Đây chính là kiểu bố mà mọi gia đình đều mơ ước: Con được dạy dỗ tốt, vợ được nhờ!
Kiểu bố này sẽ giúp con cái trưởng thành lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Ở nhiều gia đình, vì vin vào câu nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nên nhiều người chồng "đùn" hết công việc gia đình, việc dạy dỗ con cái cho người vợ. Họ chỉ biết đi làm kiếm tiền, rồi về nhà nằm nghỉ ngơi, coi như bản thân đã hoàn thành xong trọng trách với gia đình. Họ chẳng cần biết con cái đi học ra sao, hôm nay đã trải qua việc gì,... Một số ông bố thậm chí còn chẳng rõ con mình năm nay học lớp mấy, cô giáo nào chủ nhiệm. Thế nên từng có những trường hợp oái oăm, bố đi họp lớp cho con nhưng lại đi nhầm lớp, khiến giáo viên phải lắc đầu ngao ngán.
Thực tế, trong việc giáo dục con cái, vai trò của cha và mẹ đều quan trọng như nhau và không thế thiếu vắng. Có những điều chỉ cha mới dạy được cho con và mẹ không thể thay thế. Người cha không cần phải giàu có nhưng phải giỏi giáo dục con cái. Những đứa trẻ có thể lớn lên trong môi trường thiếu thốn vật chất hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng phải có đầy đủ tình yêu thương, sự quan tâm của cả cha và mẹ!
Theo đó, một người cha luôn đồng hành đầy đủ cùng con cái trên chặng đường trưởng thành chính là người cha kiểu mẫu mà mọi gia đình đều ao ước. Từng có một câu chuyện gây bão mạng xã hội như sau: Người cha có một chiếc xe bán đồ ăn vặt bên lề đường. Hôm đó, anh dẫn con trai đi bán đồ ăn vặt cùng mình. Khi anh chiên đồ cho khách thì con ngồi cạnh làm bài tập.
Dù bận bịu nhưng các vị khách nhận thấy, chốc chốc người cha lại quay sang hỏi con làm bài đến đâu rồi, có gì khó khăn hay không? Đó chính là sự đồng hành tuy nhỏ nhưng lại đầy ấm áp, sưởi ấm trái tim cậu con trai.
Tuy nhiên, không phải người cha nào cũng có thể đồng hành cùng con. Một số người cha bận bịu đi làm kiếm tiền, đến khi về vì mệt nên lười nói chuyện, lười giao tiếp với con. Kết quả là cha - con không có sự gắn kết, không thấu hiểu nhau. Khi con nhỏ không có sự gắn kết thì khi con lớn lên rất khó mà thân thiết trở lại.
Một số người cha, vì cảm thấy có lỗi nên thường cho con rất nhiều tiền tiêu vặt, để mặc con tùy ý tiêu pha. Nhưng chính cách cho tiền mà không dạy cách tiêu tiền, cho tiền để bù đắp tình cảm này của cha dễ khiến con cái có thói quen tiêu xài hoang phí. Bên cạnh đó, tiền không thể nào mang lại hơi ấm gia đình. Cho tiền không đúng cách ngược lại còn hại con.
Để trẻ trưởng thành một cách lành mạnh cả về thể chất và tinh thần, vai trò của người cha là không thể thiếu. Đôi khi, cha không cần phải dành quá nhiều thời gian cho con, mà chỉ cần là những lời hỏi han trong bữa tối hàng ngày; hay 30 phút trò chuyện, sẻ chia về một ngày trước khi đi ngủ - điều đó đã tạo nên sự khác biệt rất lớn so với người cha chỉ biết đi làm về, rồi phó thác mọi chuyện dạy dỗ con cho vợ...