Đang có cuộc sống ổn định, bà mẹ U30 ở Hải Dương quyết tâm chinh phục IELTS để tìm thêm công việc: Thành quả sau đó quá ngọt ngào
Có thể thấy, việc thay đổi tư duy, thay đổi niềm tin vào bản thân khiến mình có động lực to lớn để hành động.
Chị Nguyễn Thảo (sinh năm 1992, ở Hải Dương) là một bà mẹ có công việc ổn định. Dù vậy, có một thời gian, chị luôn có 1 suy nghĩ dẫn đến giới hạn bản thân. Chị Thảo cho rằng, ban thân không giỏi giang. Học cũng chỉ ở mức khá, buôn bán thì không có tài, làm việc ở công ty thì chỉ ở mức làng nhàng, không hề nổi bật để "leo cao". Thế nên, đạt được cuộc sống bình bình là tốt lắm rồi.
Chính suy nghĩ ấy đã khiến chị không dám làm gì để thay đổi cuộc sống.
Thấy bạn bè học ôn thi IELTS chị cũng thích nhưng trong lòng thì tự nhủ: "Mình học dốt thế này, tiền lại không có, học sao nổi". Thấy người ta bán hàng online kiếm thêm thu nhập cũng ưng, nhưng chị lại nghĩ mình không có năng khiếu buôn bán. Rồi vào một ngày vào đầu năm 2021, chị Thảo lướt web như mọi ngày, đọc được bài chia sẻ trên facebook nói về việc học tư duy giúp thay đổi cuộc sống, chị liền đăng ký học.
"Học xong 1 tháng đó, mình có cái nhìn khác về bản thân. Trước tiên là thay đổi niềm tin. Mình bắt đầu tin cái gì mình cũng có thể làm được, chỉ là mình có muốn hay không. Sau đó là bị "nghiện học". Đúng từ hồi học xong khóa học ấy, mình học liên tục không ngừng suốt từ đầu năm 2021 đến giờ. Khi niềm tin thay đổi và hành động không ngừng, các kết quả lần lượt đến:
Trước tiên là tấm bằng IELTS 7.0 với Reading đạt 8.0. Mơ mãi, học mãi cũng đến ngày cầm được nó trên tay. Sau đó là có công việc online, công việc liên quan đến đúng sở thích là làm giáo viên dạy tiếng Anh. Có thể thấy, việc thay đổi tư duy, thay đổi niềm tin vào bản thân khiến mình có động lực to lớn để hành động. Tập trung vào làm 20% việc tạo ra 80% kết quả, thì cuộc sống của chúng ta tốt lên là điều tất yếu", chị Thảo nói.
Hành trình bắt đầu học tiếng Anh của chị Thảo trong 1,5 năm, từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2022. Thời gian đó chị có đăng ký khóa học tiếng Anh nhưng cũng giống như tự học. Bởi, phương pháp dạy của cô giáo thời kỳ đó rất khác với các trung tâm tiếng Anh khác. Đó là cô cung cấp tài liệu và hướng dẫn cách học. Còn lại học viên gần như phải tự học toàn bộ. Mục tiêu là xây dựng kỹ năng tự học cho học viên.
Hành trình 1,5 năm học tiếng Anh của chị Thảo chia làm 4 giai đoạn.
1. Giai đoạn khởi động (xây dựng lại thói quen học tiếng Anh): Kéo dài 3 tháng
Trong thời gian này, chị học bộ giáo trình Reading Challenge cuốn 1 đến 3. Bộ này chị Thảo đánh giá khá hay, phù hợp với bạn có trình độ khoảng B1 và muốn tự học tiếng Anh.
Nội dung các bài đọc trong sách có nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến đời sống. Từ vựng cũng khá phong phú, với nhiều chủ đề. Có nhiều idiom (thành ngữ) và phrasal verb (cụm động từ) hay, chị bắt gặp chúng khá nhiều trong phim ảnh và trong các cuốn sách tiếng Anh. Nếu cày kỹ 3 cuốn này, bạn sẽ tích được lượng từ vựng khá ổn, có nhiều ý tưởng trả lời cho Speaking và Writing trong IELTS.
"Mình gọi đây là giai đoạn khởi động vì kể từ khi học đại học xong, mình không thực sự dành thời gian học tiếng Anh nghiêm túc. Vì thế việc học 1 bộ giáo trình vừa phải với sức một cách đều đặn hàng ngày khá quan trọng. Nó giúp bộ não của mình quen với việc học và giúp mình rèn luyện sự kiên trì, không bỏ cuộc. Giáo trình này phù hợp với những bạn có ý định tự học tiếng Anh", chị Thảo chia sẻ.
2. Giai đoạn xây nền: Kéo dài 6 tháng
Sau khi có thói quen học, chị chuyển sang giai đoạn tích lũy kiến thức và phát triển kỹ năng tiếng Anh. Tài liệu học lúc này khá đa dạng. Mỗi 2 tuần, chị sẽ học về 1 chủ đề khác nhau, từ gần gũi với đời sống như: Travel, food, colour, fashion cho đến các chủ đề khoa học như: Light, sound, animal, plant, human body. Tài liệu chủ yếu là các bài báo trên web hoặc bài báo khoa học lấy từ sách khoa học, và các video/blog của người bản xứ.
Thời gian này, chị tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc và nghe, đọc bài, học từ vựng và tóm tắt lại những gì đọc được. Với video thì nghe hiểu, lồng tiếng video (để rèn phát âm), tóm tắt lại nội dung và học từ vựng.
Giai đoạn học kiến thức này khá hay và bổ ích. Tuy nhiên, theo chị Thảo, nếu bạn có ý định học IELTS thì không nên học cách này. Thay vào đó nên tập trung học tài liệu liên quan đến IELTS luôn để nhanh chóng thi có chứng chỉ.
3. Giai đoạn chuẩn bị luyện thi: Kéo dài 3 tháng
Kết thúc giai đoạn thứ 2, chị chuyển sang học tài liệu theo giáo trình Active Reading 4. Cuốn này gồm 12 bài đọc, theo nhiều chủ đề. Độ dài và khó gần tương đương với đề thi thật. Khi "cày" cuốn này, chị Thảo chủ yếu vẫn tập trung vào đọc, luyện phát âm và học từ vựng. Nếu cày kỹ từ vựng cuốn này, bạn sẽ học được nhiều từ ngữ học thuật, rất bổ ích cho bài Writing, và là nền tảng cho Reading.
Ngoài ra, giai đoạn này chị bắt đầu học Writing, chủ yếu là Free Writing theo topic trước để làm quen với bài viết. Đồng thời, để chuẩn bị cho Speaking, mỗi tuần học viên được giao học thuộc một số trích đoạn trong phim Friends. Sau đó tập diễn lại theo cách hiểu của mình để luyện ngữ điệu và biểu cảm trên khuôn mặt khi nói.
4. Giai đoạn luyện thi: Kéo dài 6 tháng
Đây là giai đoạn chị bắt đầu "cày" đề trong bộ Cambridge từ cuốn 13 đến cuốn 17. Mới đầu học tuần 1 đề, sau đó nâng dần lên tuần 3 đề. Chị chủ yếu vẫn tập trung học Reading và Listening bởi 2 kỹ năng này dễ kéo điểm thi lên hơn cả.
Speaking thì chị Thảo được học 3 tháng với giáo viên có kinh nghiệm người Canada. Thầy chủ yếu cho thực hành Speaking là chính. Vì thế học xong 3 tháng, dù khả năng nói chưa thể tiến bộ ngay, nhưng ai cũng tự tin và vui vẻ khi nói trước mặt người khác.
Với Writing, đến giai đoạn này chị mới bắt đầu làm quen với các dạng đề thi. Do thời gian thi gấp rút nên cách học chủ yếu là: Được giao 1 vài Writing mẫu, sau đó dựa vào đề bài tự phân tích đề, gạch dàn ý theo ý mình. Tiếp đó là đối chiếu với bài mẫu, học cách họ sắp xếp ý, học thuộc một số cụm từ học thuật hay để áp dụng vào bài của mình. Cuối cùng là viết lại bài đó.
Sai lầm cần tránh
Chị Thảo cho biết, một trong những sai lầm lớn nhất của mình trong đợt ôn thi IELTS lần trước, đó là chỉ mải chạy theo làm đề. Làm hết đề nọ đến đề kia. Kiểm tra xong đáp án là coi như xong, là cất sách đi. Hậu quả là mấy tháng trời học vẫn "chững" band, không sao tiến bộ hơn được. Rút kinh nghiệm, lần này chị thử học kỹ ít nhất 10 đề Listening. Học làm sao để làm đúng hết bài tập, gấp sách vào vẫn nghe hiểu ít nhất là 90%, và học thuộc toàn bộ Part 1 của 10 đề đó.
Chị Thảo cũng cho biết: "Mọi người hay nói, ngữ pháp không quá quan trọng khi sử dụng tiếng Anh. Nhưng với cá nhân mình, ngữ pháp giúp mình rất nhiều khi ôn thi IELTS. Chẳng hạn trong bài thi Reading, nhờ hiểu rõ ngữ pháp, mình dễ dàng nhận biết đâu là thông tin chính, đâu là thông tin phụ. Khi ấy, mình chỉ lướt đọc ý chính, còn toàn bộ ý phụ là mình loại hết. Nhờ vậy mình mới kịp làm hết 3 bài đọc dài 6 trang A4 trong 60 phút. Và trả lời gần như đúng toàn bộ các câu hỏi".
Hay trong bài thi Writing, theo chị Thảo, nếu giỏi ngữ pháp, bạn dễ cầm chắc 25% số điểm. Đợt thi Writing, từ vựng học thuật chị Thảo không biết nhiều. Nhưng vì chị biết các cấu trúc câu dễ ăn điểm cao, thành ra dễ dàng đạt Writing 6.5 dù không bỏ nhiều thời gian ra ôn thi. Do đó, khi ôn thi IELTS, đừng bỏ qua việc học ngữ pháp.
Có một số đầu sách ngữ pháp mà bạn có thể tham khảo khi học IELTS đó là:
1. Bản tiếng Việt: Giải thích ngữ pháp tiếng Anh - Mai Lan Hương
2. Bản tiếng Anh: Sách ngữ pháp cơ bản: cuốn Grammar in Use, hoặc Oxford practice grammar (basic và intermediate); Sách ngữ pháp dùng trong IELTS: Collins Grammar for IELTS; Sách ngữ pháp nâng cao (dùng cho ai muốn nâng band từ 6.5+ trở lên): Oxford Practice Grammar Advanced.
Sách không cần quá nhiều, quan trọng là bạn kiên trì cày lần lượt từng cuốn, từ đầu đến cuối bộ.
"Nhìn lại hành trình đã đi qua, mình thầm cảm ơn bản thân đã nỗ lực rất nhiều. Bởi khi đó mình vừa đi làm, vừa chăm con lại tranh thủ học. Nhiều lần bận quá, mệt quá, nhìn đống sách trước mặt mà bật khóc. Mình tự học vì sao mình lại chọn con đường học tiếng Anh này. Vì sao lại chọn lối đi khó khăn cho bản thân. Nhưng sau 3 năm nhìn lại, kết quả hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra", chị Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, lộ trình học của mình cũng chưa hẳn tối ưu. Nó phù hợp với những bạn có nền tảng tiếng Anh tốt (trình độ B1 trở lên), nhưng lại khá khó khăn với các bạn học yếu (nếu bắt đầu từ A1). Đặc biệt, nếu các bạn có mong muốn đạt chứng chỉ sớm thì nên tập trung vào luyện dạng đề thi IELTS luôn. Như vậy sẽ mau chóng có kết quả hơn chứ không cần mất tận 1,5 năm như chị Thảo.
Chị Thảo cũng cho biết, hiện tại với sự xuất hiện của AI, bạn có quá nhiều công cụ hỗ trợ để học tiếng Anh. Bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian học hơn nhiều. Vì thế, chỉ cần bạn quyết tâm và dồn sức là hoàn toàn có thể đạt IELTS như mong muốn.