Đặt máy giặt ở đâu cho an toàn?
Những vụ nổ, điện giật vì máy giặt xảy ra thời gian qua đối với một số gia đình đã khiến nhiều người băn khoăn không biết đặt máy giặt ở đâu cho an toàn...
Máy giặt gây nổ
Chị Nguyễn Hoàng Yến (ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho hay đã bị ngã ngửa giữa sàn nhà tắm chỉ vì máy giặt rò điện. Sau khi tắm xong chị cho đồ vào máy giặt, vừa sờ vào vỏ máy thì một luồng điện đã giật tung người. Rất may điện không rò dưới sàn nhà, nếu không chị đã mất mạng vì... máy giặt.
Trước đó, một chiếc máy giặt đang quay bỗng văng hết các thanh kim loại bên trong, phá hỏng cả gian bếp của một gia đình ở Anh. Chủ nhà đã phải tìm nơi trú ẩn vì các mảnh kim loại từ chiếc máy giặt bỗng văng khắp phòng như các mảnh bom, phá hủy hết cả tủ bếp và sàn nhà.
Nên gắn thêm công tắc tự động hoặc chống điện giật để đảm bảo an toàn
Theo ThS Hoàng Ngọc Thuyết, khoa Kỹ thuật, Đại học Sư phạm Hà Nội, trường hợp máy giặt nổ tung là do các nguyên nhân như tốc độ quay của động cơ tăng nhanh đột ngột hoặc do vi mạch bị chập. Lúc này động cơ đang quay bình thường với vận tốc cao nhất khoảng 3.000 vòng/phút nhưng bị chập nên quay với tốc độ cao quá mức so với thiết kế ban đầu.
Trường hợp tốc độ tăng nhanh đột ngột có thể bắt nguồn từ điện áp không ổn định hoặc máy dùng quá thời hạn. Còn do bản mạch lại là yếu tố thiết kế cấu trúc hộp số, đây thường là nguyên nhân chính dẫn đến vụ nổ.
Giải thích về cơ chế nổ máy giặt, ThS Hoàng Ngọc Thuyết phân tích: Khi máy giặt ở chế độ vắt, lồng máy sẽ quay với vận tốc góc lớn làm cho nước bắn ra lồng ngoài cũng có lực lớn tương đương. Lực này sẽ tác động đến lồng chắn phía ngoài.
Thông thường, ở mức thiết kế vận tốc quay chuẩn thì lồng ngoài sẽ không bị tác động nhiều, nhưng khi vận tốc quay tăng cao làm lực nước bắn ra cao gấp nhiều lần so với bình thường khiến phần kim loại bị tác động dẫn đến vỡ vụn.
Bảo vệ máy giặt khi đặt trong nhà tắm
Bên cạnh nguy cơ nổ, yếu tố rò điện khi sử dụng cũng rất cao. Bởi các gia đình quan niệm máy giặt nên để trong nhà tắm vì tiện sử dụng. Tuy nhiên, cách làm này sẽ làm giảm tuổi thọ máy cũng như nguy cơ rò điện cao hơn gấp nhiều lần so với thông thường.
"Máy giặt có cấu tạo động cơ phía dưới cùng bảng vi mạch phía trên. Nếu để trong phòng tắm, độ ẩm cao sẽ làm ảnh hưởng đến động cơ. Lúc này, bộ phận cách điện bị phá hoại dẫn đến mất khả năng bảo vệ. Điện sẽ rò ra vỏ và giật người sờ vào. Trong môi trường ẩm nguồn điện càng nguy hiểm hơn", ThS Thuyết nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Hữu Khánh, Trung tâm Điện tử - Điện lạnh Bách khoa khuyến cáo, trường hợp bất đắc dĩ phải đặt máy giặt trong phòng tắm bạn có thể khắc phục bằng cách sau:
Máy giặt nên để ở nơi thông thoáng, không ẩm ướt...
Đặt máy ở vị trí xa vòi hoa sen, chỗ hay dội nước, giặt giũ. Nên có một cái tủ hoặc vách ngăn nước tác động vào máy giặt. Đường dây cấp điện, đường cấp nước, thải nước nên đi khéo léo, bọc kín chống nước và gần máy giặt càng tốt để tránh bị tác động. Đồng thời có gắn thêm công tắc tự động hoặc chống điện giật để đảm bảo an toàn...
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, máy giặt cũng nên hạn chế đặt trong bếp. Nếu đặt cần có tủ riêng nhằm mục đích hạn chế sự oxy hóa do khí CO có trong quá trình đốt, nấu của bếp gas cũng như chất mặn của nước mắm muối hay chất dầu mỡ. Tốt nhất nên đặt máy vào nơi riêng, khô ráo, sạch sẽ như gần sân phơi nhưng vẫn đảm bảo áp lực nước mạnh...
Các chuyên gia cho rằng, sự cố máy giặt nổ đối với các gia đình có thể diễn ra bất cứ lúc nào bởi điện áp không ổn định, máy sử dụng quá lâu so với hạn sử dụng. Đấy là chưa kể có những gia đình còn mua máy đã sử dụng hết hạn về dùng tiếp. Trường hợp do chập mạch rất ít xảy ra...
Nếu bạn đang sống trong một ngôi nhà hoặc một căn phòng mà bạn thấy tự hào, hãy cùng Chia sẻ không gian sống của chính bạn với độc giả aFamily bằng cách liên lạc với chúng tôi theo số điện thoại 84-4-39749300 (số máy lẻ 910) hoặc qua hòm thư nhadep@afamily.vn, info@afamily.vn. Mỗi độc giả chia sẻ nhà sẽ được tặng một phần quà từ một trong số những nhà tài trợ của chương trình. |