Đâu là thủ phạm thực sự của trận lũ lụt lịch sử ở Dubai
Cộng đồng mạng đã xuất hiện nhiều nghi vấn về việc các nỗ lực làm mưa nhân tạo đã dẫn đến thảm họa ngập lụt lịch sử ở Dubai, nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là thủ phạm thực sự.
Lũ lụt nghiêm trọng đã tràn ngập Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong tuần này khi một cơn bão đổ xuống đây lượng mưa lớn nhất mà nước này từng chứng kiến trong hơn 75 năm qua.
Lượng mưa kỷ lục 254mm đã trút xuống Al Ain, một thành phố giáp biên giới với Oman – nhiều hơn mức trung bình mà cả nước này đạt được trong một năm. Tại Dubai, đường cao tốc biến thành sông, nhiều lái xe bỏ lại những phương tiện bị mắc kẹt trong biển nước, nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị hư hại, còn các chuyến bay tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới bị gián đoạn đáng kể. Theo báo cáo, 20 người đã thiệt mạng và quá trình dọn dẹp, phục hồi dự kiến sẽ diễn ra chậm, tại một nơi nổi tiếng với khí hậu sa mạc khô hạn và nhiệt độ nóng hiếm khi có mưa, nhiều khu vực thiếu hệ thống thoát nước.
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt phù hợp với các mô hình khí hậu mà các nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về liệu những nỗ lực tạo mưa nhân tạo bằng cách giải phóng các hóa chất hoặc hạt muối vào không khí, có thể là nguyên nhân gây ra những cơm bão lớn, dội mưa bất thường xuống UAE hay không.
Hiện tượng bất thường đó không chỉ nhằm vào UAE. Khi những trận mưa xối xả trút xuống California trong hai năm qua, các cộng đồng trực tuyến đã xôn xao suy đoán liệu chương trình làm mưa nhân tạo của tiểu bang này có phải là nguyên nhân hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức đã nhiều lần phủ nhận về khả năng này.
Làm mưa nhân tạo là gì?
Trước tiên chúng ta phải nói về các đám mây. Được tạo thành từ những tinh thể băng nhỏ hoặc những giọt nước, những đám mây hình thành khi hơi nước nguội đi trong khí quyển. Hơi nước ngưng tụ, kết hợp với các hạt bụi, muối hoặc khói, rồi rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.
Làm mưa, hay gieo mây nhân tạo, là một biện pháp điều chỉnh thời tiết đã có từ hàng chục năm qua nhằm bổ sung các tác nhân của liên kết trên vào khí quyển nhằm thu được nhiều lượng mưa hơn. Nó thường được sử dụng ở các nước đang đối mặt với mối lo ngại về hạn hán. Quá trình tạo mưa có thể được thực hiện từ mặt đất hoặc bằng máy bay.
Các nhà khí tượng học theo dõi các đám mây chặt chẽ trước khi chúng được tác động nhân tạo, vừa để tạo ra kết quả tốt nhất vừa để điều chỉnh thời gian mưa vào thời điểm cần thiết nhất.
Viện Nghiên cứu Sa mạc (DRI), một tổ chức phi lợi nhuận ở Nevada (Mỹ), sử dụng bạc iodide, một hợp chất mà các nhà khoa học của họ cho rằng tồn tại tự nhiên trong môi trường và không gây hại, hợp chất này được đốt cháy hoặc thả xuống bằng máy bay để trùm lên mây.
UAE, quốc gia bắt đầu chương trình tạo mưa từ những năm 1990, cũng thường sử dụng nguyên liệu muối bạc để đốt và bắn vào mây từ máy bay được trang bị đặc biệt. “Máy bay chuyên dụng của chúng tôi chỉ sử dụng muối tự nhiên và không có hóa chất độc hại”, Trung tâm Khí tượng Quốc gia (NCM) của UAE nói với CNBC vào tháng 3.
Có phải gieo mưa nhân tạo đã gây ra mưa lớn?
Câu trả lời của các nhà khoa học là “Không”.
Trong một tuyên bố được đưa ra cho nhiều hãng tin, NCM, cơ quan giám sát các hoạt động tạo mây ở UAE, cho biết không có hoạt động tạo mây nào như vậy ở nước này trước hoặc trong cơn bão.
Omar Al Yazeedi, Phó tổng giám đốc NCM, cho biết: “Chúng tôi không tiến hành bất kỳ hoạt động gieo mây nào trong thời tiết đặc biệt này. Bản chất của việc gieo mây nằm ở việc nhắm mục tiêu vào các đám mây ở giai đoạn sớm, trước khi có mưa. Tham gia vào các hoạt động gieo mây trong tình huống giông bão nghiêm trọng sẽ là vô ích”.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng bác bỏ giả thuyết gieo mây là thủ phạm trận lũ lụt ở UAE. Maarten Ambaum, giáo sư vật lý và động lực học khí quyển tại Đại học Reading, nói rằng “việc gieo mây, cụ thể là ở Emirates, được sử dụng cho những đám mây thường không tạo ra mưa… Thông thường bạn sẽ không gây ra một cơn bão nghiêm trọng từ việc đó”.
Ông Ambaum nói thêm: “Trong những năm 50 và 60, người ta từng nghĩ đến việc sử dụng phương pháp gieo mây để tạo ra những sự kiện thời tiết lớn hoặc thay đổi những sự kiện thời tiết lớn. Nhưng điều này từ lâu đã được công nhận là không có khả năng thực tế”.
Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, nói với hãng tin Reuters rằng lượng mưa đang trở nên lớn hơn nhiều trên khắp thế giới khi khí hậu ấm lên vì bầu không khí ấm hơn có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn. Bà Otto nói, thật sai lầm khi cho rằng việc tạo mây là nguyên nhân gây ra lượng mưa lớn.
“Việc gieo mây không thể tạo ra những đám mây từ hư không. Nó chỉ thúc đẩy nước vốn có trên bầu trời ngưng tụ nhanh hơn và rơi nước mưa xuống một số nơi nhất định. Vì vậy, trước tiên, bạn cần độ ẩm. Không có nó thì sẽ không có mây”, bà nói.
Tâm lý hoài nghi của một số người về nguyên nhân thực sự của thảm họa ngập lụt ở Dubai/UAE làm nổi bật một vấn đề có tính hai mặt: công chúng sẵn sàng đổ lỗi cho việc can thiệp trực tiếp vào thời tiết (nhằm mục đích tích cực) trong khi lại khó chấp nhận rằng các hoạt động khác của con người đang góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng khí hậu, mà biểu hiện là các sự kiện cực đoan như thế này.
“Điều quan trọng là phải hiểu nguyên nhân thực sự của lượng mưa lớn kỷ lục trong tuần này trên khắp Dubai và một phần Bán đảo Arab. Việc gieo mưa nhân tạo có đóng vai trò gì không? Chắc chắn là không! Nhưng còn biến đổi khí hậu thì sao? Chắc chắn là có!” - nhà khoa học khí hậu Daniel Swain cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản, đồng thời nói thêm rằng những sự mất kết nối này ảnh hưởng đến “cách chúng ta hiểu chung về khả năng tác động tích cực đến thời tiết trên các quy mô không gian và thời gian khác nhau”.
Vậy cuộc khủng hoảng khí hậu đóng vai trò gì?
Các chuyên gia cho biết, lượng mưa khổng lồ có lẽ là do hệ thống thời tiết bình thường đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Theo Esraa Alnaqbi, nhà dự báo cấp cao tại NCM, hệ thống áp suất thấp ở tầng trên bầu khí quyển, cùng với áp suất thấp ở bề mặt, đã hoạt động giống như một áp suất “ép” lên không khí. Lực ép đó, được tăng cường bởi sự tương phản giữa nhiệt độ ấm hơn ở mặt đất và nhiệt độ lạnh hơn ở trên cao, đã tạo điều kiện cho giông bão mạnh. Bà Alnaqbi nói thêm rằng biến đổi khí hậu cũng có thể góp phần gây ra cơn bão đổ vào UAE vừa qua.
Các nhà khoa học khí hậu cho biết nhiệt độ toàn cầu tăng cao do biến đổi khí hậu do con người gây ra đang dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trên khắp thế giới, bao gồm cả mưa dữ dội.
“Lượng mưa lớn do giông bão, giống như lượng mưa ở UAE trong những ngày gần đây, đặc biệt gia tăng mạnh mẽ cùng với sự nóng lên toàn cầu. Điều này là do sự đối lưu, vốn là luồng gió mạnh trong giông bão, tăng cường trong một thế giới ấm hơn”, Dim Coumou, giáo sư về khí hậu khắc nghiệt tại trường đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan), nói.
Hoạt động làm mưa nhân tạo có tiếp tục?
Ở những khu vực cần nhiều mưa hoặc tuyết hơn, làm mưa nhân tạo được coi là một cách để cải thiện những gì đã có sẵn một cách tự nhiên.
Các khu vực áp dụng chiến lược này đã nhận thấy nguồn cung cấp nước của họ tăng lên đáng kể. DRI báo cáo mức tăng 10% trở lên mỗi năm trong lớp băng tuyết nơi tiến hành tạo mây và trích dẫn một nghiên cứu khác được thực hiện ở vùng núi Snowy ở New South Wales, Australia, dẫn đến lượng tuyết rơi tăng 14%.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là lấy thêm nước. Việc tác động vào đám mây đã được sử dụng để ngăn chặn lũ lụt, chẳng hạn như khi các nhà khoa học ở Indonesia nhắm mục tiêu vào các đám mây sẵn sàng đón mưa lớn và chọn thời điểm tốt hơn để thả chúng xuống đại dương thay vì rơi vào các cộng đồng dễ bị tổn thương. Ở Trung Quốc, nơi chính phủ đã chi hàng tỷ USD để can thiệp thời tiết, việc gieo mây được sử dụng để đảm bảo bầu trời trong xanh và giảm ô nhiễm cho một sự kiện chính trị.
Nhưng các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra rằng việc gieo mây không thể tạo ra nhiều nước hơn - nó chỉ thúc đẩy những gì ở đó thực sự sẽ rơi xuống. Điều đó có nghĩa là biện pháp này kém hiệu quả hơn trong thời gian hạn hán.
Mike Eytel, chuyên gia tài nguyên nước cấp cao người Mỹ, nói với Yale Environment 360: “Nó chỉ là một công cụ khác trong hộp công cụ cung cấp nước. Nó không phải là thuốc chữa bách bệnh như một số người nghĩ”.