọi người hãy đọc lại ngay, một số nhà tâm lý đã phân tích trên một số báo và cho rằng việc cho bé Bích tham dự phiên tòa sẽ có hệ quả như thế nào.
 
"Với một cháu bé phải trải qua cú sốc như thế này, chưa đủ ổn định về mặt tâm lý để đưa ra xét xử và việc để cháu tham dự phiên tòa như vậy cũng không nên", Th.s Tâm lý Trần Bích Nga (giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) nhận định.
 
Bà Nga cũng có nói: "Việc để trẻ phải dự tòa, như những trường hợp như đưa đứa trẻ ra phiên tòa ly hôn của bố mẹ để nhận về bên nào vốn đã là không tốt cho trẻ.
 
Ở đây lại là phiên tòa xử án giết người, mà đặc biệt tội phạm lại là kẻ giết cả gia đình đứa bé thì không tốt về mặt tâm lý cho đứa trẻ. Việc này sẽ khơi lại cho cháu bé ký ức kinh hoàng về sự việc.
 
Thứ hai, lại một lần nữa cháu bé phải chứng kiến hình ảnh của tên giết người, dễ khiến cháu bé bị ám ảnh cả cuộc đời, khiến cháu không thể quên được hình ảnh tên tội phạm đó. Trong kí ức đứa trẻ 8 – 9 tuổi phải chứng kiến những sự việc như thế sẽ không tốt cho sự phát triển về mặt tâm lý, tinh thần của đứa trẻ về sau".
 
Cho rằng, việc để cháu Bích tham gia hay không tham gia phiên tòa là quyết định của tòa án và gia đình nạn nhân, tuy nhiên bà Nga phân tích: “Nhưng đôi khi họ mới chỉ tính được việc trước mắt, đưa nhân chứng ra để lấy lời khai… mà chưa tính đến những hậu quả lâu dài, những hậu quả tâm lý chỉ đứa trẻ gánh chịu.
 
Theo tôi, với trẻ nhỏ về mặt nhận thức chưa được đầy đủ, lại mới phải gánh chịu cú sốc lớn như trường hợp của cháu Bích thì tốt nhất là không nên tham gia phiên tòa sắp tới vì nó chỉ khiến đứa trẻ thêm đau lòng thôi. Thậm chí còn gây sốc trong tâm lý của trẻ, khơi dậy cú sốc đó.
 
Ngay cả với một số phiên tòa xử tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên… người ta cũng hạn chế không đưa trẻ là nạn nhân tham gia các phiên tòa vì lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
 
Thường có rất nhiều đứa trẻ phải tham gia trị liệu tâm lý sau những vụ việc như thế này”.
 
Hay như chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình băn khoăn: "Nếu tham gia xét xử, thì không khí tòa, cách đặt câu hỏi mang tính truy vấn của tòa, bắt buộc khiến đứa trẻ nhớ lại ký ức mà trẻ đã trải qua…. nếu không khéo sẽ làm đứa trẻ sống lại cái cảm giác, giai đoạn mà nó từng trải qua, khiến đứa trẻ nhớ sâu hơn những chuyện đó và bị ám ảnh về tội ác mà nó phải chứng kiến.
 
Về lâu dài, đứa trẻ có thể trở nên nhút nhát hơn, thu mình hơn, cẩn trọng hơn trong cư xử với mọi người, không còn sự hồn nhiên được nữa”.
 
5. Một vụ án nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử, mà người phải chứng kiến và chịu đựng nỗi đau này là một cháu bé mới chỉ có 9 tuổi, thì những người làm luật, bảo vệ và thực thi pháp luật cũng cần phải xem xét cho cháu Bích vắng mặt hoặc xử kín.
 
Chắc mọi người vẫn nhớ, vụ án Sầm Đức Xương ở Hà Giang trong phiên sơ thẩm Tòa án cũng xét xử kín vì khi đó người bị hại chưa đủ 18 tuổi.
 
Không chỉ những vụ án dâm ô, hiếp dâm mới làm ảnh hưởng tương lai của trẻ mà một vụ án giết người ghê sợ như thế này cũng hằn lên vết thương lớn cho các cháu bé.
 
Điều tử tế nhất chúng ta có thể làm sau vụ án này không phải là hả hê nguyền rủa Lê Văn Luyện mà là bảo vệ tâm hồn một đứa trẻ. Cần làm nhất là không để cháu Bích đối diện tên Luyện tại tòa, còn nếu không được thì phải xử kín.
 
Vụ Sầm Đức Xương còn xử kín được, vậy hành động có thể có thể giết chết tâm hồn một cháu bé không lẽ chúng ta thờ ơ?

Chia sẻ