"Dậy sóng" vì cấm trẻ dưới 5 tuổi học trường nước ngoài
Theo Nghị định 73 của Chính phủ thì trẻ em Việt dưới 5 tuổi không được học trường nước ngoài.
"Sao lại kiểm duyệt quyền tối thiểu ấy của con tôi"
Theo đó, những cơ sở giáo dục nước ngoài đặt tại Việt Nam không được tiếp nhận học sinh Việt Nam (không đủ 5 tuổi), những trường này chỉ dành cho trẻ em là người nước ngoài.
Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, THCS, trường phổ thông, phổ thông có nhiều cấp học) được tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng có điều kiện. Cụ thể, trường tiểu học và THCS không được nhận quá 10% học sinh Việt trong tổng số học sinh của trường. Trường phổ thông không được quá 20% học sinh Việt trong tổng số học sinh của trường. Đặc biệt, học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Nghị định này là để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài trên địa bàn, phân loại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo mức độ đáp ứng các điều kiện, tiêu chí quy định tại Nghị định 73, yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài thực hiện điều khoản chuyển tiếp, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT các vướng mắc để nghiên cứu, giải quyết.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2012.
Trẻ em Việt đang học ở các trường quốc tế tại Việt Nam.
Nghị định này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các phụ huynh. Trên một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh, nhiều người cho rằng quy định mới của Bộ GD - ĐT đưa ra là khá lạ lùng và khó thực hiện.
Chị Trang Nguyễn nói: "Thế những mẹ người Việt và bố người nước ngoài thì sao?".
Chị Minh Nguyệt thắc mắc: "Vậy là con không được học trường quốc tế hả các mẹ. Có nhiều quy định về giáo dục làm đau đầu phụ huynh quá".
Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn thể hiện bức xúc là việc gửi con vào học trường nào là do quyết định của cha mẹ, miễn là gia đình đáp ứng được khả năng tài chính cho con cái theo học.
Ý kiến phản đối của các phụ huynh.
Anh Vũ Lân nói: "Gửi con cái ở trường nào là quyết định của cha mẹ chứ sao lại kiểm duyệt cả cái quyền tối thiểu ấy nhỉ. Không nên giới hạn bằng quy định hành chính mà nên để cho phụ huynh lựa chọn".
"Tôi không thấy được căn cứ của quyết định này"
Theo một lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT), đơn vị soạn thảo nghị định, thì những người soạn thảo cũng đã bàn kỹ về về quy định trường quốc tế không được nhận trẻ dưới 5 tuổi. Bởi vì, trẻ dưới 5 tuổi còn chưa thạo tiếng Việt, nếu học trường quốc tế sẽ có thể thạo tiếng nước ngoài hơn tiếng mẹ đẻ, có khi còn thành “Tây rởm”.
Vị này cũng thừa nhận rằng tỉ lệ 10% học sinh Việt ở các trường quốc tế là ít, mà tỉ lệ “đẹp” là 20 - 25%. Tuy nhiên, theo đơn vị soạn thảo thì nếu tỉ lệ quá cao, mục tiêu đào tạo con người Việt Nam sẽ bị lệch đi. Hơn nữa,“các nhà đầu tư cũng thực hiện phân chia theo đa dạng quốc tịch, đảm bảo hài hòa, trường nào đông học sinh Việt Nam quá, học sinh nước ngoài cũng không vào mấy”.
Đem Nghị định mới của Bộ GD-ĐT về việc trẻ em dưới 5 tuổi không được tiếp nhận tại trường nước ngoài hỏi giáo viên, giảng viên, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau, nhưng đa số đều có bày tỏ sự băn khoăn khó hiểu trước quy định này.
Cô Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy - Thạc sỹ Tâm lý, giảng viên trường Đại học Hoa Sen cho biết: "Tôi không thấy được căn cứ của quyết định này".
Cô cũng bày tỏ quan điểm rằng không nên lo lắng là trẻ dưới 5 tuổi chưa thạo tiếng Việt, nếu đến trường Tây sẽ nói tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng mẹ đẻ.
Thạc sĩ Phan Thị Dạ Thy.
Còn vấn đề trẻ có bị "Tây hóa" hay không, điều đó còn phụ thuộc vào sự kết hợp giáo dục của 3 yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội cũng như cả một quá trình hình thành nhân cách một con người suốt cuộc đời, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào một yếu tố học trường nước ngoài hay không. Theo quan điểm của tôi, Bộ Giáo dục cần xem lại Nghị định này”.
Đồng tình với quan điểm này, cô Hòa, giáo viên mầm non quận Bình Thạnh nói: "Các cháu dưới 5 tuổi thường khá hiếu động, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng Anh hầu như ngang nhau, nên không có chuyện trẻ em nói sõi tiếng Anh mà bỏ quên tiếng Việt được".
Cô cũng chia sẻ, tùy khả năng tài chính mà phụ huynh có thể chọn trường cho con học.