Đất nước với tỉ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới đang có ổ dịch lây lan với tốc độ cực nhanh - chuyện gì đã xảy ra?
Điều này có nghĩa vaccine đang hoạt động không hiệu quả? Ồ không, tình hình thực tế là ngược lại.
Chương trình tiêm chủng Covid-19 đang gấp rút được triển khai trên phạm vi toàn cầu. Nhưng tại một trong những đất nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất, số ca Covid-19 lại đang tiếp tục lan rộng.
Đó là trường hợp của Seychelles - một quốc đảo phía tây Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật vì thiếu hụt vaccine, Seychelles bằng cách nào đó đã tiêm chủng được cho 61,4% dân số. Tuy nhiên, điều đó dường như là không đủ để ngăn chặn đà lây lan của virus.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, số các ca nhiễm tại quốc đảo này đang tăng cao, buộc giới chuyên gia phải đứng trước lựa chọn phong tỏa cả đất nước 98.000 người. Theo số liệu công bố hôm 13/5, họ đang có 2700 ca nhiễm đang hoạt động, với 33% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trên thực tế, việc Seychelles dù có tỉ lệ tiêm chủng cao vẫn phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới đang tạo ra hoài nghi, rằng liệu các quốc gia khác có thoát khỏi dịch bệnh chỉ nhờ vào vaccine. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, ổ dịch ở Seychelles không phải là dấu hiệu cho thấy vaccine không hoạt động. Trái lại, nó nên là một bài học về sự chủ quan dành cho các quốc gia khác.
Chuyện gì đã xảy ra tại Seychelles
Cách đây 1 tháng, Seychelles đã rất tự tin về khả năng kiểm soát Covid-19. Họ thậm chí còn nới lỏng các hạn chế dành cho khách du lịch.
Sự tự tin của họ có cơ sở. Số ca nhiễm là rất ít, trong khi chương trình tiêm chủng đang hoạt động hiệu quả. Bởi vậy, đất nước phụ thuộc vào du lịch này quyết định mở cửa biên giới cho du khách quốc tế. Theo đó, bất kỳ ai mang giấy xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính đều được nhập cảnh mà không cần cách ly.
Số ca nhiễm tăng vọt trong tháng 5 ở Seychelles
Đây là một bước đi quan trọng, khi du lịch chiếm tới 72% GDP của cả nước và tạo công ăn việc làm cho hơn 30% dân số. Tính đến thời điểm ấy, quốc gia này chỉ có dưới 3800 ca nhiễm, và 16 ca tử vong.
Nhưng kể từ thời điểm đó, tổng số ca nhiễm đã tăng hơn gấp đôi - lên 9184 ca và 32 trường hợp tử vong.
Lý do tại sao dịch bệnh lại lan rộng hiện chưa rõ. Theo Sylvestre Radegonde - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Du lịch, virus có thể đã tồn tại ở đất nước này từ lâu, và lây lan rộng hơn do con người đã quá buông thả sau khi tiêm vaccine. Ngoài ra, việc lần vết và xét nghiệm hiệu quả đã cho phép họ lần ra nhiều ca bệnh hơn.
"Sau khi tiêm chủng trong vòng 1 tháng qua, người dân bắt đầu quan niệm rằng việc nhiễm bệnh là không quá nghiêm trọng, không ai chết cả," - Radegonde cho biết. Cũng theo ông, dân chúng tại quốc đảo này khá mê tiệc tùng, do đó đã buông lỏng quá mức mà không có sự phòng bị. "Tất cả mọi người đã mất cảnh giác."
Seychelles dựa hoàn toàn vào 2 loại vaccine. Một là Sinopharm của Trung Quốc, và 2 là từ Covishield - AstraZeneca của Oxford, được sản xuất tại Ấn Độ. Trong số những người được tiêm chủng hoàn toàn, 57% được tiêm Sinopharm (trong độ tuổi từ 18 - 60), 43% được tiêm AstraZeneca dành cho người trên 60 tuổi.
Tính đến ngày 8/5, 37% ca dương tính trong tuần đó vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng không rõ họ tiêm loại vaccine nào vì chưa có số liệu công bố.
Khoảng 20% người nhập viện đã được tiêm chủng, nhưng tình trạng của họ không nghiêm trọng - theo công bố của Bộ Y tế. Gần như không có ca bệnh nào cần máy thở và chăm sóc tích cực (ICU) được tiêm chủng, và chưa có ai được tiêm mà chết vì Covid-19.
Theo Radegonde thì ở thời điểm hiện tại, cả đất nước chỉ có 2 người đang nằm trong phòng ICU.
"Kết luận ở đây là vaccine thực sự bảo vệ được mọi người. Nhưng người tiêm chủng không có các biến chứng phức tạp hơn," - Radegonde cho biết. "Chúng tôi tự tin rằng vaccine - cả hai loại - đã giúp đất nước này. Tình hình đáng ra sẽ tệ hơn thế rất nhiều."
Vaccine có hiệu quả
Với một số người, việc tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh cho thấy vaccine không hoạt động. Nhưng với các chuyên gia - bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những gì Seychelles đang trải qua là nằm trong dự đoán.
2 loại vaccine họ sử dụng đều được WHO chứng nhận, nhưng cả hai không có độ hiệu quả phòng Covid-19 đạt 100%. AstraZeneca chỉ có hiệu quả 76% với các ca bộc lộ triệu chứng, và 100% với các trường hợp bệnh nặng. Sinopharm là 79% với các ca triệu chứng.
Tiến sĩ Richard Mihigo, nhà vận hành chương trình tiêm chủng của WHO khu vực châu Phi cho biết, số liệu từ Seychelles khớp với các bằng chứng về vaccine Covid-19 đối với khả năng phòng các ca bệnh nặng, phải nhập viện hoặc tử vong.
"Trừ phi tất cả mọi người đều tiêm chủng, thì chẳng có lý do gì để dịch bệnh không tiếp tục lây lan," - ông trả lời trong email với CNN. Ông cũng cho biết WHO sẽ tiếp tục xem xét các số liệu để hiểu hơn về xu hướng dịch bệnh của quốc gia này.
Michael Z. Lin, phó giáo sư sinh học thần kinh và kỹ sư sinh học của ĐH Stanford thì nhận định với tỉ lệ trên, khoảng 20% người được tiêm vẫn có thể có rủi ro. "Không có gì lạ khi virus tiếp tục lây nhiễm cho một số người, bao gồm người đã tiêm, chưa tiêm và kể cả đối với các vaccine đột phá."
Về mặt tích cực, những người được tiêm có rủi ro nhập viện thấp hơn so với bình thường. Nhưng dĩ nhiên, các số liệu vẫn có kẽ hở, nên chúng ta chưa thể hiểu hết về khả năng của vaccine hiện nay. Ví dụ như tỉ lệ người dương tính khi tiêm AstraZeneca so với Sinopharm Seychelles là như thế nào.
Biến chủng tại Seychelles là gì hiện cũng chưa rõ. Số liệu cho thấy trong tháng 4, biến chủng từ Nam Phi đã xuất hiện tại Seychelles, nhưng chưa thấy có dấu hiệu của biến chủng Ấn Độ. Radegonde cho rằng có khả năng nhiều biến chủng khác cũng tồn tại, nhưng việc thiếu khả năng xét nghiệm di truyền khiến việc xác định gặp khó khăn.
Trong trường hợp biến chủng từ Nam Phi lan rộng, độ hiệu quả của vaccine có thể giảm. AstraZeneca chỉ cho khả năng bảo vệ khá thấp với các ca thể nhẹ và vừa từ biến chủng này mà thôi.
Cuộc sống hậu vaccine
Seychelles hiện có thể xem là bài học dành cho các quốc gia đang thực hiện chương trình tiêm chủng. Đó là kể cả khi chương trình được áp dụng rộng rãi, nó sẽ không ngăn chặn dịch bệnh hoàn toàn được.
Những vaccine hiện hành mới chỉ giảm được khả năng mắc bệnh nặng, dù cung cấp một phần khả năng bảo vệ với Covid-19 - theo Jeremy Lin từ ĐH Quốc gia Singapore (NUS).
"Nó cho thấy chúng ta có lẽ đã quá ngây thơ và lạc quan," - ông cho biết.
Nhưng Cassie Berry, giáo sư miễn dịch học từ ĐH Murdoch lưu ý, Seychelles chưa chắc đã là ví dụ cho tương lai của thế giới. Bởi lẽ, tỉ lệ lây nhiễm cho người tiêm chủng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố - loại vaccine, và bộ gene của dân số. Miễn dịch cộng đồng có thể sẽ sớm đạt được với các quốc gia sử dụng vaccine hiệu quả cao. Như Pfizer là ví dụ, cho hiệu quả lên tới hơn 90%.
Dẫu vậy, Lin cho rằng vẫn nên tiêm chủng, dù là loại vaccine nào, thay vì đưa bản thân vào 1% tỉ lệ tử vong vì bệnh dịch. "Vaccine tỏ ra rất hiệu quả để ngăn ca tử vong. Đó là một lợi thế rất lớn của việc tiêm chủng, thay vì chờ đến khi mọi thứ hoàn hảo."
Và Jennifer Huang Bouey, nhà dịch tễ học của Tập đoàn RAND lưu ý rằng không phải quốc gia nào cũng có nhiều lựa chọn cho vaccine, nhất là trong bối cảnh nguồn cung đang khan hiếm như hiện nay.