"Đầu cơ" phòng nghỉ chờ tăng giá dịp lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

Theo Infonet,
Chia sẻ

4 ngày trước lễ hội, “cò” vé xem pháo hoa đã rầm rộ chèo kéo du khách, còn các khách sạn thì "ôm" phòng chờ tăng giá.

Mọi năm, đến thời điểm này hầu như vé xem pháo hoa đã được bán hết, nhưng năm nay vẫn còn nhiều. Đến ngày 23/4, mới có 14.500 trong số 25.000 vé được bán ra với số tiền 4,96 tỷ đồng. Mặc dù không khó để mua vé “chính ngạch” nhưng không hiểu sao, nhiều “cò” vẫn cầm xấp vé đứng trước cổng nhà hát Trưng Vương mời chào người qua lại.

"Cò" vé xem pháo hoa trước nhà hát Trưng vương Đà Nẵng.

Theo quy định của BTC, vé xem pháo hoa có giá cao nhất là 400.000 đồng cho khán đài B, khán đài C lần lượt là 300.000 đồng (C1), 250.000 đồng (C2) và 200.000 đồng (C3). Mặc dù cho phép các đơn vị du lịch bán vé, song Đà Nẵng yêu cầu phải cam kết giá không được cao hơn 300.000 đồng/vé. Tuy vậy, một số người vẫn ngang nhiên mang vé ra bán với giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với quy định.

Một “cò” vé ở cổng nhà hát Trưng Vương mời chào: “Có cặp vé ở khán đài B - vé VIP, giá 1,2 triệu". Cầm xem vé VIP mà “cò” mời chào, chúng tôi được biết đây là loại vé BTC phát hành để mời các đại biểu chứ không bán. Trước nhà hát Trưng Vương có 3-4 người thường xuyên cầm xấp vé đủ loại để mời du khách.

  
Rao mua, bán vé trên mạng.

Một số người còn lên các trang mạng rao mua vé mời xem pháo hoa, sau đó bán lại kiếm lời. Ngày 22/4, trên trang mua....net đăng thông tin: “Thu mua vé xem pháo hoa Đà Nẵng 2013 các loại. Bạn có vé mời khán đài A, B, C nếu không có thời gian đi xem hãy liên hệ 09054… để nhượng lại cho chúng tôi với giá hợp lý nhất. Bán vé bằng hình thức tin nhắn: Loại vé..., số lượng..., ngày xem..., giá cần bán..., gửi đến 0905434…. Nếu giá cả hợp lý chúng tôi sẽ liên hệ lại”. Khi chúng tôi liên lạc với chủ nhân số điện thoại trên thì đúng là người rao cần mua vé với số lượng lớn để “bán lại kiếm chút lời".

Cũng trên trang mạng này, ngày 25/4 đăng dòng tin: “Cần bán vé xem pháo hoa khán đài B1, B2 ngày 29/4 và 30/4 tại Đà Nẵng. Vị trí đẹp và thuận lợi nhất để xem khai mạc, ca nhạc và cuộc trình diễn pháo hoa. Quý khách có nhu cầu mua xin liên hệ 0905 974…”. Khi chúng tôi liên hệ thì được một người chào mời: "Khán đài B giá 500.000 đồng/vé; khán đài C lần lượt là 250.000 đồng - 400.000 đồng/vé (tùy khán đài).

Khách sạn làm cao “ôm” phòng chờ đẩy giá

Đến ngày 25/4, công suất đặt phòng khách sạn ở Đà Nẵng mới đạt gần 80%. Thế nhưng, hiện vẫn có nhiều khách sạn “ôm” phòng để chờ đến sát ngày mới bán cho du khách với giá cao hơn so với quy định.

Theo chỉ đạo của chính quyền, giá phòng chỉ được tăng tối đa 50% so với giá cũ và 100% mặt hàng, dịch vụ đều phải niêm yết giá. Hiện chỉ số ít khách sạn hạng sang nằm trên đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng - nơi lý tưởng để thưởng thức pháo hoa - hết phòng; các khách sạn ở xa hơn thì vẫn còn nhiều phòng. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận nhiều khách sạn tại những tuyến đường như Lê Duẩn, Ngô Quyền, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, 3/2 để đặt phòng cho 2 ngày 29 và 30/4 thì đều nhận được những cái lắc đầu của tiếp tân.

Nhiều khách sạn còn phòng nhưng bị "ôm" lại để đến sát ngày khai hội bán với giá cao.

Tại một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, nhân viên lễ tân nói: “Phòng trong các ngày từ 28/4 đến 1/5 được khách đặt kín từ 2 tháng trước”. Chúng tôi liền lấy điện thoại ra gọi vu vơ: “Sếp ơi, giờ cơ quan mình mới đặt phòng thì làm gì có chỗ cho 20 người. Em đi nhiều khách sạn rồi nhưng chỗ nào cũng hết phòng”. Nghe chúng tôi “nổ” vậy, cô nhân viên liền gọi lại: “Anh ơi, em tưởng anh thuê cho 1 - 2 người thôi, chứ cho 20 người thì... còn phòng. Nhưng anh nói với sếp là giá cao hơn nhiều so với ngày thường đấy”.

Tương tự, tại khách sạn S. trên đường Phạm Văn Đồng, khi chúng tôi đặt phòng cho 6 người, nhân viên đưa ra mức giá không dễ chịu chút nào: 1,8 triệu đồng/phòng. Nếu thêm 1 người thì phụ thu 300.000 đồng. Tuy nhiên, nhân viên này cũng báo, chỉ còn phòng ngày 30/4, còn ngày 29 thì “khóa sổ”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các công ty lữ hành cũng than thở: “Các năm trước, khách sạn ở Đà Nẵng dịp pháo hoa “cháy” thì họ “chém” đã đành, nhưng năm nay rất nhiều nơi còn phòng nhưng do tham nên họ làm eo, giữ phòng để đến sát ngày mới bán với giá cao hơn”.

Không chỉ phòng nghỉ, giá chỗ ngồi tại những tòa nhà, khách sạn có view đẹp cũng được tận thu triệt để. Ở khách sạn M. và S., giá mỗi chỗ trên sân thượng (chưa tính thức ăn, nước uống) là 300.000 đồng/người.

Khi đến Đà Nẵng xem pháo hoa, nếu bị “chặt chém” du khách phản ánh đến các đường dây nóng sau: ông Lữ Bằng - Phó giám đốc Sở Công thương (0913.414.909), thanh tra Sở VH-TT-DL (0511.3886.761), Chi cục Quản lý thị trường (0511.3624.190).

Để không bị mất tiền oan, du khách nên đến các điểm sau để mua vé: Tại Hà Nội, công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Danaland (tầng 3 tòa nhà Naforimex, 19 Bà Triệu). Tại TP.HCM, công ty cổ phần truyền Thông Du lịch Việt - Viet Media Travel (175 Nguyễn Thái Bình, Q.1). Tại Đà Nẵng, nhà hát Trưng Vương (35 Phan Châu Trinh), nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (155 Phan Châu Trinh), Trung tâm Xúc tiến Du lịch (32A Phan Đình Phùng), Trung tâm Tổ chức sự kiện - lễ hội Đà Nẵng (78 Lê Duẩn) và công ty cổ phần Nghệ thuật Việt (62 Nguyễn Thị Minh Khai). Giá vé: khán đài C1 300.000 đồng/người/đêm; khán đài C2 250.000 đồng/người/đêm và khán đài C3 200.000 đồng/người/đêm.

Chia sẻ