Đằng sau những vụ án mẹ hại con

Theo PLVN,
Chia sẻ

“Hổ dữ không ăn thịt con”. Thế nhưng họ là những người mẹ đã sinh ra con rồi lại nhẫn tâm chính tay tước đoạt sự sống “giọt máu” của mình.

Pháp luật trừng trị nghiêm khắc những người mẹ vô lương ấy, nhưng còn những “thủ phạm”  đằng sau những vụ án đau lòng ấy thì vẫn đang giấu mặt. Đó là những người chồng vô trách nhiệm, đánh đập, bỏ rơi vợ con. Liệu có khi nào, họ bị tòa án lương tâm dằn vặt? 

Đã hơn 5 tháng trôi qua nhưng nhiều người dân ở thôn Tân Long, xã An Cư vẫn chưa hết bàng hoàng trước thảm án người mẹ trẻ ra tay sát hại con. Sáng sớm 3/10/2011, trong lúc đứa con 5 tháng tuổi đang say sưa với bầu sữa mẹ, Nguyễn Thị Phượng đã nhẫn tâm dùng hai tay ép chặt mặt con vào bầu vú mình cho đến khi đứa trẻ tắt thở.

Ngày càng có nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân của chính bố mẹ mình. Ảnh minh họa

Phượng là con gái duy nhất trong một gia đình nghèo đông con, quanh năm đối mặt với đói ăn. Đầu năm 2010, Phượng rời quê vào tỉnh Bình Dương để xin làm công nhân. Và ở đây, Phượng đã gởi gắm tình cảm cho Phạm Văn Le, một công nhân cũng sống xa nhà như Phượng. Chỉ vài tháng sau, dù chỉ mới 16 tuổi, Phượng phát hiện mình đã mang thai. Còn quá nhỏ để biết chuyện sinh nở, Phượng đưa Le về nhà mẹ đẻ của mình ở Phú Yên để sinh sống.

Cuộc sống càng lúc càng bí bách bởi cảnh thiếu ăn, cả hai không có việc làm, trong khi Phượng thường xuyên đau bệnh, đôi “vợ chồng” trẻ thường xuyên xảy ra cãi vã. Sau khi vừa sinh con được vài tháng, một ngày vừa thức giấc, Phượng phát hiện người chồng nhẫn tâm, vô trách nhiệm bỏ mẹ con Phượng ra đi.

Bị chồng bỏ rơi, cô gái mới lớn suy sụp hoàn toàn. Từ đây, Phượng thường xuyên có tâm trạng bất thường, nhiều lúc người ngơ ngẩn, nói những câu ngờ nghệch, làm những việc không ai hiểu. Trong đầu, Phượng luôn muốn tìm đến cái chết. Khốn thay, Phượng nghĩ rằng cần kết liễu cuộc sống của đứa con trước để “sau khi chết, hồn nó sẽ bắt mình đi theo”.

Một lần, người nhà của Phượng đã phát hiện Phượng định hãm hại cháu bé nhưng đã kịp ngăn cản. Sáng hôm đó (3/10/2011), trong lúc cả nhà đi vắng, Phượng lại nghĩ đến chuyện... sát hại con mình và quyết định ra tay hành động… Đến khi đứa bé tắt thở, mềm nhũn, Phượng mới buông ra. Thấy cháu bé chết bất thường, các dì của Phượng là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Loan và người hàng xóm Phùng Thị Mỵ tìm hiểu mới phát hiện ra sự việc và báo cơ quan chức năng.

Nếu như Loan cùng quẫn bởi chồng bỏ rơi thì Thèn Thị Tàu lại gây tội tàu đình giết con nguyên nhân sâu xa do người chồng bê tha rượu chè và đánh đập vợ. Thèn Thị Tàu là con trong một gia đình có 6 chị em người dân tộc Nùng. Vì gia đình rất khó khăn lại ở vùng đồi núi cao nên ngay từ nhỏ cô đã phải làm quen với cái cuốc, con dao để giúp bố mẹ lên rừng kiếm củi làm nương giúp đỡ cha mẹ.

Gia đình quá đông con, việc lo toan để cả nhà có thể ăn no đã khiến cho mọi thành viên phải lao động rất vất vả. Cũng chính vì điều này mà Tàu đã không được đến trường và trở thành người mù chữ. Sang tuổi 23, được người chú ruột làm mai mối cho chàng trai tên Ma Seo Giàng là người dân tộc Mông ở xã dưới, Tàu đã tìm được một người chồng để gửi gắm thân phận. Tàu không xinh nhưng trái lại cô rất chịu thương chịu khó nên được bố mẹ chồng rất yêu quý. Bản thân Tàu cũng nghĩ rằng, về làm dâu con trong trong nhà phải gắng hết sức làm lụng công việc nương rẫy thì mới có ăn.

Tuy nhiên, Giàng không phải là một người chồng biết chăm sóc gia đình kể cả khi đã có con. Giàng đắm chìm ngày này qua tháng khác trong cơn chuếnh choáng  men rượu. Một mình Tàu gánh vác tất cả các công việc nương rẫy còn chồng chỉ suốt ngày uống rượu và lướt khướt. Với cô chuyện đó cũng chẳng đáng kể gì vì dù sao mình có làm cũng là để cho chồng, cho con ăn chứ không phải làm cho người ngoài. Tuy nhiên, càng về sau người Giàng lại càng đổ đốn khi sau mỗi lần uống rượu say về tới nhà là một lần gây gổ kiếm cớ để đánh vợ. Suốt ngày tụ tập ở nhà người này qua người khác để tìm đến cơn ma men, Giàng đã không giúp được gì cho Tàu trong việc chăm sóc con cái cũng như bố mẹ già.

Mỗi lần khi đã say mềm trong cơn rượu Giàng lại về tìm vợ để đánh như là một biện pháp để giải rượu. Chỉ cần Tàu nói một câu rằng “Sao uống nhiều thế”  như vậy cũng đủ để cô phải hứng chịu một trận đòn. Việc Tàu bị chồng đánh đã trở thành một việc quen thuộc đối với bản cô sống. Ban đầu còn có người đến can ngăn nhưng lâu dần thành quen cũng không còn ai muốn can thiệp đến chuyện thường ngày như cơm bữa đó nữa.

Lao động suốt ngày lại liên tục phải hứng chịu những trận đòn roi Tàu không biết cách nào để tìm lối thoát cho mình. Cho đến ngày 31/7/2010, sau khi phải hứng chịu trận đòn thừa sống chí chết của chồng cô đã xuống chợ mua thuốc chuột về để tự tử coi đó như là lối thoát cho bản thân mình. Tuy nhiên khi nhìn thấy đứa con nhỏ của mình cô nghĩ rằng, nếu như mình chết đi ai sẽ nuôi nó? Chỉ nghĩ đến vậy sẵn thuốc chuột cô đã cho đứa con gái hơn 7 tháng tuổi của mình uống theo với suy nghĩ rằng khi xuống âm ty sẽ được nuôi nấng chăm sóc nó.

Bản án 7 năm tù cho hành động mất nhân tính của Tàu. Tuy nhiên, ở trong sâu thẳm người đàn bà ấy đều dành tình cảm yêu con và không dám về nhà vì luôn sợ đòn roi của người chồng bạc ác. Tàu từng tâm sự với quản giáo: “Tao nhớ con bé Xuân (Xuân là tên con gái của Tàu) lắm cán bộ à! Không biết bây giờ ở nhà ai nuôi nó. Tao hối hận vì đã cho con uống thuốc chuột lắm. Nhớ con nhưng ra tù tao không về nhà đâu. Về nhà rồi chồng tao lại uống rượu, đánh đập, đau lắm cán bộ à. Nó đánh tao nhiều lắm”...

3. Cuộc đời Phượng và Tàu chưa một ngày thoát khổ, đã phải vào chốn lao tù. Đau đớn nhất là cả cuộc đời này những bà mẹ ấy sẽ mang theo nỗi dằn vặt hại chết chính đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn trong một phút giây nóng giận, chỉ do nỗi uất ức không giải tỏa vì người chồng bạc tình, vũ phu mà họ đã đánh mất tất cả. Trả giá cho hành động mù quáng của mình, họ đã phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Còn đối với người chồng ấy, con mất, vợ vào chốn lao tù liệu bản án lương tâm có giày vò không khi mà họ luôn bỏ rơi, đánh đập vợ, con, rũ bỏ trách nhiệm và vai trò của mình? Trên thực tế, kết cục bi thảm này có một phần lớn trách nhiệm của họ. Rồi đây, không biết những người chồng, người cha (mà không xứng đáng là chồng, là cha) ấy có thể thanh thản sống hay sẽ phải sống trong ân hận cả cuộc đời? Dư luận sẽ không tha thứ, bởi chính những người đàn ông ấy đã châm ngòi cho những chuỗi bi kịch đau lòng…
Chia sẻ