Dấu ấn đổi mới chuyển trọng tâm đánh giá học sinh

Hiếu Nguyễn ,
Chia sẻ

Chương trình GDPT 2018 chú trọng đánh giá cả quá trình dạy học...

Nếu chương trình hiện hành đánh giá kết quả học sinh (HS) ở những thời điểm nhất định trong quá trình dạy học, thì Chương trình GDPT 2018 chú trọng đánh giá quá trình. Cùng với đó, hình thức đánh giá, cách ra đề… cũng có những đổi mới nhằm phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất người học.

Dấu ấn đổi mới chuyển trọng tâm đánh giá học sinh - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) thuyết trình, thảo luận nhóm trong một giờ học Văn.

Chuyển trọng tâm đánh giá

Theo cô Nguyễn Thị Là, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ, Chương trình GDPT 2018 đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS, trong khi chương trình hiện hành chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng. HS sẽ được đánh giá năng lực phẩm chất dựa trên ngữ cảnh học tập, thực tiễn cuộc sống, hoạt động giáo dục, trải nghiệm, sự tiến bộ của bản thân… thông qua công cụ đánh giá về nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thật.

Đặc biệt, kết quả đánh giá HS ở chương trình mới phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ học tập, hoặc bài tập hoàn thành. Nếu HS thực hiện được nhiệm vụ học tập càng khó, càng phức tạp được coi là có năng lực cao hơn. Vì vậy, nội dung của các bài kiểm tra sẽ tập trung vào việc đánh giá khả năng liên hệ kiến thức, vận dụng thực tế của HS hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Điều này đòi hỏi HS phải thay đổi phương pháp học, cách tiếp cận kiến thức theo tư duy mở, chủ động và sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Là cho biết, Trường THPT Tân Sơn đã chỉ đạo triển khai tới GV các quy định về kiểm tra đánh giá theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT. Nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho đội ngũ điểm mới về chương trình, sách giáo khoa, chỉ rõ những yêu cầu về kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS chuyển từ đánh giá kiến thức kỹ năng sang hướng tiếp cận năng lực là như thế nào.

Cụ thể, chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy, sáng tạo. Sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích điều chỉnh quá trình dạy học. Chuyển từ đánh giá một hoạt động gần như độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá như là một phương pháp dạy học.

“GV của trường đã nắm vững quy chế đánh giá, HS chủ động trong việc tiếp cận kiến thức, phát huy được năng lực học tập. Điều quan trọng nhất, người thầy phát hiện ra mỗi HS đều có những năng lực riêng biệt. HS được đánh giá trong cả quá trình học tập nên có nhiều cơ hội để cố gắng, phát huy và đạt được kết quả như mong muốn” - cô Nguyễn Thị Là cho hay.

Thầy Trịnh Đình Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Tân Lạc, Hòa Bình), cũng đánh giá kết quả tích cực khi triển khai kiểm tra, đánh giá theo hương mới. Với kiểm tra thường xuyên, nhà trường tiến hành nhiều bài kiểm tra và đa dạng hóa các hình thức (giấy, thực hành, sản phẩm dự án, cá nhân, nhóm...) trong suốt quá trình học tập. Số đầu điểm được lấy theo quy định (chọn lựa các điểm có sự tiến bộ trong quá trình đánh giá HS).

Với đánh giá định kỳ, đề kiểm tra được xây dựng bảo đảm đúng quy trình (với bản đặc tả, ma trận, đề và đáp án), bao gồm tự luận và trắc nghiệm ở các mức độ nhận thức của HS. Bố trí kiểm tra hợp lý để tránh áp lực và quá tải. Bài kiểm tra giữa kỳ đã hoàn thành và trường tiến hành kiểm tra cuối kỳ vào tuần 18 (cuối tháng 12). Đặc biệt, nhà trường thành lập hội đồng để ra đề kiểm tra cuối kỳ nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng.

“Kết quả bước đầu cho thấy thực hiện theo Thông tư 22 đánh giá khá sát với năng lực, phẩm chất HS. Việc đa dạng hóa các hình thức đánh giá, không chỉ qua bài kiểm tra viết (qua sản phẩm học tập, sử dụng nền tảng số để đánh giá thường xuyên…), giúp người học không chỉ chắc kiến thức (qua quá trình chuẩn bị, làm sản phẩm), mà còn phát triển các kỹ năng và hào hứng khi được đánh giá” - thầy Trịnh Đình Thành chia sẻ.

Dấu ấn đổi mới chuyển trọng tâm đánh giá học sinh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ INT

Những môn học mang nhiều dấu ấn đổi mới

Tại Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lê Đình Khương, HS lớp 10 học theo chương trình mới đã trải qua một lần kiểm tra định kỳ (giữa kỳ) và sẽ thực hiện bài kiểm tra cuối kỳ từ 18/12 này.

Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, đặc tả ma trận đề. Đề kiểm tra kết hợp hợp lý giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành. Tỷ lệ trắc nghiệm trong đề kiểm tra định kỳ của khối 10 và 11 tối đa là 50%. Kiến thức trong đề dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt của môn học tăng cường các bài tập, câu hỏi theo hướng mở, tổng hợp, tích hợp gắn với thực tiễn.

Với lớp 12, các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, nhà trường quy định một số bài kiểm tra định kỳ có thể bằng hình thức trắc nghiệm khách quan để HS làm quen với hình thức thi tốt nghiệp. Nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn, tăng cường các câu hỏi mở gắn với thực tiễn, các vấn đề xã hội.

“Một trong những môn học có nhiều thay đổi trong kiểm tra đánh giá năm học này là Ngữ văn, cấu trúc đề thi cũng khác. Đề thi giữa học kỳ I môn Ngữ văn với lớp 10, Trường THPT Thái Thuận ra phần đọc hiểu (6 điểm) với 10 câu hỏi, trong đó có 7 câu trắc nghiệm và 3 câu tự luận phần viết (4 điểm) là yêu cầu nghị luận xã hội. Việc đổi mới ra đề ban đầu đem lại kết quả tích cực” - thầy Lê Đình Khương chia sẻ.

Nói về môn học có nhiều đổi mới trong việc thực hiện kiểm tra, đánh giá, thầy Trịnh Đình Thành, nhắc đến môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các môn đánh giá bằng nhận xét. Theo đó, với môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Kim Đồng tổ chức dạy cuốn chiếu theo đúng logic chương trình.

2 GV giảng dạy môn này (GV dạy Vật lý, GV dạy Hóa - Sinh) cùng theo dõi điểm kiểm tra thường xuyên của HS và đánh giá, sau đó thống nhất lấy điểm ở cả 2 phần. Khi kiểm tra định kỳ, 2 GV được phân công giảng dạy căn cứ vào số tiết của từng phân môn để xác định lượng kiến thức trong đề, số câu hỏi và số điểm của từng chủ đề trong môn.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, do 2 nội dung tương đồng về thời lượng nên việc kiểm tra, đánh giá kết hợp giữa 2 GV giảng dạy. Với các môn đánh giá bằng nhận xét, nhà trường phối hợp nhiều hình thức đánh giá để phát huy được những năng lực và phẩm chất cho HS.

Tại Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ, môn học đổi mới nhất trong kiểm tra đánh giá, theo cô Nguyễn Thị Là, là Ngữ Văn và Lịch sử. Cụ thể, môn Ngữ văn, GV sử dụng ngữ liệu ngoài SGK để kiểm tra năng lực cảm thụ, phân tích và mức độ nắm kiến thức của HS. Môn Lịch sử không nặng việc phải ghi nhớ những con số, sự kiện kịch sử mà chú trọng đến kiểm tra khả năng trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống.
Chia sẻ