Đau đầu - Cẩn thận khi “yêu”!

,
Chia sẻ

Chóng mặt, đau bụng, đi lỏng, vã mồ hôi lạnh, đau đầu khi sinh hoạt tình dục là một trạng thái bệnh lý không quá hiếm gặp, thường phát sinh ngay trong hoặc sau các cuộc “mây mưa”.

Cảm giác đau có thể xuất hiện ở vùng trán, vùng chẩm hay toàn đầu, kéo dài chừng vài giờ hoặc từ 2 - 3 ngày thì giảm dần và hết hẳn để rồi lại tái diễn tương tự trong các cuộc sinh hoạt tình dục kế tiếp.

Theo y học hiện đại, nguyên nhân của chứng bệnh này là do: trong trạng thái lo lắng và căng thẳng cảm xúc quá mức, chức năng co giãn của mạch máu não bị rối loạn, thậm chí các cơ ở thành mạch máu lâm vào tình trạng co cứng khiến việc cung cấp máu cho não bộ bị suy giảm nhất thời làm xuất hiện cảm giác đau đầu. Trong y học cổ truyền, bệnh chứng này đã được đề cập đến từ rất sớm trong chương Ngũ tạng sinh thành của sách Nội kinh Tố vấn- cuốn y thư cổ còn lưu giữ đến ngày nay. Theo quan niệm của cổ nhân, trong cơ thể con người thận và can là hai tạng có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thận chủ việc tàng chứa tinh, tinh sinh tủy, não là bể của tủy; can tàng chứa huyết, huyết theo khí đưa lên nuôi não. Vì lý do nào đó như lao lực quá độ, tinh thần căng thẳng, phòng sự quá mức...làm cho can thận suy hư, tinh hao huyết tổn khiến não tuỷ không được nuôi dưỡng đầy đủ mà phát sinh chứng đau đầu khi sinh hoạt tình dục, cổ nhân gọi là chứng Phòng sự đầu thống.
 

 
Thông thường, bệnh cảnh lâm sàng của chứng bệnh này ngoài đau đầu ra còn hay kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt hoa mắt, lưng gối đau mỏi, tinh lực sút kém, trí nhớ giảm sút, mất ngủ kéo dài... Tuy nhiên, dấu hiệu đau đầu vẫn là cơ bản nhất, đau ngay khi tính giao và sau đó chừng vài giờ hoặc 2 - 3 ngày mới chấm dứt, không sinh hoạt tình dục thì không đau. Các xét nghiệm cận lâm sàng của y học hiện đại thường không thấy có thay đổi gì đặc biệt.

Về mặt trị liệu, y học hiện đại thường sử dụng các thuốc giảm đau, liệu pháp vitamin tổng hợp và tâm lý liệu pháp. Y học cổ truyền dùng phương thức biện chứng luận trị, nhưng phần lớn là sử dụng phép Tư âm bổ thận, tiềm dương chỉ thống (bồi bổ phần âm, trong đó chủ yếu là thận âm; làm cho dương khí không bốc mạnh lên vùng đầu và giảm đau). Phương thuốc mà cổ nhân hay dùng cho chứng bệnh này là Trấn can tức phong thang, được ghi trong y thư cổ Trung tham tổng luận. Công thức gồm có: bạch thược 20g, long cốt 20g, quy bản 20g, cam thảo 6g, mạch nha 8g, thanh hao 8g, đại giả thạch 40g, mẫu lệ 20g, thiên môn 20g, huyền sâm 20g, ngưu tất 40g, xuyên luyện tử 8g. Cách dùng: sắc uống mỗi ngày 1 thang, mỗi thang sắc 3 lần, mỗi lần đổ 3 bát nước, sắc cô còn non 1 bát, uống nguội sau ăn chừng nửa giờ, kiêng các thực phẩm có tính cay nóng.   

Kinh nghiệm dân gian còn dùng tủy bò hoặc dê ngâm rượu uống mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 1 thìa canh, có tác dụng bổ tinh tủy, tráng gân cốt, tư âm dưỡng huyết.

Ngoài ra, nên kết hợp tự day bấm một số huyệt vị châm cứu như: Bách hội (là giao điểm của đường nối hai đỉnh vành tai và trục giữa cơ thể), thái dương (nằm ở ngay sau đuôi mắt chừng 2cm), ấn đường (điểm giữa đường nối đầu trong hai lông mày), phong trì (chỗ lõm hai bên khối cơ ở gáy ngay dưới xương chẩm) và tam âm giao (là điểm phía trên mắt cá trong 4 khoát ngón tay ngay ở bờ sau xương chày). Luyện tập khí công dưỡng sinh cũng có một ý nghĩa nhất định nhằm tái lập lại thế cân bằng động giữa hưng phấn và ức chế.

Khi đang sinh hoạt tình dục nếu xuất hiện tình trạng đau đầu thì tốt nhất nên ngừng giao hợp ngay lập tức, tiến hành thư giãn và day bấm những huyệt vị như đã nêu ở trên. Nếu không đỡ thì có thể dùng các thuốc giảm đau của y học hiện đại. Thuốc y học cổ truyền nên sử dụng thành từng đợt điều trị, mỗi đợt chừng 10 - 15 ngày tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tốt nhất nên tham vấn ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa.

Theo Sức khỏe Đời sống

Chia sẻ