Đây là những gì các bậc cha mẹ thông minh sẽ nói khi con họ hỏi: “Chúng ta có giàu không?”

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bạn sẽ trả lời ra sao nếu con hỏi gia đình có giàu không?

Câu chuyện đầu tiên

Ngày xưa, có một đứa trẻ hỏi bố: "Chúng ta có giàu không?". Bố trả lời: "Bố giàu, còn con thì không". Vì thế, đứa trẻ này từ nhỏ đã biết rằng nó phải tự nỗ lực để có được tài sản, và khi thừa kế gia nghiệp của bố mẹ, nó cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển. Qua nhiều thế hệ, gia đình này đã xây dựng thành công một doanh nghiệp tồn tại suốt cả trăm năm.

Cũng có một đứa trẻ khác từng hỏi bố: "Chúng ta có giàu không?". Và lần này, người bố trả lời: "Bố có rất nhiều tiền, khi bố chết, tất cả những gì có sẽ là của con". Do đó, đứa trẻ này từ nhỏ đã được cưng chiều, chúng tiêu xài hoang phí, sống lười biếng không có mục đích. Khi tiếp quản tài sản của gia đình, chúng đã nhanh chóng khiến doanh nghiệp phá sản. 

Đây là những gì các bậc cha mẹ thông minh sẽ nói khi con họ hỏi: “Chúng ta có giàu không?”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tỷ phú Warren Buffett từng nói: "Con cái những người giàu có không sinh ra với chiếc thìa vàng trong miệng, mà là mang một chiếc dao vàng găm vào lưng".

Vậy, làm con của một huyền thoại như Buffett sẽ có cảm giác như thế nào? Liệu họ có suốt đời không phải lo lắng về vật chất, có thể tận hưởng những tài nguyên tốt nhất thế giới, hay có thể đạt được thành công mà không cần nỗ lực? Câu trả lời là: Không phải vậy. 

Con trai của Buffett, Peter, sau khi ra trường đã sống độc lập. Anh không chỉ phải lo liệu chi phí cho phòng thu âm, mà còn phải đối mặt với áp lực trả nợ nhà, cuộc sống chẳng khác gì những người trẻ bình thường. Peter phải nỗ lực không ngừng để xây dựng sự nghiệp của mình, và khi 19 tuổi, anh đã nhận được một phần tài sản có hạn từ cha mình, nhưng từ đó không nhận thêm bất kỳ khoản nào từ Buffett. 

Cũng giống như những nhạc sĩ, nhà soạn nhạc khác, Peter phải chứng tỏ giá trị của mình qua các tác phẩm mới. Cuối cùng, anh đã thành công nhờ sự nỗ lực của bản thân, trở thành một nhà soạn nhạc xuất sắc và giành giải Emmy - giải thưởng cao quý nhất trong ngành truyền hình Mỹ.

Peter chia sẻ rằng anh rất may mắn khi được sinh ra trong gia đình Buffett, nhưng không phải vì vật chất. Thực tế, từ nhỏ anh không được hưởng quá nhiều tài sản, mà là nhờ nhận được một nền giáo dục gia đình rất tốt và những bài học quý giá về cuộc sống từ cha mình.

Vậy đâu là những điểm khác biệt trong giáo dục gia đình của Buffett? Có bốn quan niệm rất quan trọng đã ảnh hưởng đến ba người con của ông, giúp họ trở thành những người tự lập, chứ không phải những "rich kids" chỉ biết hưởng thụ: Niềm tin/Sự khoan dung/Ủng hộ giáo dục/Xây dựng thái độ làm việc của riêng mình.

Câu chuyện thứ hai

Một năm trước, vào kỳ nghỉ hè, một người bố ở Trung Quốc đã gửi con trai 13 tuổi đến nhà dì ruột của cháu ở nước ngoài, để nhờ dì chăm sóc và giúp con mở rộng tầm mắt. Sau khi đón cậu bé từ sân bay về nhà, người dì bắt đầu chia sẻ một số quy tắc sống. 

Bà nói: "Trong suốt tháng hè này, ba của con nhờ dì chăm sóc con, nhưng dì muốn nói với con rằng dì không có trách nhiệm đó, vì ba con không nợ dì, dì cũng không nợ con. Vì vậy, chúng ta là người bình đẳng. 

Con đã 13 tuổi, có thể tự lo liệu cuộc sống cơ bản rồi, từ ngày mai con phải tự dậy, dì sẽ không gọi con dậy. Sau khi thức dậy, con phải tự làm bữa sáng, vì dì phải đi làm. Ăn xong, con phải tự rửa bát, đó không phải là trách nhiệm của dì. Phòng giặt đồ ở đây, con tự giặt quần áo nhé. 

Đây là bản đồ thành phố và bảng giờ xe buýt, con phải tự tìm hiểu và quyết định xem muốn đi đâu chơi. Nếu có thời gian, dì có thể dẫn con đi, nếu không, con phải tự tìm hiểu về tuyến đường và thời gian. Tổng thể, con cần phải tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình, vì dì cũng có việc riêng. Mong rằng con sẽ không làm phiền dì".

Cậu bé 13 tuổi ngơ ngác nghe dì nói xong, chắc chắn trong lòng cậu đã có sự thay đổi, vì ở nhà, mọi thứ đều do bố mẹ lo liệu.

Sau một tháng, khi cậu bé trở về, gia đình ngạc nhiên nhận ra rằng cậu đã thay đổi rất nhiều. Cậu bé giờ đã biết tự làm mọi việc: Dậy sớm dọn giường, ăn xong tự rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, sử dụng máy giặt, ngủ đúng giờ, và đối xử với mọi người cũng trở nên lễ phép hơn. Bố mẹ của cậu rất ngạc nhiên.

Tình yêu là không nuông chiều

Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh quá cưng chiều và bao bọc con cái. Họ muốn cung cấp cho con tất cả những gì mình có, thậm chí có thể làm mọi thứ cho con mà không để chúng phải đụng tay vào. Tuy nhiên, việc nuông chiều quá mức sẽ làm trẻ không nhận thức được khả năng và trách nhiệm của mình.

Là phụ huynh, chúng ta cần học cách buông tay, để con cái hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ, giúp chúng trưởng thành trong quá trình thực hiện những trách nhiệm ấy. Đừng làm những bậc phụ huynh "bao bọc" quá mức, vì điều đó có thể sinh ra những đứa trẻ chỉ giỏi học hành nhưng lại thiếu khả năng sống và tự lập.

Một nghiên cứu của các học giả Harvard đã chỉ ra một kết luận đáng kinh ngạc:

Trẻ em thích làm việc nhà và không thích làm việc nhà khi trưởng thành có tỷ lệ tìm được công việc là 15:1, tỷ lệ phạm tội là 1:10. Những đứa trẻ thích làm việc nhà khi lớn lên có tỷ lệ ly hôn thấp, tỷ lệ mắc bệnh tâm lý cũng thấp. 

Các chuyên gia khác cũng chỉ ra rằng trong quá trình trưởng thành của trẻ, lao động nhà cửa có liên quan chặt chẽ với sự phát triển kỹ năng vận động, khả năng nhận thức và sự hình thành ý thức trách nhiệm. Ở Mỹ, bất kể độ tuổi, trẻ em đều là thành viên quan trọng trong gia đình, vì vậy việc nói với trẻ về trách nhiệm trong gia đình là rất quan trọng, và làm việc nhà là cách tốt nhất để trẻ có thể hiểu được điều đó.

Chia sẻ