Đậu lớp 10 nhưng không nhập học
Từng được coi là kỳ thi căng thẳng, cạnh tranh gắt gao hơn cả thi vào đại học, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở TPHCM khoảng 10 năm qua luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, ở kỳ tuyển sinh năm 2023-2024 lại có hàng nghìn học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cho thấy, có khoảng gần 5.000 học sinh trúng tuyển kỳ thi lớp 10 vừa qua nhưng không nộp hồ sơ nhập học. Trước đó, Sở GDĐT đã công bố điểm chuẩn của các trường công lập vào ngày 7/7. Thí sinh có thời gian hơn 3 tuần để nộp hồ sơ nếu trúng tuyển. Tuy nhiên, dù hạn chót (ngày 1/8) đã tới nhưng vẫn có hàng nghìn thí sinh không nộp hồ sơ trúng tuyển để nhập học. Đây là điều khá bất ngờ và cũng ít người nghĩ tới bởi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vẫn còn nhiều áp lực.
Theo báo cáo của Sở GDĐT TPHCM, tình trạng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học chủ yếu là tại các trường vùng ven, ngoại ô như THPT Vĩnh Lộc B, Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức) hay THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8)... Sở cũng cho biết sẽ không hạ điểm chuẩn của những trường thiếu học sinh bởi sẽ ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh chung.
Đại diện Sở GDĐT TPHCM cho rằng, có thể do thí sinh đã theo gia đình chuyển về quê, do bận việc gia đình nên chưa kịp nộp. Một số trường ở vùng ven đã biết trước tình trạng thí sinh nộp hồ sơ không đủ 100% nên đã hạ điểm chuẩn, khiến cho số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn. Vì thế, khi thí sinh nộp hồ sơ theo lý thuyết không đủ 100% nhưng các trường vẫn không xảy ra tình trạng thiếu học sinh, vẫn đảm bảo việc dạy và học theo đúng kế hoạch.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc học sinh chưa mặn mà với các trường THPT công lập ở vùng ven nhưng vẫn có nhu cầu học trường công lập ở trung tâm. Theo đó, điểm chuẩn của các trường THPT ở vùng ven chỉ 11-12 điểm, thậm chí là 10,5 điểm cho 3 môn thi (trung bình hơn 3 điểm 1 môn thi) trong khi điểm chuẩn các trường trung tâm vẫn rất cao, khoảng 23-24 điểm, thậm chí có trường là 25,5 điểm. Việc điểm chuẩn chênh lệch lớn phần nào thể hiện chất lượng giáo dục của các trường THPT trong khối công lập không đồng đều, dẫn tới việc học sinh không muốn theo học ở một số trường. Ngoài ra, thời gian gần đây chất lượng các trường dân lập, bán công cũng tăng đáng kể, học phí cũng giảm đi khiến nhiều học sinh chuyển sinh học trường ngoài công lập.
Ngoài việc thí sinh trúng tuyển lớp 10 công lập nhưng không nhập học, thống kê của ngành Giáo dục TPHCM cũng cho biết có 113.807 thí sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 96.334 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10. Nghĩa là có tới 17.473 thí sinh tốt nghiệp THCS nhưng không có mong muốn học lớp 10 hệ công lập trên địa bàn. Các em có thể có các lựa chọn khác như học nghề, du học, trung tâm giáo dục thường hay trường ngoài công lập, quốc tế…