Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi

ANH NINH,
Chia sẻ

Trong một số trường hợp, chúng ta vẫn cảm thấy kiệt sức dù đã dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Mệt mỏi là tình trạng không hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Cường độ công việc và trách nhiệm cao khiến bạn khó có thể nghỉ ngơi một cách đầy đủ và từ đó dẫn tới trạng thái mỏi mệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta vẫn cảm thấy kiệt sức dù đã dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Khi đó, thủ phạm rất có thể là những nguyên nhân không ngờ dưới đây.

Thiếu sắt

Nồng độ sắt thấp ảnh hưởng đến lượng oxy cung cấp cho các mô của bạn, khiến chúng không có đủ năng lượng cần thiết. Thông thường, thiếu sắt cũng nghĩa là bạn bị thiếu máu. Tuy nhiên, cũng có một số người không bị thiếu máu nhưng vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi vì lượng sắt trong máu thấp. Các triệu chứng khác của việc thiếu sắt bao gồm da nhợt nhạt, móng tay giòn và khô, nhức đầu chóng mặt, đau ngực, khó thở, bàn tay và bàn chân lạnh.

Khi bị thiếu sắt, bạn cần ăn nhiều các thực phẩm như hàu, nghêu, thịt gia cầm, thịt đỏ, rau bina hoặc đậu lăng. Nếu có điều kiện, bạn cũng nên đi khám để được chỉ định sử dụng các viên uống bổ sung cho kết quả tốt hơn.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 1.

Tiêu thụ quá nhiều đường

Mặc dù cơ thể cần một lượng đường nhất định để tạo ra năng lượng, nhưng việc ăn quá nhiều đường tinh luyện có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Ngoài các vấn đề quen thuộc như tăng cân hay các bệnh mãn tính, tiêu thụ quá nhiều đường còn khiến bạn gặp phải tình trạng "sugar crash" – cảm giác mệt mỏi, nôn nao do "say" đường.

Việc cố gắng ăn thêm nhiều thực phẩm giàu protein và ít chất béo sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tự nhắc nhở bản thân chỉ sử dụng một lượng đường vừa đủ mỗi ngày.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 2.

Tuyến giáp của bạn hoạt động kém

Tuyến giáp là cơ quan sản sinh ra các hormone điều hòa sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp hoạt động không hiệu quả, cơ thể bạn rất dễ bị mệt mỏi. Các dấu hiệu khác của tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp bao gồm: cảm giác lạnh, choáng váng, táo bón, da khô, móng tay giòn và rụng tóc.

Nếu có các dấu hiệu trên, hãy đến bệnh viện và thực hiện kiểm tra tổng quát. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định xem tuyến giáp của bạn có vấn đề hay không.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 3.

Tập thể dục ít

Chúng ta thường dành nhiều thời gian cho công việc mà quên đi việc rèn luyện cơ thể qua các bài tập thể dục. Lối sống này có thể làm ảnh hưởng xấu tới cả cơ thể và tâm trí con người. Không chỉ khiến bạn tăng cân, tập thể dục ít còn gây ra trạng thái mệt mỏi và thiếu năng lượng. Đồng thời, chất lượng giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Dù là vào buổi sáng, trong giờ nghỉ trưa hay cuối buổi chiều, việc thực hiện một số bài tập đơn giản hàng ngày sẽ giúp cơ thể linh hoạt và khỏe mạnh hơn.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 4.

Thiếu vitamin B12

B12 là một loại vitamin thiết yếu có trong thịt, cá, gia cầm, trứng và sữa. Vì vậy, một số người ăn thuần chay, hoặc có chế độ ăn uống thất thường có xu hướng thiếu vitamin này. B12 cần thiết cho chức năng và sự phát triển của các tế bào não, dây thần kinh, tế bào máu và các bộ phận khác của cơ thể.

Bạn có thể bổ sung vitamin B12 bằng nhiều cách khác nhau như ăn bổ sung thực phẩm hay sử dụng viên uống. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ cũng có thể chỉ định bổ sung qua đường tiêm.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 5.

Kích thích tố của bạn không bình thường

Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra cảm giác mệt mỏi. Với nữ giới, mức estrogen quá cao và thiếu hụt progesterone khiến cơ thể ủ rũ, thiếu năng lượng. Ngoài ra, việc cơ thể không tổng hợp đủ hormone cortisol cũng dẫn đến tình trạng sức khỏe kém. Tuy nhiên, nếu đi khám định kì để kiểm tra các hormone này giúp bạn kịp thời phát hiện và có những phương án điều trị cụ thể.

Đây là những lý do không ngờ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi - Ảnh 6.

Nguồn: Huffpost

Chia sẻ