Để không còn nạn bạo hành gia đình

Thanh HÒa ,
Chia sẻ

Đứa con gái sáu tuổi của chị Hằng chạy đến ôm chân mẹ mà thủ thỉ: “Con muốn cắt tóc con trai... Con không muốn làm con gái như mẹ, suốt ngày bị đánh, thế thì đau lắm”.

Đấu tranh bền bỉ về nhận thức

 

Sự lệch lạc trong tiềm thức khiến cho mọi cố gắng chống lại nạn bạo hành càng trở nên khó khăn hơn. Ngay cả một cán bộ tư pháp như anh A ( Hải Phòng) đã hồn nhiên nói với cán bộ phụ nữ rằng, xung đột gia đình là điều...bình thường, chồng có tát vợ một đôi cái cũng không sao.

Trên thực tế có không ít những người phụ  nữ bị hành hạ một cách dã man nhưng hầu hết họ đều vì mặc cảm, vì con cái, không muốn "vạch áo cho người xem lưng" làm xấu hổ gia đình nên thường cố gắng chịu đựng. Tâm lý nhún nhường, nhẫn nhịn của những người phụ nữ Á Đông vẫn không cho họ cái quyền được nói lên sự thật.

Bên cạnh đó còn phải kể đến thói “gia trưởng”, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như con sâu đục khoét vẫn đang tồn tại trong xã hội. Anh T (Hoàn Kiếm) một cán bộ công chức Nhà nước hẳn hoi nhưng lại là một người khá cầu toàn trong cuộc sống. Mọi việc từ nhỏ đến lớn  đều phải vừa ý anh. Hễ không thấy thoải mái điều gì là anh lại hành hạ vợ con. Chị Huyền (vợ anh) nói trong nước mắt: “Anh ấy thường xuyên đánh đập cháu nhỏ và tôi. Có hôm chỉ vì việc tôi ăn mặc không theo ý của anh mà anh ấy đánh chửi tôi thậm tệ. Tôi chịu đựng quen rồi. Chỉ khổ thân cho cháu bé còn nhỏ mà đã suốt ngày phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau. Tôi chỉ lo điều đó sẽ ám ảnh cháu cho đến lúc lớn”.

Ai là đối tượng ? 

Mọi thành viên trong gia đình đều có thể là nạn nhân trong những vụ bạo hành gia đình. Hiện nay đang có cách nhìn nhận sai vấn đề này, đó là tuyệt đối hóa bạo lực giới một chiều. Đúng là bạo lực giới nói chung và bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ. Nhưng cần nhận thấy rằng cũng còn có bạo lực của phụ nữ đối với nam giới.

Trường hợp mà TAND tỉnh Gia Lai tuyên án bốn năm tù giam cho chị Đỗ Thị Liên ở xã Đông (Kbang) vì hành vi đánh chồng trong tháng sáu vừa qua là một ví dụ. Tối ngày 1/4/2007, sau khi anh Hoan(chồng chị) uống rượu về, chị và chồng tiếp tục cãi nhau. Anh Hoan bỏ đi, Liên ngồi uống rượu một mình. Đợi lúc chồng về và ngủ say, chị đã dùng cây gậy đánh nhiều cái vào mặt, ngực của anh Hoan làm anh bị tổn hại 52% sức khỏe.

Tuy vậy, hơn ai hết phụ nữ và trẻ nhỏ vẫn là những nạn nhân thường xuyên nhất trong cơn lốc bạo hành gia đình. Anh Kiên (Chí linh-Hải Dương) đi chơi bạc thua về và đánh vợ một trận “thừa sống thiếu chết”. Lấy cớ vợ đưa cho ít tiền quá : “mày làm tao đen cả buổi” nên anh không ngần ngại dí dao vào cổ vợ. Còn vợ anh vốn tính chịu đựng nên đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong mà thôi.

Những nạn nhân của sự bạo hành sẽ ra sao?

Trước hết là những ảnh hưởng về cả thể xác và tâm hồn mà các thành viên phải chịu đựng khi có bạo hành xảy ra. Sau đó là những cuộc ly hôn không có cách nào cứu vãn.

Anh Linh(Bình Định) vốn có sẵn máu ghen nên mọi hành động của vợ anh đều nghi ngờ. Thậm chí khi vợ đang mang thai anh cũng không tha, suốt ngày tra hỏi vợ đi đâu, làm gì và thẳng tay đánh đập vì nghi ngờ cái thai không phải là con của mình. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi Linh  đốt cả quần áo vợ, bắt vợ uống thuốc phá thai. Không thể chịu đựng được hơn về người chồng vũ phu, chị đành phải thu dọn quần áo về nhà mẹ đẻ.

 Những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình có nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm hồn, tình cảm và tương lai sau này.  Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo lực trong cách cư xử của bố mẹ cũng gây tác hại to lớn, làm tổn thương tâm thần ở trẻ, đôi khi kéo dài suốt cả cuộc đời.

Đang nấu cơm dưới bếp, đứa con gái sáu tuổi của chị Hằng chạy đến ôm chân mẹ mà thủ thỉ: “Con muốn cắt tóc con trai”. Ngạc nhiên nhìn con, không để cho chị kịp hỏi, cháu lại tiếp tục “Con không muốn làm con gái như mẹ, suốt ngày bị đánh, thế thì đau lắm”. Nỗi chua xót xâm chiếm lấy tâm hồn chị. Chị hiểu rằng con mình đã bị ảnh hưởng về tâm lý khi nhìn thấy cảnh vợ chồng chị trục trặc với nhau.

Ánh mắt thơ ngây của trẻ sẽ không còn trong sáng khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh bạo lực của gia đình. Nó trở thành nỗi ám ảnh khó phai, nhiều khi ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ ngay cả ở tuổi trưởng thành. Di chứng của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của trẻ.

Lên cấp hai, kết quả học tập của Khoa sa sút hẳn, trở thành học sinh cá biệt. Không biết từ bao giờ, Tiến trở nên hung hãn và khó bảo. Ngày nào đến trường Tiến cũng gây gổ trêu trọc, bắt nạt bạn bè. Dù đã bị nhà trường kỷ luật nhiều lần nhưng Tiến vẫn cứ “chứng nào tật nấy”. Bố mẹ Tiến đâu có biết rằng chính những hình ảnh những lúc họ đánh chửi nhau đã ám ảnh và tác động đến em cho đến tận bây giờ.

Thay cho lời kết.

Xã hội sẽ tốt đẹp lên nhiều khi không còn những tiếng kêu thét được phát ra từ mỗi gia đình. Hơn nữa,vấn đề bạo lực gia đình chỉ giảm khi ý thức cộng đồng được nâng lên. Chính vì vậy, mỗi người cần có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này. Nhà nước với những chính sách cụ thể cũng là một nhân tố quan trọng có thể  bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nghiêm khắc trừng trị những người gây ra bạo lực trong gia đình để làm gương, đồng thời không ngừng tuyên dương những cá nhân tập thể tiêu biểu trong công tác phòng chống bạo lực. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được những gia đình thực sự theo đúng nghĩa và mang giá trị truyền thống.
 
 
Thanh Hòa

 

Chia sẻ