Đặt đai giảm béo là điều trị bệnh chứ không phải làm đẹp
Nội soi đặt đai giúp bệnh nhân béo phì trở về cân nặng bình thường. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị bệnh béo phì, chứ không phải… làm đẹp và phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Hơn 30 bệnh nhân bị béo phì nặng đã trở về cân nặng bình thường nhờ phương pháp nội soi đặt đai giảm béo do các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức thực hiện. Theo giới chuyên môn, chỉ tiến hành kỹ thuật này khi bệnh nhân không thể giảm cân bằng các phương pháp chữa bệnh khác hoặc bệnh béo phì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người bệnh.
Phương pháp “đốt” mỡ thừa hiệu quả
Đến tái khám tại Bệnh viện Việt - Đức, chị M, 38 tuổi ở Sơn La luôn miệng cảm ơn các bác sĩ vì đã tạo nên “phép mầu” khiến chị thon thả như hiện tại. Chị M cho biết, trước khi được thực hiện kỹ thuật đặt đai giảm béo, chị bị bệnh béo phì, thoái hóa khớp và nặng 97kg, chỉ số BMI là 37(BMI - Body Mass Index là chỉ số đánh giá mức độ béo phì bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao, nếu chỉ số BMI lớn hơn 30 thì bị xem là béo phì).
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật đặt đai giảm béo cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Uyên. |
Sau khi khám và tiến hành các xét nghiệm, các bác sĩ quyết định chị M cần điều trị giảm béo, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ca phẫu thuật đặt đai giảm béo được thực hiện trong 30 phút và một ngày sau, chị M đã được xuất viện. Hiện, trọng lượng của bệnh nhân đã trở về mức bình thường.
Tiến sĩ Trần Bình Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, đã có hơn 30 bệnh nhân được áp dụng điều trị. Cân nặng trung bình của nhóm bệnh nhân này trước khi mổ là 103 kg, chỉ số BMI 40. Sau một năm đặt đai giảm béo, cân nặng của nhóm giảm trung bình ở mức 34,5kg và chỉ số BMI còn 27.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là thừa cân do bệnh lý. Kết quả thống kê của Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho thấy, có gần 20% người ở độ tuổi 30 đến 65 bị thừa cân, béo phì.
Không phải cứ béo là được… “thắt đai”
Theo tiến sĩ Giang, đặt đai giảm béo là kỹ thuật dùng một chiếc đai đặt ở phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ đựng thức ăn, khiến cho người bệnh thấy no nhanh hơn, không còn có nhu cầu ăn. Tuy nhiên, thực tế cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại, do đó, lượng mỡ dư thừa lúc này sẽ được sử dụng, khiến trọng lượng cơ thể giảm đi nhanh chóng.
Bệnh nhân sẽ phải thực hiện chế độ ăn kiêng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ như ăn thức ăn đặc riêng, loãng riêng (ăn cơm trước, uống nước sau; không ăn cơm đã chan canh làm thức ăn nhanh chảy xuống túi dạ dày dưới, khiến người muốn giảm béo tiếp tục muốn ăn thêm).
Nếu bệnh nhân gầy quá nhanh, chiếc đai sẽ được nới rộng ra để tăng lượng thực phẩm ăn vào dạ dày và ngược lại. Khi trọng lượng cơ thể bệnh nhân đạt mức yêu cầu, bác sĩ sẽ nới đai ra để vừa bảo đảm duy trì cân nặng, vừa bảo đảm sức khỏe bệnh nhân.
Đặt đai giảm béo theo tiến sĩ Giang là phương pháp chữa bệnh cần thiết chứ không phải phương pháp thẩm mỹ. Trường hợp được chỉ định đặt đai giảm béo là những bệnh nhân bị béo phì nặng.
Người có chỉ số BMI trên 40 không thể giảm cân được bằng các biện pháp khác hoặc bệnh béo phì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh (người béo phì có chỉ số BMI từ 35 trở lên và mắc thêm các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, thoái hóa khớp, huyết áp cao...).