Đắt hàng nghề... vỗ tay thuê
Sự bùng nổ các game show truyền hình kéo theo sự phát triển của nghề làm khán giả thuê.
Trên các diễn đàn, có thể thấy những dòng tuyển dụng khán giả cổ vũ gameshow với cát sê khá hấp dẫn. Kín đáo hơn là nhắn tin thuê, họp fan thuê cho các nghệ sĩ.
Vỗ tay thuê trong gameshow
Anh Lê Quốc Cường, Trưởng ban điều hành Cộng đồng FansViet Club, chuyên cung cấp dịch vụ khán giả cổ vũ cho biết, hiện bên anh hợp tác với các gameshow truyền hình: X Factor, The Voice, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vietnam's Got Talent, Cùng nhau tỏa sáng...
Theo anh Cường, mỗi chương trình gameshow truyền hình khác nhau, vì thế khản giả có quyền lợi khác nhau. Những gameshow truyền hình phát sóng trực tiếp như: The Voice, X Factor, Bài hát Việt... khán giả không có tiền cát-xê. Còn những gameshow truyền hình thu phát sóng thì người xem đi cổ vũ sẽ được nhận cát-xê.
Thu nhập của khán giả cổ vũ được tính theo giờ và trả luôn sau khi kết thúc show diễn. Trung bình là từ 15 - 30 nghìn, 60 nghìn đồng/giờ. Nếu kéo dài từ sáng đến chiều thì ít nhất cũng phải 150 nghìn/người. Ngoài ra một số chương trình còn được xe buýt đưa đón miễn phí.
Mới đây, mỗi lần ghi hình liveshow Cùng nhau tỏa sáng, Ban tổ chức cần khoảng 30 - 50 khán giả. Ngoài phụ cấp 30 nghìn đồng/người, những người này còn được hỗ trợ bánh, nước miễn phí. Đặc biệt, khán giả thuê còn được tặng vé xem chung kết.
Khán giả xem Gameshow Cùng nhau tỏa sáng sẽ được hỗ trợ 30 nghìn đồng, cùng với đồ ăn và nước uống miễn phí.
“Chúng tôi ưu tiên sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, muốn có thêm thu nhập. Ngoài ra, lý do họ được chọn vì là những người có năng lượng và phấn khích”, anh Cường nói.
Yêu cầu công việc của khán giả là phải đến đúng giờ, vỗ tay theo yêu cầu, nhiệt tình, vui vẻ và tham gia cổ vũ các đội chơi. Cổ vũ fair play cho các thí sinh, không phân biệt đối xử với thí sinh nào.
Theo anh Cường, làm dịch vụ này khó nhất là khâu quản lý con người: “Có chương trình về DJ, hiphop, có chương trình lại về nhạc opera, trữ tình... mình làm sao phải theo đúng gu của chương trình đó. Tiết mục múa sôi động thì phải vỗ tay thế nào, tiết mục múa trữ tình thì vỗ tay sao cho phù hợp, chứ không thể cái nào cũng vỗ tay ầm ầm. Làm sao cả ngàn con người cùng vỗ tay đồng bộ mới khó”, Cường chia sẻ.
Yến Nhi, một nữ sinh viên tại TP HCM có thâm niên đi làm khán giả cho các gameshow truyền hình chia sẻ, nếu đi cổ vũ cả ngày được khoảng 100 nghìn đồng/ buổi, theo tiếng 15 nghìn đồng/tiếng. Tuy nhiên, có hôm đi cổ vũ về khản cả giọng vì hò hét nhiều.
Nhiều khi làm đi làm lại, mệt nhưng vui. Vừa được xem miễn phí lại vừa có tiền tiêu. Nhiều lúc gặp được thần tượng của mình cũng thích”, Yến Nhi nói.
Nhắn tin thuê, họp fan thuê cho nghệ sĩ
Không chỉ gameshow truyền hình mới thuê khán giả đến cổ vũ, mà ngay cả các sao, các nghệ sĩ cũng chi tiền thuê fan làm hình ảnh cho mình. Nếu như dịch vụ thuê khán giả cổ vũ trong các gameshow công khai quảng cáo thì dịch vụ thuê fan nhắn tin bình chọn, hay thuê khán giả họp fan diễn ra kín đáo và âm thầm hơn.
Ca sĩ H. cho biết, anh không bao giờ tham gia những chương trình truyền hình có nhắn tin bình chọn. Đó là những cuộc chơi không công bằng vì không ít nghệ sĩ đã bỏ tiền ra thuê fan nhắn tin. “Một là nghệ sĩ đó sẽ chi tiền cho một số người đi vận động nhắn tin hoặc là bỏ tiền ra mua điện thoại, mua sim, thuê người nhắn tin”, nam ca sĩ nói.
Trong khi đó, một người mẫu cho biết, không giống ca sĩ, diễn viên, fan của người mẫu quá ít. Vì thế, khi họp fan làm truyền thông trên báo, cô đã phải nhờ người tìm khán giả. “Sau buổi họp fan, tôi đã phải bỏ tiền mời fan ăn cơm hoặc đưa tiền để trưởng nhóm đó bồi dưỡng cho từng fan trà nước, xăng xe”, cô người mẫu nói.
“Những món quà của fan cũng đều được đặt hàng từ trước”, cô người mẫu này tiết lộ thêm: