"Đáng sống" - Có điều gì sau những tiếng khóc trong rạp chiếu phim?

Mr. Right,
Chia sẻ

Xem "Đáng sống", những giọt nước mắt đã rơi, không chỉ cho những mất mát, mà còn cho những quả cảm hy sinh thầm lặng, cho tinh thần mạnh mẽ vươn lên "tìm một lối thoát" giữa cuộc đời...

Năm 2015, bộ phim Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang từng thổi bùng cảm xúc của khán giả và mang tới một cơn sốt nho nhỏ trong công chúng cả nước, thì năm nay, vị đạo diễn "yêu những câu chuyện đẹp" này lại làm điều tương tự với Đáng sống. Đây là chùm phim tài liệu kể 3 câu chuyện, 3 mảnh đời riêng biệt, nhưng được đạo diễn kết nối lại với nhau bằng một bức thông điệp đáng suy ngẫm "Mỗi câu chuyện là một lối thoát".

Trailer chùm phim "Đáng sống"

Ngày Đáng sống công chiếu tại Hà Nội, rạp chiếu phim yên lặng bỗng bật lên những tiếng khóc nức nở. Ai cũng hiểu, ấy là tiếng khóc của người trong cuộc, của những người đã trải qua mất mát, đã chiến đấu kiên cường để không khuất phục số mệnh. Và sau khi những câu chuyện phim khép lại, cũng có những giọt nước mắt khác đã rơi, của những người ngoài cuộc. Và nước mắt, không chỉ cho những mất mát, mà còn cho những quả cảm hy sinh thầm lặng, cho tinh thần mạnh mẽ vươn lên "tìm một lối thoát" giữa cuộc đời...

Chùm phim mở màn với phim ngắn Mầm sống, kể lại câu chuyện của chị Hoàng Thị Kim Dung - người phụ nữ dũng cảm từng gây sốt các mặt báo năm 2013 với câu chuyện sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết.

Với những ai đã biết, hoặc chưa từng biết câu chuyện này, thì Mầm sống cũng mang lại cho họ những cảm xúc mới mẻ. Phim tái hiện lại mối tình của chị Dung và anh Ngọc, từ những năm tháng còn đi học cho tới khi ra trường, kết hôn và sinh con. Rồi tai ương bất ngờ ập đến khi anh Ngọc qua đời trong một tai nạn tàu hỏa. Giữa lúc bầu trời sụp đổ, chị Dung đã nảy ra trong mình suy nghĩ "giữ được cái gì của chồng thì giữ". Chị bắt đầu hành trình liên hệ với các bệnh viện để tìm hiểu tính khả thi của việc giữ lại tinh trùng của người đã mất.

Điều thần kỳ đã xảy ra. Ba năm sau ngày chồng mất, chị Dung hạ sinh 2 bé trai kháu khỉnh, Hồ Sĩ Hoàng Hải và Hồ Sĩ Hoàng Đức. Câu chuyện của chị được lan truyền như một phép màu của tình yêu và thành tựu tuyệt vời của y học. 

đáng sống
Chị Hoàng Thị Kim Dung cùng 3 con

Khép lại những cảm xúc về Mầm sống, khán giả đến với bộ phim thứ hai - Đáng sống, với một câu chuyện bi kịch không kém nhưng lại được kể lại bằng tất cả sự lạc quan, điềm tĩnh của một người đàn ông đã trải qua muôn vàn đắng cay sóng gió cuộc đời.

Người đàn ông ấy là Tăng A Pẩu, một nhiếp ảnh gia chuyên ghi hình các loài chim quý và hiện đang sở hữu bộ sưu tập ảnh chim giá trị nhất Việt Nam. Tăng A Pẩu kể lại cuộc đời mình với phong thái nói chuyện vui vẻ, hóm hỉnh, với ánh mắt lấp lánh niềm vui và miệng luôn nở nụ cười.

Phá sản, nay đây mai đó kiếm sống, sau đó lại phất lên nhờ gặp thời, mở công ty riêng và lao vào guồng quay phát triển..., đến một ngày, thế giới tươi đẹp bỗng dưng sụp đổ trước mặt A Pẩu khi bác sĩ thông báo anh mắc ung thư gan, chỉ còn sống được 8 tháng.

đáng sống
Anh Tăng A Pẩu

"Tôi luôn nghĩ chuyện đó xảy ra với ai chứ không thể với mình"; "Những con số như thế này, chắc cái ung thư gan của tôi chỉ là ung thư thường thôi"..., bấu víu vào những suy nghĩ như thế, A Pẩu đã làm phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng bác sĩ cũng khẳng định rằng tế bào ung thư luôn sẵn sàng quay trở lại để tấn công anh.

Trở lại sau cuộc phẫu thuật, Tăng A Pẩu bỏ lại sau lưng cuộc sống bon chen, tranh đấu, kiếm tiền và những cuộc nhậu nhẹt, ăn chơi, anh trở thành người đàn ông bụi bặm khoác ba lô lên vai, lặn lội vào rừng và bắt đầu sống với niềm đam mê săn tìm những loài chim quý, ghi lại hình ảnh của chúng và chia sẻ phi lợi nhuận. 10 năm, không biết bao nhiêu khu rừng A Pẩu đã đi qua, trải nghiệm bao nhiêu nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, và thấm vào người bao nhiêu bài học về tính kiên nhẫn. 10 năm, anh đã sống một cuộc đời "đáng sống" và tạm biệt căn bệnh ung thư quái ác một cách kỳ diệu.

đáng sống

Khép lại chùm phim là tác phẩm Một con đường, đưa khán giả đến với câu chuyện về những người dân Quảng Trị ngày ngày kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu chiến tranh. Nhân vật chính của câu chuyện là anh Nguyễn Ngọc Triệu. Anh Triệu, cũng như nhiều người dân khác ở Quảng Trị, vẫn ngày ngày đi làm công việc nguy hiểm là rà bom mìn trong lòng đất, đào để bán phế liệu. Mỗi sáng, người đàn ông mang theo tay nải đựng nắm cơm đạm bạc, cuốc và máy dò để lên đường. Một ngày đi làm bình thường như bao người dân lao động khác, nhưng cũng có thể trở thành ngày "một đi không trở lại", nếu số phận kém may mắn.

Bao nhiêu năm tháng đi qua, vẫn những nắm cơm đạm bạc, vẫn chiếc áo cũ kỹ sờn rách, người đàn ông đầy những nét khắc khổ ấy chọn cách chiến đấu với cuộc đời, với thần chết, vì một mục đích lớn lao hơn mà sẽ chỉ được tiết lộ vào cuối phim khiến người xem cay khóe mắt.

đáng sống
Anh Nguyễn Ngọc Triệu

3 câu chuyện, 3 số phận, 3 con người hoàn toàn khác nhau về nghề nghiệp, địa vị xã hội, môi trường sống, thế nhưng đều mang điểm chung là sở hữu một trái tim quả cảm. Trái tim ấy đã giúp họ không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, tìm một lối đi khi xung quanh là bóng tối bủa vây, vươn lên mạnh mẽ dù không ít lần cuộc đời đã cố dìm họ xuống bùn lầy.

Xem phim, xúc động trước câu chuyện của những nhân vật bao nhiêu, thì khán giả cũng bàng hoàng nhận ra những hiểm họa đến từ cuộc sống hàng ngày kinh khủng tới thế nào. Có lẽ nhiều người rùng mình khi chứng kiến những người dân xứ Quảng thách thức thần chết để làm công việc nguy hiểm là rà và thu gom bom mìn, thế nhưng liệu họ có giật mình không khi nhìn lại, thế giới mà họ đang sống cũng không khác gì một cuộc "dạo chơi" giữa bãi mìn như thế. "Mìn" đó là những bệnh tật tấn công khi cơ thể quá sức chịu đựng, là tai nạn giao thông luôn có nguy cơ ập đến mỗi ngày ra đường. Cuộc sống vốn rất mệt mỏi, ai cũng phải chiến đấu để tồn tại, đó là một sự thật mà hàng ngày chúng ta đối diện nhưng chúng ta lại chẳng nhận ra hoặc là "khuất mắt trông coi".

Mỗi câu chuyện là một lối thoát, lối thoát dành cho các nhân vật, và cũng là lối thoát cho khán giả. Những câu chuyện của Đáng sống nhắc nhở con người hãy trân trọng từng phút qua đi trong cuộc đời mình, vì thời gian không là mãi mãi, vì hiểm họa luôn ẩn hiện trong mỗi bước chân đi. Hãy sống một cuộc đời cho đáng, hãy yêu thương thật nhiều khi còn có thể, bức thông điệp ấy bật lên một cách đầy tự nhiên trong các câu chuyện có thật giữa đời thường.

Cũng giống như Lửa Thiện Nhân, Đáng sống chọn cách ra rạp âm thầm, không khoa trương. Bộ phim chọn cách đưa những cảm xúc len lỏi vào trái tim người xem một cách nhẹ nhàng, rồi lan truyền từ người này sang người khác, để sau đó đồng loạt bùng nổ mãnh liệt. Khi được hỏi về việc tại sao lại làm Lửa Thiện Nhân, hay Đáng sống, vị đạo diễn có gương mặt hiền hòa thân thiện Đặng Hồng Giang chỉ nở nụ cười giải thích: "Vì cuộc đời này, có biết bao nhiêu câu chuyện đẹp...". Xuất phát từ một tình yêu và niềm trân trọng dành cho những "câu chuyện đẹp" như thế, vị đạo diễn đã lặng lẽ mang chúng từ cuộc đời lên màn ảnh, để chia sẻ cho mọi người. Điện ảnh, chung quy lại, cũng chỉ cần những tấm lòng như thế.

Chùm phim Đáng sống đã ra rạp từ ngày 18/11/2016.
Chia sẻ