Lạc quan chứ không chủ quan: Bài học đắt giá và thấm thía sau dịch Covid-19
Trong những ngày qua, khi chưa kịp nhẹ nhõm vì đà lây nhiễm dịch Covid-19 trên toàn cầu đã có dấu hiệu giảm thì nhân loại lại phải tiếp tục hoang mang, lo lắng khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 được cảnh báo sẽ diễn biến khó lường hơn.
Dịch Covid-19 một lần nữa cho ta thấy, những thứ to lớn đôi khi không đáng sợ bằng những con virus gần như vô hình bởi tốc độ lây nhiễm nhanh và không giới hạn không gian của chúng. Bác sĩ Phạm Lê Duy (Tiến sĩ Y Khoa về Dị ứng - Miễn dịch công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM), lý giải: Khi virus xâm nhập vào trong cơ thể, chúng sẽ chui vào bên trong tế bào của đường hô hấp, bắt tế bào sản xuất ra rất nhiều virus mới. Các virus “con” này sẽ tiếp tục “xâm lăng” các tế bào lân cận với tốc độ rất nhanh. Dần dần, các tế bào bị nhiễm virus sẽ chết do kiệt quệ, hoặc bị hệ miễn dịch của chúng ta tiêu diệt nhằm mục đích diệt trừ luôn “kẻ xâm lược” đang ẩn trốn bên trong. Phản ứng đó có thể gây ra tình trạng viêm nặng nề, làm suy hô hấp, thậm chí suy đa cơ quan, và dẫn đến tử vong.”
Covid-19 đang khiến cả thế giới lo sợ vì chưa có vaccine và vẫn đang lây nhiễm ở nhiều quốc gia, thế nhưng, may mắn thay, mỗi người chúng ta có thể giảm bớt tối đa nguy cơ mắc bệnh bằng cách tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình từ những điều cơ bản nhất.
Ở khía cạnh tích cực, dịch Covid-19 khiến chúng ta biết cư xử lịch sự văn minh và sống có trách nhiệm hơn! Đây là lời đúc kết của nhà báo Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim) - tác giả cuốn sách nuôi dạy con khá nổi tiếng “Con nghĩ đi, mẹ không biết!” trong những ngày tháng cả nhân loại đang trong cuộc chiến chưa có hồi kết với Covid-19.
Cũng như rất nhiều bà mẹ khác, luôn lo lắng về sự an toàn cho sức khỏe của con, chị Thu Hà, mẹ của 2 cô gái đáng yêu Xu Sim xem khoảng thời gian trải qua dịch Covid-19 là thời điểm “có 1 không 2” để dạy cho con những bài học sinh động, thiết thực về cách bảo vệ sức khỏe từ những điều cơ bản nhất.
Chị Hà cho biết, chị đã cùng Xu Sim tìm hiểu cặn kẽ các thông tin cần thiết về dịch bệnh chuẩn bị khẩu trang, xà phòng, gel rửa tay, dung dịch vệ sinh bề mặt và các cách sát khuẩn nhà cửa… ngay từ rất sớm. Mẹ Hà còn dạy Xu Sim cách dùng khẩu trang đúng vào khi cần thiết, cùng nhau “học lại” cách rửa tay đúng bằng xà phòng...
“Thời gian cách ly, 3 mẹ con mình thường ngồi xem tin tức, rồi xem một loạt phim về dịch bệnh trên Netflix, và trong lúc xem phim, trong lúc tranh luận về phim, thỉnh thoảng mẹ Hà lại thả vào một câu bình luận về việc giữ vệ sinh và thái độ sống quan tâm tới người khác. Những bài học lúc đó sẽ rất tự nhiên và thấm thía”, mẹ Xu Sim chia sẻ.
Nhờ vậy, giờ đây, mẹ Hà chỉ cần nói rửa tay nha, thì Xu Sim hiểu ngay phải rửa tay với xà phòng và nước sạch đủ 6 bước, 20 giây. Xu Sim biết về khoảng cách an toàn, biết cư xử lịch sự văn minh, đó là không làm phiền, không làm ảnh hưởng tới người khác vì sức khoẻ người khác cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.
Ở thời điểm này, khi nguy cơ vẫn còn nhưng nhiều người đã mang tâm lý hết dịch, lơ là với những biện pháp bảo vệ sức khỏe. Lâu nay chúng ta cứ thản nhiên đi ra đường, đi ăn uống, vui chơi, gặp gỡ người này người kia, cho tới khi virus làm ta phải ngưng lại, khi đó mới thấy cuộc sống của mình khổ sở chừng nào. Thời gian cách ly thực sự quá gò bó, tù túng, nên vừa có lệnh bỏ giãn cách nhiều nhà đã bung ra tiệc tùng, chơi bời, du lịch “cho đã nư”. Chúng ta có quyền lạc quan tận hưởng tuy nhiên đừng nên chủ quan vì dịch Covid-19 vẫn còn đó.
Những lo ngại của mẹ Hà cũng là nỗi lo của rất nhiều bà mẹ khác, theo chị, dịch Covid-19 giúp chúng ta thấy được rằng nếu mỗi người chỉ nghĩ cho riêng mình là không đủ. Những vụ cách ly nguyên chuyến bay, 1 khu phố, hay cả 1 khu chung cư… là những minh chứng rõ ràng trực quan. Mình chỉ khỏe, khi tất cả mọi người xung quanh mình đều khỏe, kể cả những người xa lạ.
Những ngày qua, một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã khiến cả thế giới hoang mang lo sợ trước làn sóng lây nhiễm lần thứ 2. Không chỉ riêng Bắc Kinh, nhiều nước cũng đang phải đối mặt với nguy cơ này khi số ca nhiễm mới đã tăng nhanh trở lại trong những ngày gần đây như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức… Trước diễn biến khó lường của dịch, mặc dù đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới nhưng, Việt Nam vẫn không thể hoàn toàn miễn nhiễm khi sự kết nối, giao thương đã quay trở lại. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta phải nâng cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh.
Đồng quan điểm với mẹ Xu Sim về việc chúng ta có quyền lạc quan nhưng không nên chủ quan, bác sĩ Phạm Lê Duy cho rằng: Dù Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không vì thế mà chúng ta mất cảnh giác, lơ là những thói quen bảo vệ sức khỏe đã được thiết lập trước đó như: đeo khẩu trang nơi cộng cộng, thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi… Đặc biệt, việc dạy trẻ nhỏ ý thức và thói quen bảo vệ sức khỏe để ngăn ngừa dịch bệnh là điều nhất định phải làm.
Không phải ngẫu nhiên mà một thói quen nhỏ như: cách rửa tay bằng xà phòng đủ 6 bước và phải rửa ít nhất 20 giây dưới vòi nước lại được phổ biến rộng rãi, nhắc đi nhắc lại trên các kênh truyền thông trong dịch Covid-19. Bởi dù chỉ là một thói quen rất đơn giản, nhưng rửa tay được xem như một liều vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, ít tốn kém và dễ thực hiện nhất.
Bác sĩ Duy chia sẻ thêm: “Việc rửa tay xà phòng với nước sẽ giúp rửa sạch vi khuẩn bám trên da tốt hơn khi chỉ rửa tay bằng nước đơn thuần. Chất nhờn của xà phòng làm mất độ bám dính của vi khuẩn trên da, khiến chúng trôi tuột và dễ dàng bị cuốn đi khi rửa tay lại với nước. Độ nhờn của xà phòng khiến chúng ta phải rửa tay lâu hơn, kỹ hơn, từ đó kéo dài thời gian rửa tay, tăng hiệu quả làm sạch. Việc rửa tay thường xuyên giúp chúng ta tạo được một rào chắn để giảm bớt một tỷ lệ lớn nguy cơ tự đưa virus vào cơ thể.”
Hiểu về nguyên lí hoạt động của bóng xà phòng trên vi khuẩn
Không chỉ rửa tay, Covid-19 giúp chúng ta quay trở lại những bài học bảo vệ sức khỏe “vỡ lòng” nhất: rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng khi ho, đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu khi giao tiếp - những điều quá đỗi đơn giản nhưng lại là những tấm “lá chắn” vững chắc ngăn virus xâm nhập cơ thể.
Dù tạm yên tâm khi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch, thế nhưng cũng đừng nên chủ quan vì những “kẻ địch” vẫn còn ở đâu đó để chờ cơ hội tấn công chúng ta. Lạc quan thì được, nhưng chủ quan thì đừng, bạn nhé!