Đề kiểm tra Ngữ văn kiểu mới: Cả giáo viên và học sinh đều gặp khó
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu đổi mới dạy học môn Ngữ văn, trong đó chấm dứt vấn nạn văn mẫu. Thời điểm này, học sinh THCS – THPT bước vào kỳ thi đầu tiên với đề thi không nằm trong sách giáo khoa (SGK).
Đầu năm học Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối kỳ không dùng các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên việc xây dựng và sử dụng các đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Sau một thời gian áp dụng đối với lớp 10 bậc THPT; lớp 6,7 bậc THCS, phụ huynh, học sinh cho biết, học sinh phải vật lộn, thậm chí sốc với cách dạy học, đánh giá kiểu mới.
Chị Đặng Thị Hoàng Thao, có con học lớp 6, một trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, những bài kiểm tra thường xuyên trong học kỳ I, con đạt điểm thấp. Không chỉ con chị mà mặt bằng chung điểm của các bạn trong lớp cũng tương tự. “Ở bậc tiểu học, trước khi kiểm tra học kỳ, giáo viên sẽ cho ôn tập 2-3 dạng đề, thậm chí dựng dàn ý cho học sinh viết và sửa sau đó sẽ ra 1 đề trong số đó. Với cách học, đánh giá đó, các con gần như sẵn sàng chép lại bài và đạt điểm cao. Lên bậc THCS, học một đường, thi một nẻo, phụ huynh rất khó kèm con học và buộc phải cho đi học thêm”, chị Thao nói.
Thời điểm này, một số trường THPT đã kiểm tra học kỳ I, học sinh cũng có ý kiến về việc ngữ liệu dùng trong đề kiểm tra, đánh giá khó so với năng lực. Điều này gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, nhóm trưởng Bộ môn Ngữ văn 7, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình (Hà Nội) đánh giá, học sinh học chương trình mới từ THCS thay vì được học từ tiểu học lên nên tiếp cận rất khó khăn. SGK mới đưa các dạng nghị luận xã hội, yêu cầu học sinh rút ra tư tưởng từ tác phẩm cũng là một trong những yêu cầu khó, đặc biệt đối với các em có năng lực trung bình.
Tuy nhiên, cấu trúc đề có phần trắc nghiệm có thể coi là “phao cứu sinh” học sinh nên điểm không thấp. “Đến phần làm văn với yêu cầu giáo viên ra đề mở, ngữ liệu không có trong SGK gây khó cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên tìm tòi, nghiên cứu làm sao đề ra không quá nặng nề, mang tính giáo dục và hay để đa số học sinh với năng lực khác nhau vẫn có thể làm được”, cô Hằng nói.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có yêu cầu các nhà trường ra đề kiểm tra, đánh giá phải phù hợp với khả năng thực tế của học sinh từng lớp, từng trường; không lấy đề của trường này hoặc trường khác làm tiêu chuẩn để áp dụng hoặc ra vượt quá nội dung chương trình, gây áp lực cho học sinh.
Học sinh sợ hãi môn học?
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, qua các bài kiểm tra thường xuyên cho thấy, học sinh lớp 10 năm nay đạt điểm cao hơn học sinh lớp 11, 12 vì, cấu trúc đề với 60% kiến thức vào phần đọc hiểu, 40% làm văn. Với cách đổi mới dạy học Ngữ văn ở lớp 10, cô Nga nhận định, giáo viên phải chạy theo rèn kỹ năng cho học sinh nên mất dần tính nghệ thuật và cảm thụ văn học. Văn chương vốn dĩ rất cần chú trọng phần cảm thụ nhưng trong SGK mới, nhiều câu hỏi yêu cầu kỹ năng xác định thể loại. Các tác phẩm mới đưa vào khá mới, chưa được sàng lọc theo thời gian và chưa thực sự xuất sắc. “Cách ra đề mở và giáo viên tự do lựa chọn ngữ liệu sẽ khó tránh tình trạng ra khó, vượt tầm năng lực, đánh đố học sinh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có đề mẫu cho các trường tham khảo nên sẽ có giáo viên lúng túng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đề quá khó, gây sốc cho học sinh các tổ trao đổi chuyên môn và có sự thống nhất đề”, cô Nga nói.
Bà Trần Thị Lệ Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) cũng chia sẻ, cách dạy học, kiểm tra môn Ngữ văn ở bậc THCS thay đổi hoàn toàn so với trước đây và khác cả bậc tiểu học. Về đề kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối năm, bà Hà cho biết, sau khi giáo viên trong tổ ra đề, Ban giám hiệu sẽ duyệt nên không xảy ra tình trạng đề quá khó.
Trong khi đó, bà Lê Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) thừa nhận, học sinh bắt đầu vào lớp 6 tiếp cận cách học, kiểm tra mới có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng sau một học kỳ cho thấy khả năng đọc biểu, viết văn của các em tiến bộ bất ngờ. Tuy nhiên, đề kiểm tra cũng đòi hỏi sát chương trình học, càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt.