Đây là 4 việc làm của bố mẹ vô tình khiến con thất bại trong tương lai, ai đang mắc phải sai lầm này cần sửa gấp
Một đứa trẻ lớn lên có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách dạy dỗ hàng ngày của bố mẹ.
Theo trang tin Business Insider, đây là 4 sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải. Những điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thành công của con trong tương lai:
1. Nói về áp lực cuộc sống với con
Để con biết chi tiêu tiết kiệm, nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cách tâm sự với con về những áp lực cuộc sống, về cách mình vất vả kiếm tiền ra sao. Điều này không sai nhưng bố mẹ cần lựa chọn thời điểm thích hợp, không nên bắt con phải chịu áp lực từ quá sớm. Theo đó, bố mẹ không nên tỉ tê việc "nhà mình nghèo lắm", "nhà mình không có tiền" với con trước năm 13 tuổi.
Từ độ tuổi 5-13, trẻ chưa thật sự cần biết về những áp lực trong cuộc sống như việc làm sao để kiếm nhiều tiền, cần phải có địa vị trong xã hội,... Biết về áp lực quá sớm có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lý tự ti, sợ hãi, trưởng thành trước tuổi. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị u uất về mặt tâm lý, mắc bệnh trầm cảm.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên "nhồi" cho con suy nghĩ nhất định phải thành công và không được phép thất bại. Thay vào đó, hãy cho con biết, thất bại là một phần trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta rút được những kinh nghiệm quý giá, từ đó làm tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, khi học được cách đối mặt với thất bại, con sẽ biết cách chịu trách nhiệm, thích nghi nhanh hơn với hoàn cảnh. Đây là một kỹ năng cần thiết giúp chúng ta thành công hơn trong cả công việc và đời sống cá nhân.
2. Luôn cho rằng con mình đúng
Không ít bậc cha mẹ rất bảo thủ, luôn cho rằng con mình đúng trong mọi trường hợp. Chẳng hạn khi con ngồi nói chuyện trong giờ và bị giáo viên phạt. Thay vì nhắc nhở con điều chỉnh thái độ học tập, bố mẹ liền đổ lỗi cho giáo viên giảng bài nhàm chán nên con mới mất tập trung. Hay khi con ẩu đả với bạn bè, bố mẹ không nghe rõ lý do của cả hai bên mà chỉ chăm chăm bảo vệ con mình: "Đứa trẻ kia phải cư xử như nào thì con tôi mới đánh lại".
Theo chuyên gia hành vi trẻ em người Anh James Lehman, sự bảo vệ quá mức của bố mẹ có thể dẫn đến sự ảo tưởng của con trong việc cảm nhận thế giới xung quanh. Nó sẽ khiến trẻ trở nên ngang ngược, ích kỷ. Khi trưởng thành, đứa trẻ có tính cách như vậy khó mà hòa nhập với tập thể, trong công việc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì không chịu nghe góp ý của đồng nghiệp.
3. Luôn bao bọc con quá mức
Trong mắt cha mẹ, con cái lớn đến mấy vẫn là nhỏ dại. Chính vì vậy, nhiều người cố gắng bao bọc con nhiều nhất có thể và làm giúp con kể cả những việc nhỏ nhặt nhất. Cách nuôi dạy này chẳng những khiến con luôn dựa dẫm, ỷ lại mà còn hoài nghi về năng lực thật sự của bản thân. Con có thể nghĩ rằng, bởi mình không tài giỏi nên bố mẹ mới không tin tưởng giao việc cho mình.
Nhà tâm lý học người Mỹ Wendy Grolnick đã thực hiện một nghiên cứu, so sánh những đứa trẻ được nuôi mẹ nuôi dạy theo phương pháp bao bọc, kiểm soát và phương pháp tự lập. Kết quả cho thấy khi mẹ vắng mặt, đứa trẻ được dạy theo phương pháp tự lập sẽ tiếp tục tập trung vào công việc được giao, ngay cả khi gặp khó khăn. Ngược lại, đứa trẻ bao bọc bỏ cuộc sớm hơn khi không có sự giúp đỡ của mẹ.
4. Không ở bên cạnh giúp đỡ con
Nhiều bố mẹ vì muốn con tự lập nên khi con gặp khó khăn thường sẽ để mặc con tự giải quyết. Tất nhiên, rèn cho con tính tự lập là tốt nhưng cần phải đúng cách. Để con tự lập là không làm hộ con, chứ không có nghĩa bỏ mặc con tự xoay sở toàn bộ và không biết mình sai ở đâu, cần có hướng đi tiếp theo như nào.
Bố mẹ thông minh sẽ ở bên cạnh đóng vai trò người động viên tinh thần hoặc gợi ý cho con các cách giải quyết vấn đề. Bạn có thể phân tích những ưu khuyết của từng giải pháp, sau đó để con tự lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.