Đây là cuốn sách về chủ đề giáo dục gây tranh cãi nhất: Tác giả viết gì mà bị gắn mác "kẻ cực đoan"?
Ngay từ khi ra mắt, "Ảo Tưởng Về Nuôi Dạy Trẻ" đã tạo nên làn sóng chấn động trong giới học thuật khi dám thách thức những quan niệm giáo dục truyền thống.
"Ảo Tưởng Về Nuôi Dạy Trẻ" (The Nurture Assumption) là một trong những cuốn sách gây tranh cãi nhất trong lịch sử giáo dục trẻ em. Tác giả của cuốn sách, Judith Rich Harris, một nhà tâm lý học nổi tiếng tại Mỹ. Bà từng biên soạn nhiều giáo trình đại học về phát triển trẻ em và là tác giả của các cuốn sách khoa học phổ biến bán chạy như "Gen và Nuôi Dạy" cùng cuốn sách gây chấn động này.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu độc lập, Judith đã có nhiều năm chuyên sâu trong các lĩnh vực tâm lý học tiến hóa, xã hội học và tâm lý phát triển, mang đến những góc nhìn vô cùng đặc sắc.
Ngay từ khi ra mắt, "Ảo Tưởng Về Nuôi Dạy Trẻ" đã tạo nên làn sóng chấn động trong giới học thuật khi dám thách thức những quan niệm giáo dục truyền thống.

Judith Rich Harris
Sau khi bản đầu tiên phát hành, Judith Harris lập tức bị gán mác là "kẻ cực đoan", "nhà cách mạng điên rồ", bởi bà tuyên bố rằng cha mẹ không có ảnh hưởng lâu dài tới nhân cách của con cái, cũng như không quyết định cách hành xử của trẻ khi ra đời thực.
Xuất bản chính thức vào năm 1998, cuốn sách nhanh chóng trở thành tác phẩm tâm lý học bán chạy nhất hơn một thập kỷ về sau trong lĩnh vực phát triển trẻ em và nhân cách. Nhà tâm lý học nổi tiếng Steven Pinker nhận định, cuốn sách này đã "hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận của ông về tuổi thơ và trẻ em", đồng thời dự đoán nó sẽ trở thành "một bước ngoặt trong lịch sử tâm lý học".
Mục tiêu ban đầu của Judith Harris là giúp việc nuôi dạy con cái trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt áp lực cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn phụ huynh vẫn trung thành với phương pháp giáo dục truyền thống, và ngay cả con gái bà cũng áp dụng những cách nuôi dạy cổ điển. Chính tác giả cũng phải than thở: "Làm sao để tôi có thể ảnh hưởng đến con gái mình đây?".
Vậy rốt cuộc, Judith Harris đã viết những gì khiến dư luận "nổ tung"?
Ngay từ mở đầu bài luận mang tên cuốn sách, bà khẳng định: "Liệu cha mẹ có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách của con cái không? Sau khi kiểm chứng các bằng chứng hiện có, câu trả lời là: Không".

Cuốn sách gây tranh cãi
Trẻ em không được "xã hội hóa" bởi cha mẹ
Theo Judith Harris, cuốn sách này có hai mục tiêu: Thay đổi quan niệm rằng nhân cách trẻ em được hình thành bởi cha mẹ và giải thích cách nhân cách trẻ em thực sự được định hình.
Tác giả cho rằng, nhân cách là tổng hòa các đặc điểm như tính cách, khí chất và năng lực — đồng thời là phẩm chất đạo đức và tài năng cá nhân. Judith nhấn mạnh rằng "giáo dưỡng" không đồng nghĩa với "môi trường". Quan điểm cho rằng giáo dưỡng là môi trường nuôi nấng chỉ khiến việc nuôi dạy thêm rối rắm.
Dẫn chứng thực tế, Harris chỉ ra rằng: Nhiều bậc cha mẹ học thức cao có xu hướng truyền cảm hứng cho con cái đạt thành tựu học vấn, nhưng đó không hẳn nhờ sự giáo dưỡng, mà vì những đặc điểm di truyền và môi trường xã hội chung.
Ngay cả những nghiên cứu mà Hillary Clinton từng tổng kết – nhấn mạnh tình yêu thương, sự giao tiếp, chăm sóc của cha mẹ quyết định sự tự tin và thành công của trẻ – cũng bị Judith Harris cho rằng chỉ là "những câu chuyện cổ tích được xã hội yêu thích".
Tính cách trẻ được quyết định bởi di truyền và môi trường xã hội, chứ không phải bởi cha mẹ
Từ góc độ khoa học, Judith Harris cho rằng, di truyền có ảnh hưởng đến nhân cách, nhưng giáo dưỡng lại không hề có tác động.
Ví dụ, ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có những xu hướng hành vi khác nhau: một số hiếu động, số khác lại trầm tĩnh; có bé thích khóc, có bé lại hay cười. Những đặc điểm này chịu ảnh hưởng từ di truyền và môi trường xã hội bên ngoài, chứ không phải từ sự dạy dỗ tại nhà.
Nhân cách được hình thành bởi hai yếu tố: Một phần là bẩm sinh (gen di truyền), một phần là môi trường xã hội (đặc thù của từng bối cảnh sống).
Harris dùng hiện tượng "chuyển đổi ngôn ngữ" (code-switching) ở trẻ em nhập cư làm ví dụ: Các em có thể dùng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, nhưng dễ dàng chuyển sang tiếng địa phương khi bước ra ngoài xã hội — một khả năng linh hoạt không xuất phát từ sự dạy dỗ của cha mẹ.
Thông qua hàng loạt phân tích, bà bác bỏ quan điểm rằng trẻ em học hành vi bằng cách bắt chước cha mẹ, và cho rằng thực chất, trẻ học cách cư xử từ nhóm bạn đồng trang lứa và môi trường xã hội.
Phản bác "giả thuyết giáo dưỡng"
Lý thuyết giáo dưỡng cho rằng cha mẹ truyền văn hóa, ngôn ngữ cho con cái, chuẩn bị cho chúng trở thành thành viên hữu ích của xã hội. Nhưng Harris chỉ ra, nhiều cha mẹ ít học vẫn nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công vượt bậc.
Học hỏi trong gia đình chỉ giúp trẻ thích nghi trong môi trường gia đình, còn thế giới bên ngoài lại yêu cầu những kỹ năng hoàn toàn khác.
Judith Harris đã chứng minh qua hàng loạt nghiên cứu: Cha mẹ không quyết định nhân cách hay hành vi xã hội của trẻ. Cách nuôi dạy truyền thống mà chúng ta vẫn tin tưởng bấy lâu, thực chất, chỉ là một ảo tưởng.
Bạn có đoán được, theo Judith Harris, ai mới thực sự ảnh hưởng và định hình nhân cách của trẻ em? Và theo bạn, những ý kiến, quan điểm của Judith có hợp lý?