ĐD Nguyễn Quang Dũng: "Đâu phải nhờ bạn mới sang"

Thể thao Văn hóa Đàn ông ,
Chia sẻ

Ngồi ghế giám khảo một vài cuộc thi trên sóng truyền hình, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng luôn là một “kẻ phá bĩnh” tếu táo và hài hước, thân mật với tất cả các vị giám khảo đạo mạo khác…

Bạn bè tôi chắt lọc hơn

Thưa anh, ở độ tuổi băm rồi mà tôi hỏi một câu “quan niệm của anh về bạn bè” có … sáo và giống cuộc thi Học sinh thanh lịch không?

Không, ở độ tuổi nào thì cũng vậy thôi, thậm chí khi chúng ta càng trưởng thành càng cảm thấy quý giá những mối quan hệ bạn bè hơn. Đối với tôi, càng trưởng thành tôi càng nhiều bạn thân hơn nhưng lại ít bạn hơn lúc còn trẻ. Có thời kỳ, chúng ta ý thức bạn bè như là một mối quan hệ, càng rộng thì càng tốt. Nhưng về sau thì tôi không còn quan trọng việc quan hệ như vật nữa. Có thể trước đây quan hệ nhiều là vì công việc, nhưng càng về nhau bạn bè nên hiểu là một mối quan hệ cho riêng mình. Bởi thế giờ, bạn bè tôi chắt lọc hơn.

 Vậy giờ anh nhiều hay ít bạn, theo anh tự “đong đếm”?

Cũng nhiều, nhưng không nhiều bằng trước, ở một mức độ vừa phải thôi. Nhưng tôi xác định, bạn có nghĩ là thân.

Chắc cái tên Dũng Khùng, cũng chỉ do bạn bè đặt cho anh mà chết tên thôi chứ?

Tôi tự đặt, rồi bạn bè thấy đúng thì chết tên. Cái tên này có từ khi tôi mới ra trường, làng giải trí có nhiều Dũng quá, không nhớ hết và khó phân biệt nên tôi chọn một cái tên… khùng khung. Trong làng giải trí, bản năng của mỗi người là ý thức mình phải có một cái gì đó nổi bật, còn tôi khi ấy thì cũng bốc đồng lắm, tư duy thì cũng có nhiều điều cực đoan.

Mối quan hệ được coi là bạn, chứ không phải bè, không phải quan hệ xã giao công việc của anh được xây dựng trên cơ sở nào?

Với tôi, bạn càng thân càng có nhiều điều chia sẻ được. Đó là lý do mỗi người cũng có vài người bạn thân, vì có thể mình chia sẻ được với người bạn này điều này, còn mảng khác thì phải chia sẻ với người bạn khác. Vì thế, tôi cũng có nhiều bạn, nhưng bạn càng thân thì càng có nhiều điều để có thể chia sẻ được với tôi.

Đàn ông muốn tụ tập bạn bè thường í ới, “đi nhậu không bay?”. Bạn bè của anh có được xây dựng trên bàn nhậu không thưa anh?

Dạo này tôi cũng không còn nhậu nhiều… Tụ tập đi nhậu, muốn vui thì phải đông và phải nhậu được. Có người bạn không nhậu được thì rủ đi nhậu làm chi. Mà đôi khi mình tới bàn nhậu, đâu phải mình cũng thân được với tất cả mọi người trong bàn nhậu, mà đưa bạn thân mình tới thì chắc gì họ đã nhậu được hoặc có thể hòa nhập được với bạn nhậu của mình. Cũng còn tùy môi trường mới có thể bạn bè trên bàn nhậu được.

Cái lớn hơn cả tác phẩm ở con người bố tôi là tinh thần và bạn bè

Ông bố anh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nổi tiếng quảng giao và nhiều những người bạn thân tinh hoa của tri thức Việt. Anh thấy sao về mối quan hệ bạn bè của ông cụ?

Thứ nhất là ông già tôi, ông là người giao du rộng. Thời của ông, chuyện nhậu giống như một cái bắt tay vậy. Nhậu nhiều thì bạn nhiều. Trên mọi phương diện, ông được tính thoải mái nên được mọi người yêu quý. Sống hết mình và chân thành vì bạn bè, nên quan hệ bạn bè của ông nhiều và rộng. Ông đi nhiều, nên tôi có cảm giác ông có bạn trên khắp cả nước này vậy. Và ông có cái nguyên tắc, nhậu là chơi, vô bàn nhậu là không nói chuyện công việc, chỉ chuyện bạn bè vui chơi thôi.

Có phải vì bố anh vốn là người nổi tiếng nên cũng có nhiều người muốn làm bạn với ông?

Tôi thấy cũng là một phần nhỏ thôi. Tôi sống với ông già lâu năm nên tôi biết, cái lớn hơn ở con người ông là tinh thần và bạn bè. Nhiều người gặp ông còn thích ông hơn cả tác phẩm nữa. Bản thân tôi cũng vậy.

Tính cách đó ảnh hưởng đến anh chứ?

Chắc cũng có, nhưng nó không rõ ràng ở những chỗ nào để tôi có thể nói ra. Bao nhiêu năm sống gần ông, ảnh hưởng con người của ông là đương nhiên thôi.

Ông cụ có dạy, anh chọn bạn mà chơi không?

Không, chắc ông hiểu tôi nên không nhắc đến điều đó. Tôi chơi với ai ông cũng không có ý kiến.

Vậy thường thì anh chọn bạn hay bạn chọn anh để chơi?

Ờ thì đúng là quan niệm là chọn bạn mà chơi. Nhưng cứ phải nhìn ngắm người ta có gì tốt thì mình mới chơi thì dở quá. Thực ra chúng ta ai chẳng có những điểm xấu, chứ làm gì có chuyện tốt tuyệt đối. Quan điểm của tôi, chơi với bạn là người đó chia sẻ được quan điểm với tôi. Bạn bè lâu dài được là đôi bên chúng ta chấp nhận được cái tật của nhau, không cảm thấy khó chịu với nó.

Đâu phải là nhờ bạn mới sang

Bạn thân của anh là ai?

Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Tranh, Trinh Hoan…

“Hãy nói bạn của anh là ai, tôi sẽ biết anh là ai”. Anh có bao giờ suy nghĩ đến điều đó, để chọn bạn không?

Tôi chẳng quan trọng điều đó. Bạn là bạn, chứ đâu phải là nhờ bạn mới sang, bạn là cái gì đó riêng tư chứ không phải là những món trang sức.

Quay trở lại với công việc của anh, ví như trong nghề đạo diễn chẳng hạn, rõ ràng mối quan hệ bạn bè rất thuận lợi cho công việc của anh. Thí dụ anh mời một loạt ngôi sao ca nhạc, người nổi tiếng vào phim của anh. Anh đã thuyết phục họ thế nào?

Thực ra, tôi ít chơi với người trong giới văn nghệ. Có thể có người trong số họ tôi chơi chung, nhưng lại không làm việc chung. Ngược lại có nhiều người tôi thích làm việc chung nhưng ngoài đời lại ít gặp gỡ với người ta. Với tôi, nghề là nghề. Việc mời được nhiều người nổi tiếng có thể là do năng khiếu thuyết phục trong nghề nghiệp của tôi. Tôi không lợi dụng họ, thẳng thắn và chân thành rằng tôi cần họ ở vị trí nào, công việc gì. Tôi rất rõ ràng, hoặc là hợp tác đôi bên cùng có lợi hoặc là tôi chân thành rằng tôi cần họ. Công việc nào cũng vậy thôi, lời mời và cách mời hợp tác là rất quan trọng.

Gần đây trong vai trò giám khảo một số cuộc thi, người ta thấy anh tếu táo, trêu chọc tất cả mọi người từ đạo diễn Lê Hoàng đến ca sĩ Siu Black, nhạc sĩ Quốc Trung… Đó là tính cách của anh hay do mối quan hệ bạn bè khiến anh được phép thoải mái như vậy?

Đó chính là điều quyết định để nhà sản xuất mời tôi ngồi ghế giám khảo cho dù tôi không phải là người mạnh về chuyên môn cụ thể. Trong những cuộc thi truyền hình, dạng gameshow, giám khảo chúng tôi đôi khi như những nhân vật chính tạo nên tổng thể, điều tiết tiết tấu, sự kịch tính, yếu tố giải trí cho chương trình. Tôi làm nghề đạo diễn, và tôi hiểu được những yêu cầu đó. Ví dụ như với American Idol, thường người nói cuối là một ông Ác- chuyên môn cao như Simon Cowell chẳng hạn. Nhưng ở Việt Nam, nhân vật đó là anh Quốc Trung nhưng anh ấy lại là người nói đầu tiên. Tôi là người nói cuối cùng, thậm chí pha trò và nói chen ngang, dù tôi không được giao nhiệm vụ làm ông giám khảo khó tính. Tôi được giao một nhiệm vụ đối trọng với các giám khảo khác, ý thức được vấn đề thời gian lên sóng để kéo dài hoặc cắt ngang những phần nói của Giám khảo khác. Hoặc nếu như tình hình quá căng thẳng, tôi sẽ làm nhẹ đi. Nếu cần độ nặng hơn cho chương trình, thì tôi phải căng độ kịch tính…

Nói về mỗi chương trình, xét cho cùng đây là những gameshow, và mỗi cuộc thi đều có những giai đoạn mà mình cần khen chê tùy lúc. Bởi thế dù không hẳn giỏi về chuyên môn nhưng tôi có thể nói được nhiều góc độ, nên đôi khi thí sinh cũng có chút oan ức, căng thẳng một chút…

Nghề đạo diễn, càng cảm tính càng hay

Có trường hợp nào vì quan hệ bạn bè mà anh “lăng xê” người ta trong vai trò đạo diễn, hoặc giám khảo nào đó?

Cũng ít. Thật ra lý trí mà nói thì chuyện mình lăng xê một người vì người đó là bạn mình thì không được. Tuy nhiên, tôi cũng là con người, vì mình có cảm tình với người này thì về cảm tính vô thức mình sẽ quý người đó hơn. Trong hai người ngang nhau, nếu để chọn đương nhiên ai cũng sẽ chọn người mà mình quý mến hơn, đó là chuyện hết sức cảm tính.

Chẳng hạn trường hợp của Thanh Hằng. Đã có đánh giá nếu không có anh nhắm và viết riêng kịch bản thì Thanh Hằng khó có thể có thành tựu trong điện ảnh?

Nói về nghề đạo diễn, nếu có một diễn viên mà gắn được với công việc của mình một cách lâu dài thì không còn gì tốt hơn. Tôi hay mời Thanh Hằng vì những gì cô có tôi đều nắm được trong tầm tay. Ngay từ khi tôi mới chỉ có ý tưởng, chưa có kịch bản nếu tôi ngỏ lời mời thì cô đã chuẩn bị nghiêm túc cho vai diễn đó ngay lập tức.

Đạo diễn mà có được những diễn viên chính tập trung 100% ý thức cho sản phẩm của mình, hơn nữa người ta lại có tài, có tiếng thì không lý do gì mà không tin họ tuyệt đối được cả. Nếu nói như anh thì oan cho Thanh Hằng quá bởi tôi cũng nhờ vào người ta nhiều lắm. Chứ bây giờ diễn viên ngôi sao mà họ nhận lời làm với mình đồng thời cũng 2, 3 bộ phim nữa cùng thời điểm, chắc chắn hiệu quả công việc không thể tốt được.

Phim “Chân dài hành động” sắp tới của tôi, ngay từ khi chỉ có ý tưởng, cô ấy đã rất hào hứng và tập trung tập luyện võ thuật. Thử hỏi làm sao mà tôi không tin tưởng cô cho được. Đấy là chưa kể đến, không phải riêng tôi muốn mời cô mà có khối người muốn mời cô mà có được đâu, côchỉ nhận làm cho tôi…

Bởi thế mà ngay cả ở tầm quốc tế, cũng tồn tại rất nhiều mối quan hệ đạo diễn – diễn viên rất mật thiết và làm nên thành công cho nhau?

Vâng, người ta gọi đó là ê-kíp. Khi làm phim tôi cũng chỉ nhờ đến những quay phim như anh Nguyễn Tranh, anh Trinh Hoan… Trước hết họ là những người ta, sau nữa họ là bạn mình, họ hiểu mình, hiểu công việc của mình… Mình định làm gì, họ đã biết ngay nên dễ dàng làm việc hơn với những người mới. Đó là chuyện đương nhiên.

Vậy trong 3 yếu tố: mối quan hệ, tình cảm, tài năng và công việc… anh sắp xếp thứ tự ưu tiên thế nào?

Trong cuộc sống mình cần có một đời sống riêng, tình cảm làm nên hạnh phúc và sự vui vẻ  cho cuộc sống. Còn cá nhân tôi, tôi không nghĩ mình là nghệ sĩ mà chỉ nghĩ mình là người làm giải trí mà thôi, tôi sống bằng nghề này. Vì thế khi làm nghệ thuật, dù không phải là cái quan trọng nhất nhưng tôi lại ý thức đó công việc là trên hết. Tôi kiếm sống bằng nghề này thì tôi phải có trách nhiệm với nó và có ý thức phát triển, tự update thì mới tồn tại và kiếm sống lâu dài được chứ. Làm thì phải làm cho nó đàng hoàng, phải chọn người mình tin tưởng và cảm thấy tốt. Nếu để thấy tốt, thì ngoài chuyện quan hệ làm được với nhau là  phải tin tưởng nhau, có cảm xúc với nhau. Chẳng hạn, giữa hai diễn viên như nhau mà mình có cảm xúc với người nào thì chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn nữa chứ. Cái nghề này càng cảm tính càng hay, vì cảm xúc mới là điều quan trọng.

Nhiều người cũng biết quan hệ bạn bè của anh từ trong trường với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Chính vì mối quan hệ bạn bè ấy mà kích thích bọn anh cạnh tranh và chạy đua?

Cạnh tranh là điều tốt nhất trong nghề của tôi. Thị trường điện ảnh chúng ta chưa phát triển nhiều vì nó còn thiếu tính cạnh tranh. Những nhân tố “hơi hơi được” một chút là đã có chỗ đứng ngay lập tức rồi. Ở Mỹ, người tài trên khắp thế giới tập trung về đó nên thị trường mới cạnh tranh khốc liệt. Có cạnh tranh thì mới cso sự phát triển. Dĩ nhiên, giữa tôi với Đãng cạnh tranh thì có đấy, nhưng dẫu sao vẫn là bạn nên chia sẻ với nhau cũng rất nhiều. Nghề là nghề, đời là đời. Cái hay của quan hệ bạn bè với Đãng là chúng tôi có được những chia sẻ chung để tìm ra những hướng đi lâu dài cho nghề nghiệp.

Trong giới văn nghệ, nhiều mối quan hệ được coi là cộng sinh. Vậy hỏi thẳng anh, có tin được vào chuyện bạn bè và tồn tại tình bạn trong môi trường của anh không?

Thực ra, tôi vẫn tin. Tôi cho rằng, tất cả cuộc hợp tác trên đời này đều phải có lợi hai bên mới tồn tại lâu dài được, từ bạn bè đến làm ăn hay nghệ thuật. Người ta phải có lợi và có trách nhiệm nghĩ đến cái lợi của người khác. Trong nghề cuả tôi, nhiều diễn viên có tên tuổi mình mời và trả họ đúng mức cát sê toàn bộ thì chết nhà sản xuất. Nhưng nếu vì quan hệ của mình mà mời được họ với mức lương thấp hơn thì phải tạo điều kiện cho họ thật tốt, sắp xếp thời gian thuận lợi cho công việc của họ… Chứ nếu cái gì cũng chỉ nghĩ cho bản thân mình thì chơi với ai cũng chỉ được 1, 2 lần mà không thể lâu dài được đâu.

Tôi biết nhiều người trong làng văn nghệ, sẵn sàng đầu tư dài hạn cho các mối quan hệ. Chẳng hạn sẵn sàng đầu tư cho anh làm phim theo ý anh khi anh vừa ra trường, sẵn sàng mua nhà mua xe giúp anh khác khi anh ta chưa có nhà, có xe… Đổi lại là một mối quan hệ công việc lâu bền và tin cậy?

Quá tốt chứ sau, tôi cũng mong có thêm nhiều những "đại gia" quan hệ như vậy, bởi nó đúng như cách làm của các nước phát triển về giải trí. Cái gì cũng phải tính chuyện đi đường dài chứ không thể ăn xổi ở thì mãi được. Đây là cái giỏi của nhà sản xuất lớn, đã thay đổi được tư duy chộp dật vài năm trước đây, khi anh này nổi tiếng thì bu vào khai thác, hết thì vắt chanh bỏ vỏ. Bây giờ, nhiều nhà sản xuất sẵn sàng đưa tiền trước cho đạo diễn, diễn viên chỉ cần họ ký hợp đồng làm phim cho 3 năm sau. Sự đầu tư lâu dài là điều có lợi nhiều mặt, vừa giữ được người giỏi, vừa tạo điều kiện được cho họ chuẩn bị kỹ lưỡng cho các sản phẩm, sắp xếp sản xuất hợp lý và tiết kiệm hơn.

Nếu anh có nhiều tiền, anh cũng sẽ đầu tư vào quan hệ như thế chứ?

Đúng rồi!

Tức là cho anh một trái cam khi anh ốm, và không cần biết khi nào mình ốm để đòi lại trái cam?

Mình đầu tư xa là phải nghĩ đến sự tin cậy trước hết. Đầu tư như thế thường được nhắm cho những người có nhiều nội lực, đủ lực để không phải ăn xổi ở thì.


Chia sẻ