Dầu cọ - Tâm điểm của cuộc chiến “lý tưởng xanh”
EU đang ở thế khó sau khi ra quy định mới nhằm bảo vệ rừng và siết chặt việc nhập khẩu các sản phẩm dầu cọ.
Lý tưởng xanh của EU
Vào ngày 6/12/2022, Hội đồng, Nghị viện và Ủy ban châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để phái thông qua quy định chống phá rừng do Ủy ban châu Âu đề xuất vào năm 2021. Quy định này cấm buôn bán "hàng hóa bẩn", bao gồm dầu cọ có nguồn gốc từ các đồn điền bất hợp pháp và là sản phẩm của nạn phá rừng.
Sau khi được thông qua, quy định của EU là quy định đầu tiên trên thế giới giải quyết nạn phá rừng toàn cầu bằng cách cấm các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng khỏi chuỗi cung ứng. Quy định bao gồm các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nạn phá rừng, chẳng hạn như dầu cọ (33,95%), đậu nành (32,83%), gỗ (8,62%), ca cao (7,54%), cà phê (7,01%) và thịt bò ( 5,01%). Trong đó, dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, được tìm thấy trong vô số sản phẩm siêu thị, bao gồm cả xà phòng và sô cô la.
EU là một trong những thị trường lớn nhất, nhập khẩu 8 triệu tấn dầu cọ và các chế phẩm từ các nước ngoài EU vào năm 2021. Đây là thị trường dầu cọ lớn thứ ba của Indonesia, sau thị trường nội địa của Indonesia và châu Á.
Dữ liệu từ sáng kiến lập bản đồ chuỗi cung ứng dầu cọ Trase cho thấy các nguồn cung cấp của EU từ hơn 400 nhà máy trên khắp Indonesia và có diện tích rừng bao phủ đáng kể xung quanh các nhà máy này. Những khu rừng này không thể bị chặt phá nếu chủ sở hữu nhượng quyền muốn xuất khẩu dầu cọ của họ sang EU sau khi quy định có hiệu lực. "Do đó, quy định của EU thực sự có lợi cho hành tinh khi họ cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu bằng cách ngăn chặn nạn phá rừng do sản xuất các mặt hàng khác nhau được thị trường châu Âu tiêu thụ," người đứng đầu chiến dịch bảo vệ rừng của Greenpeace Indonesia, Kiki Taufik cho biết. Ông lưu ý mục tiêu này cũng tương tự mục tiêu mà Indonesia và Malaysia từng đặt ra. Chẳng hạn, Indonesia có mục tiêu biến các khu rừng của mình thành bể chứa carbon vào năm 2030, mục tiêu này sẽ đạt được bằng cách ngăn chặn nạn phá rừng và tăng cường các nỗ lực tái trồng rừng.
Quy định mới của EU nhằm bảo vệ rừng và siết chặt việc nhập khẩu các sản phẩm dầu cọ. (Ảnh: Reuters)
"Phân biệt đối xử" với dầu cọ?
Tuy nhiên, quy định mới của EU đã vấp phải sự phản đối của Indonesia và Malaysia, hai trong số các nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Hai quốc gia này đã chỉ trích các chính sách thương mại của Liên minh châu Âu mà họ cho là phân biệt đối xử đối với dầu cọ.
"Từ góc độ kinh tế, quy định của EU về các sản phẩm không phá rừng có thể ảnh hưởng đến giá dầu cọ tại thị trường này," tổng thư ký Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC), một tổ chức liên chính phủ dành cho các nước sản xuất dầu cọ do Indonesia và Malaysia thành lập, Rizal Affandi Lukman cho biết. "Nó có thể không còn tính cạnh tranh vì sẽ làm tăng chi phí sản xuất và gánh nặng hành chính để đáp ứng các yêu cầu thẩm định đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm của nó".
Do đó, quy định này có thể trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách loại bỏ các mặt hàng nhập khẩu được chọn.
Để chống lại bất kỳ chính sách nào có thể gây tổn hại cho ngành dầu cọ, Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo cho biết hai quốc gia Đông Nam Á sẽ làm việc cùng nhau và tăng cường hợp tác thông qua CPOPC để "chống lại sự phân biệt đối xử đối với dầu cọ".
Indonesia và Malaysia chỉ trích các chính sách thương mại của EU mà họ cho là phân biệt đối xử đối với dầu cọ.(Ảnh: Reuters)
Hồi kết nào cho cuộc chiến "lý tưởng xanh"?
Dầu cọ đã trở thành phép thử để viết lại cơ chế thương mại thế giới nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thử nghiệm mang lại kết quả không mấy khích lệ. Chính phủ các nước giàu, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đang nỗ lực tạo ra các quy định liên quan đến thương mại xanh hiệu quả và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Dầu cọ trở nên nổi tiếng, hoặc tai tiếng, khi nó xuất hiện trong một chiến dịch do tổ chức môi trường Greenpeace lan truyền với sự tham gia của Rang-tan, một con đười ươi có môi trường sống trong rừng bị phá hủy bởi các đồn điền dầu cọ. Dầu cọ và các chế phẩm hiện gặp phải nhiều sự tẩy chay của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên thế giới cũng như các hạn chế chính thức. Trên thực tế, EU đã ngăn chặn việc nhập khẩu dầu cọ để làm nhiên liệu sinh học theo chỉ thị về năng lượng tái tạo và đang đưa ra luật chống phá rừng mới cứng rắn hơn.
Đối với Indonesia và Malaysia, quy định này đang phá hủy sinh kế của các hộ sản xuất nhỏ. Trong một video của Bộ Ngoại giao Indonesia có một cảnh ngắn về một chiếc giày có in chữ "EU" trên đế giẫm đạp lên một đồn điền dầu cọ. Một số lập luận của nhà sản xuất là hợp lý. Lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ không có ý nghĩa gì khi Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) chỉ ra rằng các đồn điền cọ có năng suất cao ấn tượng. Thay thế chúng bằng đậu nành, dừa hoặc hướng dương sẽ cần diện tích đất gấp 4-10 lần, dẫn đến suy thoái môi trường ở những nơi khác.
Dầu cọ đã trở thành phép thử để viết lại cơ chế thương mại thế giới nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thử nghiệm mang lại kết quả không mấy khích lệ. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Vương quốc Anh đang có kế hoạch loại bỏ thuế quan đối với dầu cọ Malaysia như cái giá phải trả để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, "viên ngọc quý" trong các hiệp định thương mại thời hậu Brexit không mấy ấn tượng của Anh.
EU cho biết đang cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các quy tắc mới về phá rừng, áp dụng cho nhiều loại dẫn xuất dầu cọ hơn, không chỉ nhiên liệu sinh học. Họ đặt ra các tiêu chí chính xác để các sản phẩm được phép vào thị trường chung của EU, bao gồm cả việc cấm những sản phẩm được trồng trên đất đã bị phá rừng sau ngày 31/12/2020. Điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực kỹ thuật chi tiết liên quan đến định vị địa lý và lưu giữ hồ sơ để chứng minh sự tuân thủ và khó hơn nhiều so với Chế độ chống phá rừng của Vương quốc Anh, chỉ yêu cầu các nhà sản xuất tuân theo luật pháp địa phương.
Nhìn từ Kuala Lumpur và Jakarta, EU luôn áp dụng một số hình thức hạn chế thương mại — chỉ có cơ sở lý luận và công cụ là thay đổi. Luôn có sự nghi ngờ mạnh mẽ rằng các hành động của EU được thúc đẩy bởi sự vận động hành lang từ các nhà sản xuất hạt có dầu châu Âu. Ngoài chỉ thị về năng lượng tái tạo, Brussels cũng đã áp thuế chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học của Indonesia (sau đó bị hội đồng của WTO tuyên bố là bất hợp pháp) và gần đây là đối với các sản phẩm khác làm từ dầu cọ bao gồm cả axit béo.
Về vấn đề liên quan đến khai thác gỗ, Indonesia đã dành 5 năm từ 2011 đến 2016 để thống nhất "thỏa thuận hợp tác tự nguyện" với EU để chứng nhận rằng gỗ xuất khẩu của nước này là từ các khu rừng được quản lý bền vững. Giờ đây, sáng kiến phá rừng của EU, liên quan đến việc kiểm tra hải quan phức tạp đối với các lô hàng, có nghĩa là bắt đầu một quy trình hoàn toàn mới.
EU cho biết đang cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các quy tắc mới về phá rừng, áp dụng cho nhiều loại dẫn xuất dầu cọ hơn, không chỉ nhiên liệu sinh học. (Ảnh: Reuters)
Sự phản đối kịch liệt của Indonesia và Malaysia đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết chống phá rừng của hai nước, trong đó dầu cọ là nguyên nhân gây mất rừng trong khu vực. Tuy nhiên, sự phản đối này vẫn được đánh giá là hợp lý ở một số điểm.
Các quy định không chắc chắn, phức tạp và luôn thay đổi đóng vai trò là rào cản thương mại không công bằng, cho dù mục đích có phải là chủ nghĩa bảo hộ hay không. Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị tinh thần cho một loạt các vụ kiện của WTO về các quy tắc phá rừng, đặc biệt là vì Brazil, quốc gia có thành tích kiện tụng thành công, cũng bị ảnh hưởng. Các phán quyết của WTO trong tương lai ít nhất có thể phân loại liệu các quy định của EU có phù hợp và có mục tiêu hay không. Nhưng giải quyết tranh chấp của WTO là một quá trình chậm chạp và tốn kém - các vụ kiện chống lại EU về nhiên liệu sinh học vẫn chưa đưa ra phán quyết sau nhiều năm kiện tụng - trong khi đó, sinh kế của hàng triệu người bị ảnh hưởng.