Đạt điểm top đầu nhưng không đỗ ĐH danh giá, cô gái phát hiện hồ sơ bị ‘đánh tráo’ bởi 1 người không ngờ
Cho đến 24 năm sau, khi nhắc đến câu chuyện này, cô gái Trung Quốc vẫn còn nhiều tiếc nuối.
Năm 1999, cô gái đến từ Hoàng Cương, Hồ Bắc, Trung Quốc đã đạt điểm thi đại học ấn tượng. Vào năm đó, số điểm đạt được đủ để cô đỗ vào ĐH Bắc Kinh đúng như mong muốn. Tuy nhiên, giấy báo trúng tuyển - thứ cô mong chờ nhất lại đến từ 1 trường ĐH khác. Khi cầm tờ giấy này trên tay, cô gái đã chết lặng và không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Hình mẫu con nhà người ta
Cô gái này là Đại Liễu, sinh năm 1983. Cha của cô là nhà báo, mẹ là giáo viên. Nhờ sự dẫn dắt của cha mẹ, cô gái này có thành tích học vô cùng xuất sắc.
Cô gái 8X này vô cùng thông minh. Nếu như người khác mất một ngày để hoàn thành hết bài tập, Đại Liễu chỉ cần nửa ngày. Ngoài việc học, cô còn tham gia nhiều lớp học ngoại khoá để rèn luyện năng khiếu nghệ thuật. Với tất cả những thành tích đạt được, cô luôn là niềm tự hào của cha mẹ và thầy cô. Ai cũng cho rằng, cô chắc chắn có một tương lai tươi sáng.
Chẳng mấy chốc, Đại Liễu cũng tham gia kỳ thi tuyển sinh như các bạn đồng trang lứa. Để “chạm” tay vào cánh cổng của ngôi trường mình mong ước, ĐH Bắc Kinh, ở năm cuối cấp, cô gái này đã dồn toàn bộ thời gian để ôn luyện.
Sau khi bước ra từ phòng thi, cô tự cảm nhận được điểm số của mình sẽ không tệ nên đã mạnh dạn đăng ký nguyện vọng vào ĐH Bắc Kinh. Cho đến khi biết điểm, Đại Liễu không ngờ rằng mình đạt 687 điểm, trở thành người có số điểm thi đại học cao thứ 3 toàn tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Kết quả này khiến cô tự tin rằng chắc chắn mình sẽ đỗ vào ngôi trường mơ ước. Cô gái cũng vô cùng háo hức chờ đợi để được cầm tờ giấy báo nhập học.
Mong ước của cha nhưng lại là nỗi đau của con gái
Khoảng 1 tháng sau, khi các trường đồng loạt gửi giấy báo, cuối cùng, cô gái này cũng được nhận thư. Tuy nhiên, đến khi mở ra, Đại Liễu vô cùng ngạc nhiên khi đây lại là giấy báo trúng tuyển của trường ĐH Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc.
Không hiểu chuyện gì xảy ra, cô gái này đã liên hệ lại với người đưa thư để hỏi về việc có giao nhầm hay không. Người này chắc chắn không có chuyện đó. Thêm nữa, cô cũng thấy trên thư ghi rõ ràng địa chỉ nhà mình. Để chắc chắn, cô còn hỏi nhân viên đưa thư xem còn sót lá thư nào của mình mà được gửi từ ĐH Bắc Kinh hay không. Tuy nhiên, người này khẳng định không có.
Đại Liễu tiếp tục gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm của mình để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau khi nhận được cuộc điện thoại, ngay lập tức, giáo viên chủ nhiệm đã gửi lời chúc mừng đến cô. Do đây không phải là nguyện vọng mong ước nên cô không vui khi nghe được những lời này.
Ngay khi đó, cô hỏi thẳng giáo viên của mình về chuyện nhầm lẫn này. Chưa hiểu chuyện gì, giáo viên đã hỏi ngược lại Đại Liễu rằng không phải đây là nguyện vọng của cô. Cô gái 8X gái hoàn toàn sững sờ. Bởi cô chỉ có một mong ước duy nhất và chưa bao giờ đổi, đó là ĐH Bắc Kinh.
“Sau khi em đăng ký nguyện vọng. Không lâu sau bố của em đã tới gặp cô để thay đổi nguyện vọng. Cô nhớ như in rằng bố em nhấn mạnh rằng đây chính là ý nguyện của em”, cô giáo của Đại Liễu chia sẻ.
Khi nghe được thông tin này cô gái 8X đã rơi nước mắt. Đối với cô học sinh hồi đó, không được học tại ĐH Bắc Kinh đồng nghĩa với việc hơn mười mấy năm học tập vất vả vừa qua trở nên vô ích.
“Vào lúc đó, tôi cũng cảm thấy khó tin khi nghe quyết định của bố em. Tuy nhiên, tôi không còn lựa chọn nào khác đó là tôn trọng ý kiến của gia đình. Vì thế, theo lời của bố em, tôi đã thay đổi từ ĐH Bắc Kinh thành ĐH Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc”, cô giáo chia sẻ thêm.
Đại Liễu trở về nhà, giận dữ mở cửa và hỏi bố về quyết định này. Ban đầu, ông không chia sẻ lý do mà chỉ hỏi tại sao con gái lại không muốn theo học ngôi trường này. Cô bật khóc nức nở và chia sẻ với bố mình về ước mơ của bản thân trong những năm tháng qua.
Cho đến lúc này, bố của cô mới nói ra sự thật. Ông chia sẻ rằng cũng vào năm thi đại học, do thiếu 1 điểm nên đã không trúng tuyển vào ngôi trường này. Vì vậy, ông muốn con gái thay mình thực hiện giấc mơ năm xưa.
Sự áp đặt của cha mẹ lên con cái
2 tháng nghỉ hè trôi qua nhanh chóng. Dưới áp lực của bố, Đại Liễu vẫn lên chuyến tàu đến Bắc Kinh. Trước khi đi, bố cô vẫn hào hứng nói: “Con đúng là một đứa con ngoan. Cuối cùng, con đã giúp bố thực hiện tâm nguyện của mình”.
Lúc đó, Đại Liễu chỉ biết gượng cười nhưng trong lòng tràn ngập nỗi buồn. Trong suốt 4 năm đi học trên thành phố, cô gái này rất hiếm khi về nhà. Bởi mỗi khi nhìn thấy bố, cô lại nghĩ đến chuyện đã bỏ lỡ ĐH Bắc Kinh.
Sau 4 năm tốt nghiệp đại học, Đại Liễu quyết định đi du học tại Hàn Quốc. Sau khi tự mình làm hết thủ tục và xin học bổng toàn phần, cô mới thông báo cho gia đình. Một lần nữa, cô lại tiếp tục vấp phải sự ngăn cản của bố. Tuy nhiên, mọi thủ tục đã hoàn tất nên đến ngày, cô gái vẫn lên đường như bình thường.
Cứ như vậy, 2 năm sau, cô tốt nghiệp loại xuất sắc và vào làm tại một công ty luật nổi tiếng tại Seoul, Hàn Quốc. Nhưng sau khi làm việc tại đây một thời gian, cô cảm thấy bản thân không có cơ hội phát triển. Đại Liễu đã lên kế hoạch thay đổi công việc của mình.
Thật trùng hợp, vào thời điểm đó, một công ty tài chính lớn ở Hàn Quốc đang tuyển dụng. Nộp hồ sơ và tham gia phỏng vấn, cô đã trúng tuyển. Gắn bó với công việc này trong 14 năm, một lần nữa, cô gái tiếp tục nộp đơn xin nghỉ việc vì không thể chịu được áp lực.
Sau khi từ chức, Đại Liễu gặp được người yêu của mình khi đang đi du lịch. Sau 1 năm hẹn hò, họ chính thức kết hôn và định cư tại đảo Jeju, Hàn Quốc. Tại đây, cô mở quán trá và sống cuộc đời an nhiên.
Trong suốt 24 năm sau kể từ khi kì thi đại học diễn ra, Đại Liễu vẫn rất đau lòng khi nghĩ về bố của mình. Mối quan hệ giữa cô và gia đình mình cũng không còn tốt đẹp như trước.
Với sự kiểm soát quá mức và yêu cầu con gái phải sống cuộc đời mình mong muốn, ông bố này đã khiến con gái nảy sinh tâm lý nổi loạn và cuối cùng mối quan hệ giữa bố con tan vỡ.
Vậy nên việc giao tiếp giữa bố mẹ với con gái vô cùng quan trọng. Đôi khi, bố mẹ áp đặt ý kiến của mình lên con cái. Điều này chỉ khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Như câu chuyện của Đại Liễu và bố là ví dụ. Sau 24 năm kể từ khi kì thi ĐH đó diễn ra, cô gái này rất khó để có thể nói chuyện lại với bố mình.