Đánh ghen thời công nghệ: Hại người, hại cả mình

Theo Báo Phụ nữ Thủ đô,
Chia sẻ

Chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính cũng có thể khiến cho tình địch thân bại danh liệt với những hình ảnh, clip nhạy cảm được chia sẻ với tốc độ siêu nhanh...

Lên mạng xã hội đánh ghen
 
Đang làm việc nghe cô em gọi điện khóc thút thít bảo vừa phát hiện ra chồng ngoại tình và nhờ chị đi đánh ghen cùng, Ngân rít lên: “Thời đại này còn đánh ghen kiểu đó cho mệt xác, nó có dùng “phây” (FB) không? Có hả, mày tag địa chỉ FB của nó cho chị, chỉ trong mấy tiếng nữa, danh tiếng của nó sẽ bị hủy hoại mà mày không cần tốn một giọt mồ hôi nào”.
 
Nói rồi, Ngân nhanh chóng vào mạng tìm ảnh tình địch của cô em, viết “lời bình” tố cáo tội ngoại tình, giật chồng của người khác rồi đưa lên FB của mình. Trong lời mở đầu, Ngân cũng chú thích rõ đang muốn lấy lại công bằng cho cô em, nhờ cộng đồng mạng lên tiếng “dạy dỗ” kẻ cướp chồng người khác. Chưa đầy một giờ đẩy tin tố cáo kẻ thứ ba lên FB, hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận ào ào đổ về rồi “bay” đến các FB hiếu chiến khác.
 
Đúng như dự đoán, đồng nghiệp, người quen của kẻ thứ ba bắt được “tín hiệu”, ngay lập tức đưa tin sốt dẻo từ thế giới ảo xuống thế giới thực. Ngân bảo chiêu đánh ghen này rất hiệu quả mà lại không tốn công sức, tiền bạc.
 
“Mình học được chiêu đánh ghen trên mạng xã hội này qua một thành viên của “hội những người vợ bị chồng ngoại tình” quen trên FB. Lần đó, chồng mình cũng bị một ả quyến rũ. Sau khi tìm hiểu, mình phát hiện tình địch là kẻ sống buông thả, có rất nhiều ảnh nhạy cảm chụp với đàn ông. Một người bạn giỏi về công nghệ đã giúp mình dựng một clip nhạy cảm của cô ta rồi chuyển cho mình đưa lên FB. Không ngờ, chỉ ít phút đưa lên, cộng đồng mạng đã tấn công kẻ thứ ba đó tả tơi” - Ngân kể.
 
Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ lời Ngân nói cho đến khi theo cô lên mạng vào các hội, nhóm đánh ghen của các Hoạn Thư thời @. Vì chung một mục đích “tiêu diệt” kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc nên các Hoạn Thư rất nhiệt tình giúp nhau trong vấn đề này. Chỉ cần chủ nhân đưa đường link FB, là lập tức hàng trăm “thợ tìm kiếm” lật tung quá khứ của nạn nhân, thậm chí lôi cả người thân của họ mang lên mạng mổ xẻ, “băm chém”. Một Hoạn Thư còn theo dõi, cập nhật diễn biến của nạn nhân ngoài đời thực để đưa lên mạng xã hội cho cộng đồng “đánh tiếp” cho đến khi kẻ địch gục ngã mới thôi. 

Đánh ghen thời công nghệ
Ảnh minh họa.

Hại người, hại mình, hại cả người thân
 
Tôi gặp Yến (Đội Cấn, Ba Đình, HN) tại văn phòng luật sư khi cô tìm đến đây để tìm luật sư bào chữa cho mình trong một vụ kiện “tai bay vạ gió”. Yến kể:
 
- Cách đây ba tháng, em có tung lên mạng một số hình ảnh nhạy cảm của một cô gái cướp chồng chị gái em. Em dùng kỹ thuật cắt ghép ảnh cô gái đó vào những cảnh nhạy cảm với đàn ông. Sau đó thêm “mắm muối” cho quá khứ của cô ta cặp với ông này, ông nọ. Kết quả, sau khi bị cộng đồng mạng ném đá, cô ta còn bị đuổi việc, chuyển đi nơi khác sống. Em cứ nghĩ như thế là mọi chuyện ổn, giữ được hạnh phúc cho chị gái mình. Không ngờ, bây giờ cô ta quay lại kiện em tội vu khống, xúc phạm danh dự cá nhân, lại còn tố cáo em tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy (khi đăng các hình ảnh khỏa thân). Đến lúc này em mới biết làm như vậy là vi phạm pháp luật.
 
Theo luật sự Nguyễn Minh Long (Văn phòng luật sư Dargon), trong những năm gần đây hiện tượng đánh ghen trên mạng diễn ra rất nhiều. Với sự lan tỏa nhanh, nhạy, hậu quả của chiêu đánh ghen này để lại cho nạn nhân rất lớn. Cộng đồng mạng chưa biết thực hư thế nào nhưng cứ nghe nói đấy là kẻ thứ ba, phá hoại hạnh phúc của người khác là lập tức xông vào tổng xỉ vả. Thậm chí, họ lôi cả người thân, chồng con, bố mẹ của nạn nhân lên để “dạy dỗ”.
 
Hiệu ứng dây chuyền cứ thế phát tác khiến nhiều gia đình bị tổn thương, đổ vỡ, thậm chí có người bị dồn vào bước đường cùng vì không biết “giải oan” cho mình bằng cách nào. Trong khi các Hoạn Thư và các đồng minh thì hả hê với chiến thắng đạt được.
 
“Rất nhiều người cho rằng FB là trang cá nhân của mình nên có thể tự do đăng tải mọi thứ. Kể cả việc xúc phạm, vu khống người khác. Nếu không muốn công khai lộ diện thì cứ ẩn danh là yên chuyện. Họ không biết rằng dù nạn nhân có “phạm tội” cướp chồng mình thì họ cũng không được phép đăng tải những thông tin, hình ảnh làm nhục nhân phẩm, xúc phạm danh dự cá nhân người khác. Tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi gây ra, pháp luật sẽ có những chế tài xử lý từ phạt hành chính (nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng) đến xử lý hình sự, phạt tù (gây hậu quả nghiêm trọng).
 
Vì thế, nếu hạnh phúc có vấn đề, vợ chồng hãy ngồi lại với nhau để tháo gỡ. Vấn đề người thứ ba, hãy tìm đến pháp luật để nhờ xử lý thay vì lên mạng “tự xử” để rồi vừa hại người, hại mình, hại cả người thân” – luật sư Long nói.
Chia sẻ