Dấu hiệu ở giọng nói cảnh báo sự sa sút trí tuệ, mất trí nhớ
Đôi khi, sự trôi chảy trong lời nói là một trong những manh mối đầu tiên gợi ý về sự suy giảm chức năng của não.
Sa sút trí tuệ xảy ra khi các protein độc hại tích tụ trong não và ngăn chặn sự giao tiếp giữa các tế bào não. Các dấu hiệu rõ ràng của bệnh thường là khó tập trung và mất trí nhớ, nhưng bệnh nhân đôi khi cũng có những triệu chứng khác, chẳng hạn như sự thay đổi trong giọng nói. Đôi khi, sự trôi chảy trong lời nói là một trong những manh mối đầu tiên gợi ý về sự suy giảm chức năng của não.
"Để có thể nói năng trôi chảy, một số thành phần của hệ thống thần kinh hoạt động cùng nhau để tạo thành ngôn ngữ. Khi những phần này không hoạt động chính xác, ngôn ngữ bạn nói ra có thể không hoàn chỉnh, chẳng hạn như giọng bị bóp méo hoặc nói lắp", các chuyên gia y tế của trang Buyohealth giải thích.
Khi một người nói năng trở nên chậm chạp hoặc khó hiểu, điều này có thể báo hiệu rối loạn hệ thần kinh hoặc một tình trạng gây tê liệt ở mặt.
Tuy nhiên, các trường hợp nói lắp cũng đã được công nhận ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ. Giống như đột quỵ, sa sút trí tuệ tạo ra các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào phần não bị suy yếu. Họ có thể gặp khó khăn trong việc tìm từ phù hợp, hoặc có thể mất hoàn toàn khả năng nói mạch lạc.
Điều này đã được minh chứng trong báo cáo trường hợp của một người đàn ông 49 tuổi được công bố trên tạp chí Frontiers in Neurology. Người đàn ông này có biểu hiện nói lắp, mất trí nhớ và thay đổi hành vi vài tháng trước khi được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ.
Theo báo cáo, các triệu chứng của bệnh nhân đã bắt đầu khi người đàn ông đang đi nghỉ cùng em gái, người nhận thấy anh ta im lặng hơn bình thường.
Các thành viên trong gia đình cũng nhận thấy "anh ấy bị nói lắp mỗi khi muốn nói gì". Ban đầu mọi người cho rằng là do anh mệt mỏi và uống rượu. Nhưng không lâu sau đó, bệnh nhân bắt đầu tự nghi ngờ có các triệu chứng lạ, tình trạng này càng tăng trong khoảng thời gian hai tháng. Bệnh nhân sau đó cho biết anh đã bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn, nói lắp, khó tìm từ và thay đổi hành vi. Khi tình trạng này tiến triển, anh ngày càng buồn ngủ và khó thực hiện các nhiệm vụ sinh hoạt hàng ngày.
Thật không may, không có phương pháp điều trị nào có sẵn để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của các triệu chứng trong chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, chẩn đoán tình trạng này sớm có thể kéo dài chất lượng cuộc sống.
Trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ) khuyên bạn nên tham gia vào các hoạt động kích thích tinh thần, đọc sách, giải câu đố và chơi trò chơi chữ để phòng ngừa sự suy giảm nhận thức. Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí nhớ và giảm các triệu chứng. Không có bằng chứng chắc chắn rằng việc tuân thủ chế độ ăn uống cụ thể có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer, nhưng các loại thực phẩm cụ thể có thể thúc đẩy sức khỏe não bộ.
Người ta tin rằng một chế độ ăn giàu trái cây, rau và ngũ cốc và ít thịt đỏ và đường có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.
Dấu hiệu sa sút trí tuệ
Người bệnh sa sút trí tuệ không thể tự sinh hoạt được bình thường mà cần có sự hỗ trợ của người thân
- Giai đoạn đầu: Các triệu chứng phổ biến bao gồm hay quên, không rõ ngày tháng, trở nên lạc lõng giữa những nơi quen thuộc.
- Giai đoạn giữa: Khi sa sút trí tuệ tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn bao gồm không thể nhớ các sự kiện gần hoặc tên mọi người, trở nên lạc lõng trong nhà, gặp khó khăn trong giao tiếp, cần được người khác hỗ trợ trong việc chăm sóc bản thân, hay đi lang thang và lặp đi lặp lại một câu hỏi.
- Giai đoạn muộn: Giai đoạn cuối của sa sút trí tuệ, người bệnh gần như sống phụ thuộc vào gia đình vì không thể hoạt động. Các triệu chứng bao gồm rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, không biết về thời gian và địa điểm, khó nhận ra người thân và bạn bè, ngày càng cần người khác chăm sóc cho mình, gặp khó khăn khi đi bộ, thường xuyên kích động và gây hấn.
Theo Express