Đặt lên bàn cân 2 show hẹn hò siêu hot: "Phi thường hoàn mỹ" - "Vì yêu mà đến"
"Phi thường hoàn mỹ" bản Trung có những điểm thu hút mà "Vì yêu mà đến" bản Việt vẫn chưa làm được, ngược lại, "Vì yêu mà đến" lại có những biến tấu mới lạ khiến khán giả thích thú.
Thời gian vừa qua, những chương trình truyền hình lãng mạn đã xuất hiện với tần số dày đặc hơn. Đặc biệt là 2 show thực tế Phi thường hoàn mỹ và Vì yêu mà đến, cả 2 chương trình đều đang là đề tài bàn tán của cư dân mạng. Không chỉ có những màn tỏ tình lãng mạn mà chương trình thể hiện một khía cạnh mới của việc chủ động thể hiện tình cảm. Các cô gái có cơ hội được tự tin thể hiện chính mình, bày tỏ tình cảm với người mình thích mà không còn ngần ngại hay e dè như trước. Tuy format tương tự nhau nhưng Phi thường hoàn mỹ và Vì yêu mà đến lại có cách dàn dựng khác biệt. Chính sự khác biệt đó đã tạo nên những tranh cãi giữa các fan của cả 2 chương trình.
Quy mô chương trình và dàn khách mời
Phi thường hoàn mỹ là một trong những show truyền hình hot nhất nhì của Trung Quốc. Với lịch sử phát sóng hơn 6 năm, chương trình đã có một lượng khán giả trung thành nhất định. Ngoài ra, sau mỗi tập phát sóng, chương trình lại thu hút thêm nhiều những người xem mới. Nói về quy mô, với dàn khách mời đông đảo gồm 15 anh chàng đến từ nhiều lĩnh vực và khu vực khác nhau, Phi thường hoàn mỹ đã tạo cho các khách mời nữ những lựa chọn vô cùng đa dạng.
Dàn khách mời nam đông đảo của "Phi thường hoàn mỹ".
Những chàng nam thần của Phi thường hoàn mỹ không chỉ đơn giản gói gọn trong tiêu chuẩn đẹp trai, ga-lăng mà phải nói rằng hầu hết mỗi người đều có điểm đặc trưng và nét thu hút rất riêng. Ngô Tuyền Tích là hình mẫu của một anh chàng soái ca ngôn tình, đẹp trai, lực lưỡng và lịch lãm. Trần Hoằng Thần lại là chàng trai có vóc dáng cao gầy, tính tình trẻ con, đơn thuần. Lâm Chí Dũng và Hứa Giai Lân thì sở hữu giọng hát khiến nhiều người xao xuyến. Dàn nam khách mời "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười" này của Phi thường hoàn mỹ bao năm qua vẫn luôn khiến các chị em phụ nữ ngã gục.
Không chỉ có cá tính riêng mà các nam thần "Phi thường hoàn mỹ" còn tạo cho khán giả cảm giác gần gũi, thân quen bởi họ chỉ là những người bình thường chứ không phải người nổi tiếng.
So với bản Trung, Vì yêu mà đến của Việt Nam lại có dàn khách mời hơi lép vế. Chỉ với 9 chàng trai thay phiên nhau ngồi 8 chiếc ghế, Vì yêu mà đến thật sự không cho các khách mời nữ nhiều lựa chọn như Phi thường hoàn mỹ. Cả 9 nam khách mời đều là người nổi tiếng hoặc làm việc cho các lĩnh vực nghệ thuật, diễn viên, người mẫu, MC, ca sĩ... Ngoài ra, người xem luôn có cảm giác rằng những nam khách mời này có phần xa cách với khán giả.
Dàn khách mời nam của "Vì yêu mà đến" lại toàn là người nổi tiếng và làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật. Điều này khiến cho khán giả cảm thấy xa cách với họ.
Một số người đã nhận xét rằng Phi thường hoàn mỹ đưa những người bình thường trở thành các nam thần nổi tiếng, còn Vì yêu mà đến lại dùng danh tiếng của khách mời để thu hút lượt xem và sự chú ý từ công chúng. Chính những điều này đã dấy lên nghi ngờ và tính chân thực của những màn tỏ tình tại Vì yêu mà đến. Bởi họ luôn cho rằng người nổi tiếng thì sẽ chẳng thể nào đồng ý lời tỏ tình của một cô gái bình thường cả. Bằng chứng là khi vừa mới phát sóng những tập đầu, Vì yêu mà đến nhận về những phản ứng trái chiều rằng: "Người nổi tiếng chỉ quen người nổi tiếng thôi. Tỏ tình chả thành công đâu, mà nếu có về cùng nhau thì chắc cũng chỉ là diễn rồi sau đó chia tay ngay ấy mà".
Việc tỏ tình thành công với các nam khách mời của "Vì yêu mà đến" trở nên khó tin đối với khán giả.
Sự đa dạng, biến tấu và những điểm mới lạ
Khác với bản Trung là chỉ có duy nhất một format nữ đến tỏ tình nam và các khách mời nữ chỉ được tỏ tình với 15 chàng trai cố định của chương trình, Vì yêu mà đến bản Việt có phần đa dạng hơn. Trong tập 3, cô gái Linh Đan đã thật sự tạo nên một cơn sốt khi có màn cầu hôn vô cùng lãng mạn ngay trên sân khấu chương trình. Điểm đặc biệt chính là Linh Đan không hề tỏ tình với 8 nam khách mời cố định mà lại đi tỏ tình với... người yêu cũ. Linh Đan cũng cho biết ban đầu nhà sản xuất có phản đối việc cô tỏ tình với người ngoài mà không phải các khách mời cố định, thế nhưng sau đó họ cũng đã đồng ý để đáp ứng nhu cầu của khách mời.
Màn cầu hôn lãng mạn đẫm nước mắt của Linh Đan cùng bạn trai Ngọc Vàng đã khiến dân mạng xôn xao suốt thời gian vừa qua. Đáng chú ý ở chỗ Ngọc Vàng không hề nằm trong số 9 nam khách mời cố định của chương trình.
Mới đây, Vì yêu mà đến còn mở rộng ra thêm phiên bản nam đến tỏ tình với dàn khách mời nữ xinh đẹp. Tập 4 phát sóng vào tối 5/10 đã khiến khán giả vô cùng thích thú nhờ 8 khách mời nữ xinh xắn, 2 chàng trai đến tỏ tình cũng rất điển trai và có duyên. Phiên bản biến tấu mới lạ này của Vì yêu mà đến đã mang đến một làn sóng mới cho khán giả Việt. Ít ra người xem sẽ không cảm thấy chương trình quá nhàm chán và bị rập khuôn từ phiên bản Trung nữa.
Dàn khách mời nữ của "Vì yêu mà đến" đã khiến chương trình thêm thú vị và tạo cho khán giả cảm giác mới lạ, bớt nhàm chán.
Phi thường hoàn mỹ thì vẫn trung thành với format gốc từ trước đến giờ của mình. Có thể nói rằng khán giả từ mỗi quốc gia sẽ có thói quen xem truyền hình đặc trưng của quốc gia đó. Người Trung Quốc chuộng những thứ chính thống và có bề dày lịch sử. Chưa kể đến Phi thường hoàn mỹ có lượng lớn khán giả trung thành theo dõi chương trình qua nhiều năm liền. Nếu một ngày nào đó Phi thường hoàn mỹ bất ngờ thay đổi format thì chương trình sẽ không được như xưa nữa. Nên nếu nói rằng Phi thường hoàn mỹ thiếu đa dạng thì cũng không hẳn là đúng.
Ngoài giải trí, chương trình còn là nơi tư vấn tình cảm
Đây hẳn là một trong những yếu tố khiến Vì yêu mà đến mất đi một phần sức hút đối với khán giả. Một bộ phận lớn người xem theo dõi Vì yêu mà đến đều đã từng xem qua Phi thường hoàn mỹ của Trung Quốc. Họ cho rằng vai trò của ban cố vấn tại Phi thường hoàn mỹ, tức những giáo sư tâm lý có tiếng ngồi ghế khách mời, là vô cùng quan trọng. Họ đã có những lời phân tích cũng như góp ý, nhận xét về quan niệm tình yêu của những khách mời đến tham dự chương trình.
Ban cố vấn đóng vai trò khá quan trọng trong "Phi thường hoàn mỹ".
Giả dụ như cô gái đến tỏ tình với chàng trai và bị từ chối, ban cố vấn sẽ động viên tinh thần cô gái và giải thích lý do vì sao 2 người lại không đến được với nhau. Họ cũng giúp người chơi giải thích thêm để tránh tình trạng cô gái quá buồn phiền còn chàng trai thì lại thấy áy náy. Ngoài ra, những lời gợi ý, tư vấn của ban cố vấn cũng giúp các cô gái, chàng trai suy nghĩ cẩn thận hơn về việc có nên đồng ý lời tỏ tình của đối phương hay là không. Một số trường hợp, khách mời nam phân vân về các vấn đề ngoài lề như khoảng cách địa lý, khác biệt tính cách, tuổi tác... Họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ phía ban cố vấn để biết được mình nên đáp lại lời tỏ tình của cô gái như thế nào.
Vì yêu mà đến vì thiếu mất phần tư vấn này, cộng thêm việc thời lượng phát sóng bị hạn chế dẫn đến những màn tỏ tình và bày tỏ của các khách mời không được trọn vẹn. Khán giả sau khi xem xong có thể đánh giá màn tỏ tình là quá nhạt hay các khách mời quá thờ ơ với đối phương. Mặc dù trước đó họ đã trao đổi và trò chuyện với nhau rất nhiều nhưng không phải tất cả khoảnh khắc đều được phát sóng. Tình trạng này đã từng xảy ra và khiến khán giả hiểu lầm rằng các nam khách mời từ chối lời tỏ tình của cô gái chưa được tế nhị.
Do thiếu thời lượng phát sóng nên phần từ chối của Cường Seven đã bị cắt bớt khiến khán giả lầm tưởng anh từ chối cô gái tỏ tình với mình thiếu tế nhị.
Vì yêu mà đến có những biến tấu mới lạ còn Phi thường hoàn mỹ lại có những màn tỏ tình lãng mạn, ý nghĩa, tạo nên những chuyện tình đẹp cho các cặp đôi khách mời. Xét qua những điểm trên, cả Phi thường hoàn mỹ và Vì yêu mà đến đều có những điểm mạnh riêng. Nhiều người cho rằng nếu thấy bản Việt không phù hợp thì có thể trung thành theo dõi bản Trung bởi nếu cứ mang 2 phiên bản ra so sánh thì khá là khập khiễng.
"Vì yêu mà đến".
"Phi thường hoàn mỹ".