Đằng sau câu chuyện cụ bà 72 tuổi nhặt rác xôn xao cộng đồng mạng
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng trên Facebook và nhiều diễn đàn khác đều chia sẻ câu chuyện về cụ già tên Mai, 72 tuổi ngày ngày đi nhặt rác trên đường 3/2 ở Quận 10. Chúng tôi đã có một ngày theo chân và tìm hiểu về cuộc sống của cụ.
Câu chuyện xôn xao bắt đầu từ một bức ảnh trên Facebook chụp cảnh cụ bà dáng vẻ khắc khổ, tay kéo những chiếc bao tải cũ kỹ và vài ba cây chổi đi gom rác bẩn trên con đường 3/2 tấp nập người xe qua lại ở Quận 10.
Bức ảnh cụ bà khiến cộng đồng mạng thương cảm.
Theo chủ nhân trang Facebook đăng tải hình ảnh thì: “Không cần biết thời tiết nắng gió hay mưa bão, chỉ cần mỗi tối sau giờ tan chợ, người dân ở khu chợ lại quen thuộc với hình ảnh một cụ bà dáng gầy gò, nhỏ bé, tóc trắng đầu đi lang thang dọc theo lề đường để nhặt rác của các cửa hàng vứt ra. Cụ cần mẫn nhặt nhạnh những mẩu giấy vụn, những tấm bìa carton hay thậm chí đó... là những bao đựng rác...”
Chỉ sau một thời gian ngắn được update trên Facebook, thông tin về cụ bà đã được cư dân mạng chia sẻ và lan truyền rất nhanh với thông điệp kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ cụ bà có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cảm thương với hoàn cảnh của cụ và muốn tìm hiểu rõ hơn để thông tin đến bạn đọc, chúng tôi đã có 1 một ngày theo chân cụ để hiểu cặn kẽ đằng sau bức ảnh "cụ già quét rác ở Sài Gòn" đăng trên Facebook.
Cụ gom và nhặt nhạnh rác trên đường.
Kéo bao tải cũ để nhặt rác trên con đường 3/2 tấp nập người xe qua lại.
Nhặt rác xong cụ trở về nhà ngồi nghỉ chút xíu.
Một ngày theo chân cụ già quét rác
"Cụ bà quét rác" trên đường 3/2, Quận 10 tên thật là Đặng Thị Mai, sinh năm 1941 và năm nay cụ tròn 72 tuổi. Không biết từ bao giờ cụ đi quét rác trên con đường nhộn nhịp 3/2 này, nhưng cứ sáng sáng người dân xung quanh lại thấy cụ lục đục lấy bao tải và xếp thêm chiếc chổi ra đường quét rác.
Nhà cụ nằm trong con hẻm 19 trên con đường 3/2 nối dài nổi tiếng người xe qua lại, nên những rác nhỏ như giấy bẩn, lon nước hay lá cây...cũng khá nhiều. Vì thế ngày ngày cụ lặn lội ra quét rác cho đường sạch sẽ hơn dù tuổi cao, mắt mờ và chân tay đã run.
Hỏi về gia đình của mình, cụ chậm rãi kể mình có chồng và 6 đứa con, 3 trai, 3 gái, nhưng vẫn thích ngày ngày đi quét đường như thế này vì "quen rồi".
Bất chấp nắng mưa, khói bụi, cụ đều cần mẫn kéo bao đi nhặt rác.
Thế nên bàn chân cụ cáu đen những bụi bẩn.
Móng tay cào rác cũng hằn vết đen của đất cát .
Còn mái tóc cụ thì bết bùn.
Quen đi quét rác dù trời nắng hay mưa bất chấp khói bụi và những làn xe ồn ào phố thị, thế nên quần áo cụ bận cũng cũ kỹ, sờn bạc. Móng tay, chân cụ hằn lên những vết đất cát bẩn vì hàng ngày phải cào rác, còn mái tóc bạc của cụ bết bẩn bùn đất. Thỉnh thoảng có người thương tình mang cho cụ hộp cơm nhỏ, vài ba chiếc bánh mềm lót bụng và cụ đón nhận những món quà nhỏ đó bằng đôi mắt biết ơn chân thành.
Hộp cơm và lon nước chanh dây người qua đường thương tình biếu cụ .
Thỉnh thoảng, vài người qua đường khác lại dừng xe biếu cụ chút tiền nhỏ vì thương cụ nắng rát mặt vẫn phải lọ mọ quét rác. Cụ lại gấp gọn ghẽ những tờ tiền ý nghĩa bỏ bọc mang về cho con cháu.
Cụ bảo "sức già yếu nên không cần ăn nhiều, chỉ mong giúp được con cháu là tốt rồi".
Những người xung quanh phản hồi gì về câu chuyện này?
Đem câu chuyện cụ Mai quét rác hỏi những người dân trong con hẻm nhỏ 19, các bà các chị đều có chung câu trả lời: "Do cụ thích đi quét rác chứ không phải con cháu bắt cụ đi".
Cụ cũng có con cái nhưng vẫn đi nhặt rác.
Cuộc sống của cụ khá đầy đủ chứ không phải gia tài chỉ có vẻn vẹn mấy bao tải cũ như thế này.
Rồi người này, người nọ bắt đầu kể câu chuyện về cụ, rằng cụ cũng có gia đình đầy đủ, chồng đã mất nhưng vẫn còn 6 đứa con, 3 trai và 3 gái. Trong đó, cô con gái lớn của cụ đang bán nước gần siêu thị Maximart là người chăm lo cơm nước cho cụ. "Nói chung cụ không phải thiếu thốn gì, con cái cũng lo và có nhà cửa đàng hoàng chứ không phải quá mức nghèo khổ hay không người thân thích. Nhưng cụ không thích ngồi một chỗ, cứ 4 giờ sáng là lục đục lấy bao, xách chổi chuẩn bị ra đường quét rác. Con cái có ngăn nhưng không được", hàng xóm bên cạnh nhà cụ Mai cho biết.
Đây là căn nhà đang xây dở của gia đình cụ Mai .
Những người công nhân này không rõ sao cụ hay đi quét rác như vậy .
Muốn hiểu rõ thực hư hơn, chúng tôi đi sâu vào trong con hẻm nhỏ để "mục sở thị" nơi trú ngụ của cụ. Theo quan sát của chúng tôi thì căn nhà hiện đang xây dở để lên lầu này có diện tích ngang bằng với nhiều ngôi nhà khác trong khu. Khi chúng tôi hỏi thăm công nhân đang xây dựng thì tất cả đều cho biết cụ Mai sống trong căn nhà này cùng với 6 người con. Họ cũng không biết rõ sao cụ phải đi quét rác, chỉ thấy cụ ít ở nhà, hay mang bao tải đi lang thang trên đường và thỉnh thoảng thì xách về ít chai lọ, giấy, lá...từ đâu nhặt về.
Chị Tuyết Hồng, bảo vệ dân phố cho biết cụ Mai được hỗ trợ hàng tháng từ Quận 10
Nhưng cụ vẫn đi quét rác bởi như đó là "cái nghiệp" lúc cuối đời.
Đem thắc mắc hỏi con gái lớn của cụ đang bán nước tại hông siêu thị Maiximart, 3/2, Quận 10, chúng tôi nhận được phản hồi: "Chúng tôi chăm lo cơm nước cẩn thận, mẹ có nhà cửa đàng hoàng để ở nhưng ngồi không ở nhà buồn chán nên sáng sáng lại đi quét rác, chúng tôi có ngăn cũng không được. Giữ mẹ ở nhà vài hôm là chân tay mẹ bồn chồn, khó chịu lắm". Được biết, chị và 2 em gái của mình buôn bán nước, trà, cafe nhỏ nhưng cũng đủ chi tiêu qua ngày.
Hỏi thêm những người dân xung quanh về trường hợp của cụ Mai, được biết cụ thích đi quét rác và con cháu có giữ chân ở nhà cũng không được vì cụ lại tìm cách trốn đi, nên để cụ đi như vậy sẽ khỏe hơn.
Tiếp tục hỏi chuyện chị Tuyết Hồng, bảo vệ dân phố sống tại hẻm 19, gần nhà cụ Mai, chị cho biết: "Cụ Mai có 6 người con 3 trai, 3 gái đều có sức khỏe tốt, hàng tháng cụ đều nhận được trợ cấp từ Quận là hơn 200.000 đồng và con gái lớn của cụ đi lấy vì cô này nhận phần cơm nước cho cụ. Nhìn chung gia đình cụ không phải thiếu thốn, cũng không thuộc diện quá nghèo khó cần giúp đỡ vì hiện tại cụ và các con đang xây lên lầu 2,3 trên nền ngôi nhà cũ. Tuy nhiên, sáng nào cụ cũng cầm chổi đi quét rác, ai ngăn cũng không được nên người dân chúng tôi nghĩ đó là "cái nghiệp" của cụ khi về già".
Kết:
Khi câu chuyện cụ già quét rác được lan truyền trên mạng, rất nhiều người đã bày tỏ sự thương cảm và ngưỡng mộ việc làm ý nghĩa của cụ. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến giúp cụ bằng tấm áo, hộp cơm và cho tiền để cụ bớt cơ cực. Nhưng hàng ngày cụ vẫn đi quét rác vì ngồi không cụ sẽ buồn chân, buồn tay, và số tiền có được từ lòng hảo tâm của mọi người, cụ đem về giúp cho cuộc sống của con cháu.
Nhiều câu chuyện về cảnh khổ được lan truyền trên mạng hàng ngày, bản thân chúng ta đều cảm thấy xót thương cho những phận đời khó khăn đó. Nhưng trước các thông tin trái chiều, tự bản thân mỗi độc giả thông minh sẽ suy nghĩ và lựa chọn hành động cho mình. Nếu có cảm thương và khâm phục trước hành động của cụ già gần 80 tuổi, chúng ta hãy biết ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường hoặc bỏ chút thời gian cùng cụ đi nhặt rác, chuyện trò tâm sự, thiết nghĩ đó cũng là món quà tinh thần ý nghĩa hơn là việc cho tiền không đúng chỗ.