Đang chuẩn bị cho đám cưới thì bỗng nhiên phải vào viện, chuẩn bị cho tang lễ và viết di chúc vì căn bệnh ai cũng sợ
Trải qua bốn chu kỳ điều trị hóa chất và lượng tế bào ung thư trong xương cô giảm xuống dưới 1%.
Một người phụ nữ sắp kết hôn đột ngột được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu), bất chấp việc cô luôn tự tin về sức khỏe nhờ thói quen chạy bộ mỗi sáng. Câu chuyện của cô đã thu hút sự chú ý và đồng cảm từ cộng đồng mạng.
Bất ngờ trước ngày cưới
Theo báo cáo của tờ Need to Know của Anh, Salma Shah (45 tuổi), cư dân tại Watford, đã dự định tổ chức đám cưới với vị hôn phu là Malon (43 tuổi) vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, vào tháng 1, sau khi gặp các vấn đề sức khỏe bất thường, cô đã phải ngưng tất cả các kế hoạch chuẩn bị cho đám cưới.

Salma Shah (45 tuổi), cư dân tại Watford, đã dự định tổ chức đám cưới vào tháng 5 thì tháng 1 cô đã phải ngưng tất cả các kế hoạch để điều trị ung thư. Ảnh SNS
Cô chia sẻ: Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh thông thường và có triệu chứng sưng họng. Nhưng khi cảm giác mệt mỏi kéo dài và xuất hiện các triệu chứng như đổ mồ hôi vào ban đêm, các cục u sau cổ, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Kết quả xét nghiệm chi tiết đã chỉ ra rằng tôi mắc bệnh bạch cầu cấp tính lymphoblastic.
Bệnh bạch cầu (Leukemia) là thuật ngữ chung để chỉ các loại ung thư của tế bào máu, bệnh thường xuất hiện nhiều hơn ở người trên 55 tuổi và cũng là một trong những loại ung thư phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh bạch cầu là bệnh lý ung thư của các mô tạo máu của cơ thể (bao gồm hệ bạch huyết và tủy xương).
Cuộc đấu tranh với bệnh tật
Salma luôn tin tưởng vào sức khỏe của mình nhờ việc chạy bộ vào buổi sáng và tập thể dục vào buổi tối. Cô chia sẻ rằng: "Cảm giác như cảm lạnh và nhiễm trùng liên tục diễn ra, và khi cổ bắt đầu sưng to, tôi nhận ra đó phải là vấn đề nghiêm trọng" .

Salma tiếp tục: "Tôi đang chuẩn bị cho đám cưới thì bỗng nhiên phải ngồi trong bệnh viện, chuẩn bị cho tang lễ và viết di chúc của mình" . Bệnh tình của cô được xác định đã lan đến não và tuỷ sống. Salma đã trải qua bốn chu kỳ điều trị hóa chất và lượng tế bào ung thư trong xương cô giảm xuống dưới 1%. Để có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, cô cần phải trải qua ca ghép tế bào gốc.
Bệnh bạch cầu nguy hiểm thế nào?
Bạch cầu cấp tính lymphoblastic là một dạng bệnh bạch cầu, trong đó các tế bào bạch cầu lympho chưa trưởng thành trong xương tăng sinh một cách bất thường. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ em nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn, đặc biệt là ở người lớn bệnh có tiên lượng kém hơn và việc điều trị phức tạp hơn so với trẻ em.
Các triệu chứng ban đầu thường gặp là mệt mỏi nghiêm trọng, da xanh xao, sốt không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng lặp lại, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, đổ mồ hôi vào ban đêm, sưng bất thường ở hạch lympho ở cổ, nách, và bẹn. Khi bệnh tiến triển, các tế bào ung thư có thể di căn đến não và tuỷ sống gây ra các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, thị lực bất thường và liệt.

Bệnh bạch cầu là căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được chữa trị hiệu quả. Ngay khi gặp dấu hiệu nghi do bệnh bạch cầu, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám càng sớm càng tốt.
Bệnh bạch cầu có thể chữa khỏi không? Hiện nay, bệnh bạch cầu vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bệnh không thể đạt được sự thuyên giảm lâu dài. Việc được coi là chữa khỏi bệnh đồng nghĩa với việc ung thư đã biến mất hoàn toàn, không tái phát và không cần điều trị thêm. Tuy nhiên với bệnh về bạch cầu, điều này rất khó để xác định chắc chắn.
Ngược lại, thuyên giảm dài hạn có nghĩa là không còn dấu hiệu của ung thư (dù đang điều trị hay không). Sự thuyên giảm này có thể kéo dài từ vài tuần đến nhiều năm và trong một số trường hợp, bệnh bạch cầu có thể không bao giờ tái phát. Nếu bệnh tái phát, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp điều trị mới để đạt được sự thuyên giảm lần nữa. Đồng thời, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của người bệnh để xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa, phù hợp với từng giai đoạn và diễn biến bệnh.

Việc chẩn đoán bệnh được thực hiện thông qua xét nghiệm máu và xét nghiệm tuỷ xương, cùng với kiểm tra đột biến gen để xác định triển vọng và phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt, việc xác định bệnh nhân có đột biến gen có tên là Philadelphia chromosome (Ph ) là một tiêu chí quan trọng trong điều trị. Bệnh nhân có đột biến này thường có tỷ lệ chữa khỏi thấp khi chỉ sử dụng phương pháp hóa trị thông thường và cần phải cân nhắc đến điều trị mục tiêu cường độ cao cùng với ghép tế bào gốc.