Để mồ hôi không nặng mùi thức ăn
Sẽ rất khó chịu nếu mồ hôi toát ra kèm theo mùi thức ăn, thức uống mà trước đó thân chủ đã thưởng thức, như thịt, đậu phộng, bột mì, sô-cô-la, hành, tỏi, bột cà ri, cà phê, rượu…
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, một số người có tình trạng đổ mồ hôi kèm theo mùi thức ăn. Mùi này phụ thuộc nhất định vào tính chất, số lượng thức ăn tạo mùi và cũng phụ thuộc trạng thái tinh thần và thần kinh, vệ sinh thân thể và vi khuẩn lên men trên cơ thể cũng như tình trạng bệnh lý của người đó. Chế độ ăn thiếu kẽm cũng có thể gây mùi hôi cơ thể bởi kẽm là thành phần cấu trúc của các enzyme chuyển hóa điều hòa cho việc giải độc trong cơ thể.
Bác sĩ Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyên để không bị mồ hôi toát ra kèm theo mùi thức ăn, tốt nhất là nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm như thịt, hành, tỏi, gia vị và đồ uống như cà phê hay rượu; cần uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tránh mồ hôi tích tụ khiến cơ thể sinh ra mùi; nên tránh ăn hoặc ăn hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất lecithin, cholin... có nhiều trong các sản phẩm từ đậu nành, đậu phộng, trứng, bột mì, sô-cô-la; nên ăn các thực phẩm chứa nhiều kẽm như hàu biển, củ cải trắng.
Ngoài ra, rất cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn trên da, đặc biệt là ở vùng có nếp gấp da như nách và bẹn; mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt (chất liệu sợi tự nhiên như vải cotton); giặt quần áo thường xuyên và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tránh nấm và tảo sinh sôi.
Người nghiện thuốc lá cần phải bỏ vì thuốc lá cũng là nguyên nhân gây mùi cơ thể. Các chất có trong thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn thẩm thấu qua da, kết hợp với một số chất khác tạo mùi hôi đặc trưng.