Dấu hiệu cảnh báo hoại tử xương sau mắc Covid
Tùy vùng xương bị hoại tử, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như sưng mặt, đau mắt, nhức đầu, lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên...
Tùy vùng xương bị hoại tử, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như sưng mặt, đau mắt, nhức đầu, lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên...
Thời gian qua, một số bệnh viện tại TP HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt, hai trường hợp tử vong. Trong đó, số bệnh nhân hoại tử xương hàm trên không rõ nguyên nhân tăng bất thường, bởi trước đây bệnh viện chỉ thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân hoại tử xương hàm dưới, do xạ trị ung thư hoặc liên quan bệnh tiểu đường. Bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân gần đây, song điểm chung là họ từng mắc Covid-19, không có tiền sử bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.
Theo phó giáo sư Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Phẫu thuật đầu cổ TP HCM, dựa vào biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân và tìm kiếm tài liệu trên thế giới, các bác sĩ xác định các bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương hàm mặt, cốt tủy viêm xương nền sọ. Trước đây, bệnh rất hiếm gặp nhưng từ tháng 5/2021 đến tháng 5 năm nay, y văn ghi nhận khoảng 80 bài báo cáo, chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu, Mỹ. Hầu hết bệnh nhân có bệnh nền, đái tháo đường, đều từng mắc Covid-19 thời điểm biến chủng Delta bùng phát.
Triệu chứng thường gặp
Theo phó giáo sư Trường, các bệnh nhân cho biết đau vùng mặt, răng, vòm miệng trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19, sau đó tiếp tục tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm. Biểu hiện lâm sàng thường gặp khi bác sĩ khám bệnh là sưng viêm mi mắt; sưng vùng sọ trán; hoại tử xương hàm, răng, xương vòm miệng gây khó nhai; hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ. Bệnh có một số dấu hiệu giống viêm xoang nên dễ chẩn đoán nhầm.
Các bệnh nhân tại TP HCM chủ yếu hoại tử xương vùng hàm mặt. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP HCM, cho biết các bệnh nhân thường vào viện với các triệu chứng như lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên.
Bệnh cốt tủy viêm xương nền sọ hiếm gặp hơn, dễ ảnh hưởng tính mạng. Theo RSNA Journals, đây là bệnh nhiễm trùng thái dương, xương cầu hoặc xương chẩm. Bệnh khó chẩn đoán vì các triệu chứng không điển hình, diễn biến lâm sàng kéo dài và hình ảnh chụp X-quang dễ gây nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Bệnh nhân thường có các triệu chứng không đặc trưng như nhức đầu, đau mặt. Hầu hết khởi phát viêm tai ngoài, có biểu hiện đau nhức dữ dội, chảy mủ tai, một số trường hợp nặng dẫn đến mất thính giác. Trong các trường hợp khác, người bệnh bị viêm xoang, dẫn đến nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu và sốt.
Mức độ nguy hiểm
Hai bệnh nhân đầu tiên vào Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ mổ xoang xong, bệnh nhân khỏe hơn nhưng hình ảnh phim chụp ghi nhận tình trạng hoại tử xương bất thường. Bác sĩ đề nghị mổ tiếp, bệnh nhân cảm thấy sức khỏe bình thường nên không đồng ý. Sau đó, bệnh nhân suy đa tạng rất nhanh, bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng không thành công.
Trong số những bệnh nhân tại TP HCM, có trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm xoang và nấm trở nên xâm lấn làm hủy xương, sau khi nhổ răng bệnh nhân bị mù mắt. Một nữ bệnh nhân khác ngụ Kiên Giang bị hoại tử xương vòm miệng, trong lúc mổ bác sĩ phải loại bỏ xương chết, nhổ bỏ hầu hết răng.
Theo bác sĩ Tuấn, phần xương bị hoại tử nếu không được loại bỏ, phẫu thuật lấy ra ngoài sẽ trở thành ổ khu trú của vi khuẩn, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu nguy hiểm tính mạng. Bệnh phát hiện sớm, xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa được tiến triển hoại tử xương, song nếu để hoại tử lan rộng đến sàn sọ, mức độ nguy hiểm gia tăng.
Những bệnh nhân hoại tử xương sọ, tình trạng viêm nhiễm nếu thông thương vào não sẽ viêm màng não, áp xe não, dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nguyên nhân của tình trạng hủy xương thường do tắc mạch, giảm máu nuôi dẫn đến hoại tử, hoặc có thể do các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật tấn công làm viêm nhiễm xương.
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định bệnh này có liên quan đến Covid-19 hay không. Bác sĩ giả thuyết cơ thể người mắc Covid bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn đó, có thể dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm. Bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch do mắc bệnh, sẽ dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công.
Theo bác sĩ Tuấn, y văn đưa ra 4 yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên. Thứ nhất, nCoV bám vào thụ thể ACE2 (có nhiều ở niêm mạc mũi, miệng) gây biến chứng mạch máu, có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương và việc mắc Covid-19 còn gây tăng đông máu, giảm máu nuôi dưỡng xương dẫn đến hoại tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc corticoid (kháng viêm) trong phác đồ điều trị Covid-19 cũng có thể làm việc nuôi dưỡng của xương kém đi. Yếu tố nguy cơ khác là bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm. Cuối cùng, bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt bệnh tiểu đường sẽ dễ hoại tử xương do bệnh làm giảm nuôi dưỡng của mạch máu, giảm sức đề kháng ảnh hưởng chức năng bạch cầu nên dễ bội nhiễm...
Tại Ấn Độ, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng nhiễm nấm dẫn đến hoại tử xương là do bệnh nhân phải sử dụng steroid để điều trị khi nhập viện. Bên cạnh đó, trong đợt dịch thứ hai, nhiều gia đình phải tự mua thuốc và cho người thân thở oxy tại nhà mà không được vệ sinh đúng cách. Các chuyên gia tin rằng tình trạng đông đúc và thiếu oxy y tế trong đại dịch tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh hơn.
Arunaloke Chakrabarti, chuyên gia vi sinh vật học tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Y khoa Ấn Độ, cho biết nhiều bác sĩ đã kê toa steroid với số lượng lớn, vượt xa khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Lượng steroid đó làm tổn thương hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân Covid-19 dễ nhiễm các bào tử nấm hơn. Steroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu ở mức nguy hiểm, khiến các bệnh nhân tiểu đường dễ nhiễm nấm đen, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và suy dinh dưỡng.
Trong bối cảnh các ca bệnh tăng, giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết sẽ lập hội đồng chuyên môn với khoảng 20-30 chuyên gia, dự kiến hội thảo ngày 21/7 nhằm đánh giá bệnh. Để có dữ liệu, thông tin đầy đủ về bệnh lý này, các bệnh viện đang tổng hợp tình hình tiếp nhận, điều trị những ca hoại tử xương sọ, hàm mặt trong thời gian qua. "Các chuyên gia sẽ đánh giá ban đầu về những vấn đề của bệnh lý trên cơ sở khoa học, tiếp tục khảo sát các yếu tố có liên quan và không vội vàng quy kết cho nguyên nhân Covid do dễ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân", ông Thượng nói.
Điều trị, khuyến cáo
Nguyên tắc điều trị xương hoại tử là phẫu thuật lấy phần xương này đi, sau đó tấn công bằng kháng sinh, kháng nấm tối thiểu 3 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng, đồng thời theo dõi nguy cơ tái phát. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ xem xét tái tạo, phục hình xương.
Bệnh nhân sau khi mắc Covid nếu có các triệu chứng như nhức đầu, đau răng hàm, sưng mặt... cần đi thăm khám. Người có bệnh nền cần điều trị kiểm soát, tránh để diễn tiến nặng, dễ dẫn đến vi khuẩn, nấm tấn công.