Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ

Trung Hạ,
Chia sẻ

Vào cuối tuần, giới trẻ thành thị Trung Quốc tìm đến các đạo quán để học thái cực quyền, như một cách để an yên tâm hồn và thân xác.

Đạo quán Bạch Vân ở Bắc Kinh đã mở các lớp thái cực quyền, hoàn toàn miễn phí, và chỉ trong vòng một phút, hàng trăm suất tham gia đã được đăng ký hết sạch, phần lớn bởi giới trẻ.

Do không gian lớp học mở cửa, những người không kịp đăng ký cũng đến tham gia học hỏi. "Tôi đặc biệt yêu thích không khí đạo quán, mỗi lần đến đều cầu khấn tại đền Thần Tài", "Tập thái cực quyền đã chữa chứng mất ngủ của tôi, sau khi luyện tập, cơ thể trở nên nhẹ nhõm, tâm trạng thoải mái"...

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 1.

Lớp học thái cực quyền miễn phí tại Bạch Vân đạo quán ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 2.

Trương Nãi Mẫn, 25 tuổi, làm nghề luật sư, đến Bạch Vân đạo quán mỗi thứ Bảy và Chủ nhật để học thái cực quyền.

Không chỉ Bạch Vân, các đạo quán khác như đạo quán Thanh Dương ở Thành Đô, Huyền Diệu đạo quán ở Tô Châu... đã mở lớp thái cực quyền công cộng, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của giới trẻ. 

Trạng thái "chim ruồi" mà vị giáo sư Hạng Tiêu ở Bắc Kinh đề cập gần đây đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng: Chim ruồi là loài chim nhỏ bé, phải luôn vỗ cánh liên tục để giữ mình lơ lửng trong không trung. Đối với nhiều người trẻ, việc tập trung vào thái cực quyền tại đạo quán, giống như việc tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh.

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 3.

Thái Giai Ni, sinh viên trường múa Bắc Kinh đều đặn đi học thái cực quyền mỗi cuối tuần.

Trong Bạch Vân đạo quán, cảnh vật yên bình với những cây thông xanh biếc, tiếng chim líu lo khó mà tưởng tượng được rằng nơi này lại nằm trong thành phố tấp nập Bắc Kinh, trở thành một chốn thanh tịnh của đạo quán lớn, nơi mà mỗi khi bước vào, tâm trạng lập tức được chuyển hóa.

Mỗi cuối tuần, trong sân nhỏ tập trung những học viên của lớp thái cực quyền, chủ yếu là người lao động và sinh viên Bắc Kinh, bên cạnh đó cũng có những thanh niên đang tìm kiếm việc làm. Nhìn có vẻ chậm rãi và không cần sức lực, nhưng chỉ khi thực sự thử mới biết rằng cần phải duy trì sự tập trung cao độ.

Các lớp học miễn phí mở cửa cho mọi người, đã bắt đầu từ năm 2017 và tiếp tục sau một vài năm bị gián đoạn do dịch bệnh. Khi lại tiếp tục tổ chức vào năm ngoái, thanh niên đăng ký tham gia rất nhiều, với hàng trăm suất được đặt hết chỉ trong một phút. Nhưng bởi các lớp học được tổ chức ngoài trời và hoàn toàn mở cửa, ngay cả những người không kịp đặt chỗ cũng đến học theo.

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 4.

Đặng Gia Nghệ, một trong những giáo viên của lớp học là môn đệ thế hệ thứ mười sáu của phái Tam Phong Võ Đang, bắt đầu học từ 11 tuổi và xuống núi hai năm trước đó để đến Bắc Kinh giảng dạy võ thuật.

"Trước đại dịch, đến núi Võ Đang học tập chủ yếu là người cao tuổi, nhưng sau dịch bệnh, nhiều người trẻ đã tìm đến. Họ chia sẻ với tôi rằng, khi áp lực công việc và học tập trở nên quá lớn, sức sống bên trong họ như tiêu hao cạn kiệt. Và họ xem các đạo quán như trạm nạp năng lượng, sau đó trở lại guồng quay cuộc sống với trạng thái đầy nhiệt huyết. Khi cơ thể không còn sức lực, chúng ta đến luyện tập, khi tâm hồn không còn sức lực, chúng ta cũng đến luyện tập", thầy Đặng Gia Nghệ chia sẻ.

Trong sân nhỏ có một cây bạch quả lớn, ánh nắng mặt trời ấm áp vào mùa xuân, và đôi khi có mùi thơm của thuốc Đông y từ đạo quán.

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 5.

Hầu Thư Tường, một nhân viên lập trình 26 tuổi của công ty công nghệ, là học viên của lớp thái cực quyền, cô mất hơn một giờ đồng hồ đi tàu điện ngầm mỗi thứ Bảy để đến Bạch Vân đạo quán.

"Tôi thường không vận động, chỉ cần leo ba bốn tầng cầu thang đã cảm thấy mệt. Làm việc tại văn phòng mỗi ngày hơn 8-9 tiếng đồng hồ, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi về mặt thể chất lẫn tinh thần, lưng và cột sống như thể vỡ nát, không thể đứng thẳng nữa, nhưng tôi vẫn phải ngồi đó vì cơm áo gạo tiền", Hầu Thư Tường nói

Thành công đăng ký lớp thái cực quyền tại Bạch Vân đạo quán và tập luyện được một thời gian, nữ lập trình viên này đã đón luồng gió mới cho cơ thể của mình. "Sau khi luyện tập, tâm trạng trở nên thoải mái và cơ thể nhẹ nhõm. Buổi tối tôi dễ ngủ hơn, buổi sáng cũng không tỉnh dậy quá sớm".

Thầy Đặng Gia Nghệ đã gặp nhiều dân văn phòng thành thị tương tự: "Thực tế là ở Bắc Kinh, rất nhiều người do áp lực cuộc sống và tinh thần mà toàn bộ cơ thể họ đều bị mài mòn đến cùng cực, không thể thư giãn, và nếu kéo dài thì có thể gây ra các vấn đề như đau cổ và vai cứng, trầm cảm. Trong quá trình luyện tập lâu dài, từ từ người ta sẽ trở nên lạc quan hơn, vì hơi thở đã được giải phóng".

Để chữa lành tâm hồn và cơ thể bị tổn thương bởi guồng quay công việc, người trẻ Trung Quốc vào đạo quán tập võ- Ảnh 6.

Khương Bân, lập trình viên 31 tuổi, và bạn gái của anh có hoạt động cuối tuần là cùng nhau tập thái cực quyền, bắt đầu từ khi Khương Bân bị cơn hen suyễn vào năm ngoái, bác sĩ nói rằng do sức đề kháng yếu, thiếu tập luyện.

Lần đầu đến lớp, anh ngạc nhiên khi thấy rằng không chỉ trong lớp học thái cực quyền mà cả bên trong đạo quán cũng có rất nhiều người trẻ. "Có lẽ mọi người đặt nhiều hy vọng vào việc sống đời sống xuất thế hơn, tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn".

Giáo sư Hạng Tiêu chỉ ra "trạng thái chim ruồi", được nhiều người đồng cảm. Chim ruồi là loài chim nhỏ bé, phải liên tục vỗ cánh với tần suất cao để giữ mình lơ lửng trong không trung. Ông nói: "Nói một cách rộng lớn, toàn xã hội Trung Quốc, nhiều người đều đang lơ lửng. Mọi người đều bận rộn với công việc, chạy đua với một tương lai không xác định. Đồng thời, hiện tại lại bị treo lơ lửng, không có ý nghĩa gì ngoài việc là công cụ hướng đến tương lai. Họ không làm việc chăm chỉ vì yêu thích công việc đó, mà thường là để dành dụm đủ tiền, để sau này không cần phải làm việc nữa. 

Mọi người đều theo đuổi một ngày mai tốt đẹp hơn, ngày mai tốt đẹp cụ thể như thế nào, họ không rõ, nhưng có thể chắc chắn là cuộc sống hôm nay không đáng giá, nên cần phủ định hiện tại, do đó không thể thực sự tham gia vào hiện thực. Tập trung vào thái cực quyền trong đạo quán, đối với nhiều người trẻ, giống như việc tự an định bản thân của chim ruồi đang vỗ cánh, cuộc sống hôm nay xứng đáng được trải nghiệm".

Nguồn: The Paper

Chia sẻ