Đằng sau những cuộc lừa đảo tiền tỷ mang tên "combo du lịch giá rẻ"
Thoạt tiên có vẻ ai cũng ngạc nhiên vì sự cả tin của những người trong cuộc nhưng thực sự các đại lý bán combo du lịch giá rẻ lừa đảo có nhiều cách "dụ" khách rất tinh vi.
Chủ phòng vé "bốc hơi" sau khi bán hàng chục tỷ tiền combo du lịch giá rẻ
Đánh vào tâm lý ham mua gói du lịch giá rẻ, lại chọn đúng thời điểm nhiều người đang muốn "đổi gió" và các điểm đến hấp dẫn, nhiều công ty, phòng bán vé du lịch đã tung "chiêu" lừa đảo tiền tỷ của nhiều khách hàng rồi bỏ trốn.
Mới đây, báo chí đưa tin một số khách hàng và nhân viên bán combo du lịch lên tiếng "tố" phòng vé Anh Anh, tại địa chỉ Núi Trúc, phố Núi Trúc, Ba Đình Hà Nội đã ôm tiền của khách và cộng tác viên bán combo du lịch rồi bỏ trốn, khiến nhiều người mất số tiền không hề nhỏ. Số tiền chủ phòng vé Anh Anh đã thu của khách hàng ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Đại lý bán combo du lịch giá rẻ bị "tố" lừa đảo đã đóng cửa nhiều ngày. (Nguồn ảnh: Nhịp sống kinh tế)
Theo phản ánh của những người này, để tạo niềm tin cho những cộng tác viên bán combo du lịch giá rẻ, phòng vé đã tổ chức cho nhiều đoàn khách đi du lịch với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên fanpage Facebook, thu hút cả trăm người bán combo du lịch cho phòng vé.
Ngày 20/7, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trước thông tin nhiều người sập bẫy lừa đảo combo du lịch giá rẻ, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Ba Đình và Công an quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xác minh xử lý thông tin phản ánh.
Om tour gần 1 năm không trả tiền
Đây không phải lần đầu những vụ phòng vé "ôm" tiền của khách rồi hủy tour, không trả lại tiền. Tháng 7/2019, nhiều khách hàng tố cáo công ty Mai Linh Chi (tại quận 3, TP HCM) về việc "om" tour đi nước ngoài, lừa đảo hàng trăm khách hàng.
Theo đó, không ít người đã tin vào những lời quảng cáo của công ty này về các tour du lịch đi nước ngoài giá rẻ, kèm những hình ảnh đẹp đẽ trên Facebook. Sau khi chuyển tiền cho công ty Mai Linh Chi thì hàng loạt tour đều bị hủy. Thậm chí, có những lịch trình đáng lẽ phải xuất phát từ năm 2018 thì đến 2019 - tại thời điểm khách hàng tố cáo công ty thì vẫn chưa không được thực hiện.
Mất từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tổng số tiền mà công ty này thu của khách ở thời điểm 2019 lên đến 3 tỷ đồng. Kéo đến trụ sở công ty để đòi lại tiền thì biển công ty cũng không còn và Facebook cũng thông báo công ty đã phá sản khiến khách hàng chỉ biết ngậm ngùi mất tiền lại không được đi du lịch.
Hồi tháng 7/2014, vài chục du khách mua tour du lịch Thái Lan, Singapore... của Công ty du lịch Anh Kiệt (tại quận 4, TP HCM) và đặt mua tour qua một website đã bị thông báo hủy tour vào đúng ngày khởi hành.
Tìm đến trụ sở thì chứng kiến công ty trong tình trạng "vườn không nhà trống"... Ước tính trước khi biến mất, Công ty Anh Kiệt đã "ôm" vài tỷ đồng từ các đại lý, đối tác, khách du lịch.
Đây mới chỉ là những trường hợp được báo chí thông tin và đông đảo người đọc biết đến. Còn thực tế, đã có nhiều các vụ lừa đảo tương tự xảy ra mà người mua combo - vì lý do "chỉ" mất vài triệu đồng nên không lên tiếng.
Vì đâu đến nỗi?
Combo du lịch là một gói dịch vụ do nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi, tiền khách sạn, có thể có thêm một số dịch vụ như đưa đón vui chơi giải trí, buffet sáng.
Vì thuận tiện và thường có giá ưu đãi nên hình thức mua combo rất được ưa chuộng. Trên các các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, zalo… chỉ cần gõ từ khóa "Combo du lịch", "du lịch giá rẻ" có thể thấy rất nhiều tài khoản hiện ra ngay lập tức.
Khách hàng chủ yếu xác định độ tin cậy của người rao bán qua quen biết hoặc đơn giản tài khoản của đại lý có nhiều người tương tác, lượt bình luận, đánh giá cao, cộng với những "chiêu" quảng cáo giá rẻ, dịch vụ tốt khiến không ít người sập bẫy lừa đảo.
Đa phần các đại lý này sử dụng mạng xã hội tung hình ảnh đẹp để gây sự chú ý và tạo uy tín bằng cách tổ chức vài tour giá rẻ thực sự. "Thả tép bắt tôm" - khi đã chủ đích lừa đảo với số tiền lớn hơn thì những đại lý này có thể thực hiện vì đã chiếm được lòng tin của không ít người, cả hành khách và cộng tác viên bán hàng.
Khóc dở mếu dở vì sập bẫy lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ.
Anh Phạm Minh Tuấn, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại Hà Nội cho rằng, thoạt tiên có vẻ ai cũng ngạc nhiên vì sự cả tin của những người trong cuộc nhưng thực sự các đại lý du lịch có nhiều cách "dụ" khách tinh vi.
Số khác là những đại lý, cộng tác viên trước đây đã xây dựng uy tín, có lượng khách hàng ổn định nhưng "điêu đứng" sau Covid-19 mà sẵn sàng "trở mặt", cuỗm tiền của khách với tâm lý "một lần và biến mất".
"Vậy nên, khách hàng nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên kiểm tra giá mà đại lý đưa ra so với các đại lý khác trên thị trường. Rất khó để có mức giá rẻ không tưởng từ 50-70% so với thông thường, đặc biệt với tour ăn khách nội địa như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Thậm chí, có những tour mà chi phí cho 1 người đi Đà Nẵng trong 3 ngày 2 đêm chỉ 2 triệu đồng/người – bằng vé máy bay di chuyển thì chắc chắn là lừa đảo.
Ngoài ra, hiện giờ có rất nhiều công ty lữ hành uy tín, khách hàng nên thông qua kênh uy tín để đặt gói du lịch đảm bảo về hành trình và chi phí", anh Tuấn chia sẻ.