Đau đớn những phụ nữ điên vì tình ở bệnh viên tâm thần

,
Chia sẻ

Có người luôn ám thị rằng chồng mình ngoại tình, đã có 2 đứa con riêng đến độ phát khùng. Người khác lại bị cú sốc tình cảm làm cho chết đứng như Từ Hải giữa trời.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện dở khóc, dở cười của những nữ bệnh nhân trong khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

“Chồng thuê xã hội đen tìm diệt chị”

Người đàn bà quần áo sọc kẻ ngồi lặng im dưới nắng chiều. Nhìn chị rất khó đoán tuổi vì vẻ mặt ngơ ngác, không nếp nhăn, lúc nào cũng đờ đẫn nhìn vào người đối diện. Nhưng chỉ cần thoáng thấy nam giới chạc tuổi… chúng tôi đi qua là mắt chị linh hoạt hẳn, rồi cười, rồi hát, và vẫy gọi vào tâm sự.

BS đang chăm sóc cho các nữ bệnh nhân tâm thần. Ảnh minh họa

Thấy chúng tôi ngơ ngác, một bác sỹ giải thích, chị đã thường trú trong khoa gần 2 tháng trời và trong suốt thời gian ấy, chị vẫn chưa hết “hoang mang” với những sang chấn tình yêu của mình.

Chị tên là Nguyễn Thị Thu, năm nay 31 tuổi. Trước khi phải vào “nhập cư” với xóm người điên nơi này, chị đã có một cuộc sống hạnh phúc với một người chồng hết mực yêu thương vợ và hai đứa con xinh xắn.

Thế rồi, bỗng một ngày, không hiểu bị ai “thôi miên”, chị Thu hứng lên và đòi được đi xem bói. Hết gần rồi lại xa, cứ nghe thấy ai rỉ tai chỗ nào có thầy giỏi là chị lại lần tìm đến cho bằng được.

Nhớ lại chuyện này, đến giờ, anh Hưng, chồng chị, vẫn còn rùng mình không hiểu nổi: “Cuối năm 2006, vợ tôi cùng một bà chị dâu đi xem bói. Thầy bói phán: tôi hiện đang ngoại tình và đã có 2 đứa con riêng với người đàn bà khác”.

Lời phán tưởng như vu vơ nhưng chị Thu tin chằm chặp. Từ một người phụ nữ hết mực chăm lo cho gia đình, chị lúc nào cũng nghi ngờ sự thủy chung của chồng. Chị dò xét, đay nghiến những khi anh đi công tác hay có việc về muộn. Thậm chí, chị bỏ cả công việc để “săn lùng” tình nhân của chồng.

Có hôm, anh Hưng phải trực đêm, sáng 5 giờ nhìn xuống sân cơ quan đã thấy vợ đứng đấy trừng trừng nhìn lên tự bao giờ.

Tự an ủi mình rằng vợ vì quá yêu mình nên mới vậy, anh Hưng chỉ biết im lặng. Người đàn ông rắn rỏi nén nỗi buồn phiền vào sâu bên trong, kiên nhẫn đợi ngày vợ tỉnh.

Nhưng oái oăm thay, người đàn bà ấy cứ mãi mải miết với những cơn mơ. Đêm đêm, đợi anh ngủ say, chị Thu lại lục tìm điện thoại của anh để kiểm tra. Cứ thấy số lạ, chị mừng như bắt được vàng. Chị hăm hở gọi lại, hăm hở chửi mà chẳng cần biết đầu dây bên kia là ai.

Bẵng đi một thời gian, bỗng một ngày, chị Thu lại quay ra lo sợ chồng và một cô nhân tình vu vơ nào đó sẽ tìm cách ám hại mình để được ở với nhau. Chị hạn chế hẳn việc bước ra khỏi nhà, chỉ suốt ngày quanh quẩn đi lại khắp sân. Thoáng thấy tiếng xe máy lạ chạy qua trước cổng, chị co rúm cả người, hớt hải chạy thẳng lên phòng khóa kín cửa lại.

Chị khăng khăng với người nhà là anh đã “cấy” máy móc theo dõi vào mình, chỉ cần một cử động nhỏ là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngay cả hôm sinh nhật được chồng tặng một chiếc xe máy đời mới, chị lại mang ngay ra quán sửa xe ở gần nhà nhờ thợ… tháo tung ra để tìm “con chíp” định vị mà chị nghi anh đã gắn vào đó. Quá hoảng loạn, chị bỏ bẵng hai đứa con, trong đó một cháu mới chưa đầy 1 tuổi.

Xót con và mệt mỏi vì tình trạng của vợ, anh Hưng quyết định đưa hai cháu về nhờ bố mẹ chăm sóc và đưa chị vào bệnh viện khám.

Giờ, chị Thu vẫn ngồi thu lu trước mặt chúng tôi với tất cả những huyễn hoặc còn nguyên của mình. Người đàn bà ấy vẫn một mình thầm thì to nhỏ về kẻ khủng bố nào đó đang theo lệnh chồng đi tìm chị.

Đau đớn thay phận đàn bà…

Khác với chị Thu, người đàn bà chìm sâu trong ảo giác của chính bản thân mình, chị Vũ Thị Vĩnh (Ninh Bình) lại có một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong tập hồ sơ bệnh án mà bác sỹ trưởng khoa cấp tính nữ đưa cho chúng tôi, trường hợp của chị được liệt vào dạng “phản ứng stress cấp”. Đây là một chứng bệnh khá đặc biệt, gắn với trạng thái tâm lý “sốc” mạnh gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của toàn thân.

Bác sỹ Hoa, người trực tiếp có mặt trong ca cấp cứu chị Vĩnh kể: Khi được đưa vào, toàn thân cô gái trẻ cứng đờ, tay chân co giật và không nói được. Trên nét mặt của bệnh nhân còn lộ rõ vẻ kinh hoàng.

Anh Dũng, đồng nghiệp đồng thời cũng là người đã trực tiếp đưa chị vào viện kể lại: Chị Vĩnh vốn là công nhân tại khu vực Long Biên (Hà Nội). Chị xa nhà đã được hơn 1 năm. Trong thời gian này, chị Vĩnh có gặp gỡ với một người đàn ông hào hoa lịch lãm và cả hai nhanh chóng kết thân. Chị thích đi đâu chơi, anh cũng sẵn sàng chở. Chị muốn ăn gì, anh sẵn sàng mua. Dần dần, chị Vĩnh đem lòng yêu thương và có quan hệ tình cảm với người đàn ông này.

Nhưng chị không hề biết, kẻ mà chị yêu lại là một gã trai tỉnh xa, lên Hà Nội làm ăn từ lâu và đã có vợ con ở dưới quê. Cuộc tình ngang trái kéo dần được nửa năm thì chị Vĩnh thấy người yêu cứ ngãng dần ra. Chị ra sức van nài anh quay lại với mình, chị khóc lóc, bỏ làm và gầy rộc đi trông thấy.

Không đành lòng, một buổi tối tháng 11, chị Vĩnh hẹn gã trai nọ ra cánh đồng gần khu công nghiệp nói chuyện. Ở đây, gã đã thú thật với chị chuyện vợ con ở nhà và nằng nặc đòi chia tay.

Cô gái quê Ninh Bình như không tin vào tai mình. Người mà chị yêu thương, dành cả đời con gái cho lại là kẻ Sở khanh tráo trở.

Chị gào khóc, chạy băng thẳng ra cánh đồng cũng đang lồng lên vì gió dữ dội. Nỗi đau dồn đến đỉnh đầu khiến chị ngã vật xuống đất, toàn thân cứng đờ, không nói năng và cử động được.

Giờ thì, cô gái bé nhỏ có đôi mắt rất sáng đang nằm gọn lỏn trong vòng tay của cha mẹ. Chị vẫn chưa nói được lưu loát, có nói cũng chỉ lầm bầm một mình. Đặc biệt, cứ thấy đàn ông lại gần, chị lại co rúm người, lẩy bẩy run lên từng cơn. Phản ứng của người bệnh tâm thần ấy bất giác làm chúng tôi chạnh lòng.

Nơi tình yêu níu giữ sự lương thiện

Chuyện đã xảy ra khá lâu, nhưng không nhân viên nào của khoa A, bệnh viện Tâm thần Hà Nội lại có thể quên được. Vào khoảng cuối năm 2008, khoa đón nhận một trường hợp bệnh nhân rất đặc biệt. Chị tên Nguyễn Thị Nhài.

Khi lên nhập viện, người chị đầy vết thâm tím và rơi vào một trạng thái hoảng loạn cực độ, không kiểm soát được hành vi của mình.

Theo lời kể của những bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nhài, chồng chị vốn nghiện rượu nặng nên đã bỏ bê làm ăn. Sáng sáng, anh ta xách chai đi, “thường trú” luôn tại quán đến đêm say khướt mới lảo đảo về nhà. Thậm chí, nhiều khi, anh say hai, ba ngày, để chị lủi thủi ở nhà với đứa con bệnh tật.

Một ngày nọ, gã chồng sau khi đẫm hơi rượu, về nhà, gã xộc vào phòng hai mẹ con để chửi. Chừng chưa thỏa mồm, gã thượng cẳng tay hạ cẳng chân với chị Nhài. Đứa con thương mẹ nhảy vào can. Ngay lập tức cháu bị nhận ngay một cú đánh từ bố. Đứa bé vốn bệnh tật gặp chấn động mạnh ngã lăn ra đất.

Lật đật chạy đến ôm cháu vào lòng, chị vùng bỏ chạy. Vừa giận chồng, vừa thương con, lại cám cảnh cho số phận của mình. Chị vớ lấy vỉ thuốc ngủ rồi dốc thẳng mấy chục viên thuốc vào miệng trong nỗi phẫn uất cùng cực.

Gã chồng lúc này mới hoảng hồn, gọi hàng xóm đưa vợ đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai.

Nhưng, kỳ lạ rằng, sau hôm ấy, gã chồng vũ phu ngày nào bỗng dưng thay đổi hẳn tính nết. Gã không còn thiết tha với chai rượu tối ngày như xưa nữa, nhưng cũng là lúc người vợ phải nhập viện do ảnh hưởng từ những viên thuốc an thần...

Ngày ngày, người ta vẫn thấy một gã đàn ông cục mịch dắt người đàn bà tóc tai bù xù đi khắp nơi. Đi đâu, gã cũng thủ thỉ với vợ những chuyện rất vu vơ về thằng cu ở nhà, về dự định tương lai. Bóng dáng gã say ngày trước dường như mất hẳn.

Qua 2 tháng, chị lành bệnh hẳn. Đôi vợ chồng ôm chầm lấy nhau mà khóc. Các bác sỹ ở đây đều cười mà bảo: “Cùng một công mà chữa được bệnh cho cả hai người”.

Bước qua cánh cổng sắt của viện, những câu chuyện nọ vẫn còn ám ảnh chúng tôi rất lâu. Bởi hóa ra, tình yêu có thể khiến con người ta trở nên u mê, cuồng dại nhưng một lúc nào đó, thứ cảm xúc ấy lại là cánh tay chở che cho mảnh lương thiện trong tâm hồn mỗi con người.
 
Theo Vietnam+
Chia sẻ