Dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ, chuyên gia lo giới nhà giàu ngốn tài nguyên
Bé gái Vinice Mabansag sinh ra ở Manila rạng sáng 15/11 trở thành biểu tượng cho cột mốc 8 tỷ của dân số thế giới. Một số người lo 8 tỷ người là quá nhiều đối với Trái đất, nhưng hầu hết chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn hơn là việc những người giàu có nhất hành tinh tiêu thụ quá nhiều tài nguyên.
“Sự kiện quan trọng này (dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người) là dịp để tôn vinh sự đa dạng và tiến bộ, đồng thời xem xét trách nhiệm chung của nhân loại đối với hành tinh này”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố.
LHQ cho rằng, dân số thế giới gia tăng là do sự phát triển của con người, với việc con người sống lâu hơn nhờ những cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Đó cũng là kết quả của tỷ lệ sinh cao hơn, đặc biệt ở các nước nghèo nhất thế giới (hầu hết ở vùng cận Sahara thuộc châu Phi), khiến các mục tiêu phát triển của những quốc gia này khó đạt được.
Gia tăng dân số cũng gia tăng các tác động môi trường của phát triển kinh tế. Trong khi một số người lo lắng rằng, 8 tỷ người là quá nhiều đối với hành tinh xanh, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, vấn đề lớn hơn là việc giới siêu giàu tiêu thụ quá nhiều tài nguyên.
Giám đốc Quỹ Dân số LHQ Natalia Kanem nhận định: “Một số bày tỏ lo ngại rằng, thế giới của chúng ta đang quá đông dân số. Tôi khẳng định rằng, số lượng tuyệt đối về con người không phải là lý do để sợ hãi”.
"Chúng ta thật ngu ngốc"
Ông Joel Cohen công tác tại Đại học Rockefeller (Mỹ) nói với AFP rằng, việc Trái đất có thể hỗ trợ bao nhiêu người có hai mặt, gồm giới hạn tự nhiên và lựa chọn của con người.
Các lựa chọn của con người dẫn đến việc tiêu thụ nhiều tài nguyên sinh học hơn, như rừng và đất, so với khả năng tái tạo của hành tinh mỗi năm. Ví dụ, việc tiêu thụ quá mức nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí) dẫn đến lượng khí thải CO2 nhiều hơn, gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Ông Cohen nói: “Chúng ta thật ngu ngốc. Chúng ta thiếu tầm nhìn xa. Chúng ta tham lam. Chúng ta không sử dụng thông tin mình có. Các lựa chọn và vấn đề nằm ở đó”.
Tuy nhiên, ông bác bỏ ý kiến cho rằng con người là một lời nguyền trên hành tinh. Theo ông, mọi người nên được trao cho những lựa chọn tốt hơn.
Dân số hiện tại cao hơn gấp ba lần so với 2,5 tỷ người trên toàn cầu vào năm 1950.
Tuy nhiên, sau khi đạt mức cao nhất vào đầu những năm 1960, tỷ lệ tăng dân số thế giới đã giảm đáng kể, bà Rachel Snow thuộc Quỹ Dân số LHQ cho biết. Mức tăng hằng năm đã giảm từ 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 xuống dưới 1% vào năm 2020.
Mức tăng có thể giảm xuống còn khoảng 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh tiếp tục đi xuống, LHQ dự đoán. Theo LHQ, dân số thế giới sẽ tăng lên khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030, trên dưới 9,7 tỷ vào năm 2050 và đạt đỉnh 10,4 tỷ vào những năm 2080.
Tuy nhiên, các nhóm khác cho ra những số liệu tính toán khác nhau. Trong một nghiên cứu năm 2020, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (trụ sở ở Mỹ) ước tính dân số toàn cầu sẽ tăng tối đa vào năm 2064 mà không bao giờ đạt tới 10 tỷ và giảm xuống còn 8,8 tỷ vào năm 2100.
Cái chết Đen
Từ khi những con người đầu tiên xuất hiện ở châu Phi hơn hai triệu năm trước, dân số thế giới đã tăng vọt.
Sự ra đời của nông nghiệp trong thời kỳ đồ đá mới (khoảng 10.000 năm trước Công nguyên) đã mang lại bước nhảy vọt dân số đầu tiên. Cùng với nông nghiệp, định canh định cư và khả năng dự trữ lương thực khiến tỷ lệ sinh tăng mạnh.
Theo Viện Nghiên cứu nhân khẩu Pháp, từ khoảng 6 triệu vào năm 10.000 trước Công nguyên, dân số toàn cầu đã tăng vọt lên 100 triệu vào năm 2.000 trước Công nguyên và sau đó là 250 triệu vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Do hậu quả của Cái chết Đen, dân số loài người giảm từ năm 1300 đến năm 1400, từ 429 triệu xuống còn 374 triệu.
Cái chết Đen là một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14, mà đỉnh điểm là ở châu Âu trong giai đoạn 1346-1351, với số lượng người chết ở châu Âu và châu Á khoảng 75-200 triệu người. Phần lớn ý kiến cho rằng, nguyên nhân bùng phát đại dịch Cái chết Đen là bệnh dịch hạch.
Các sự kiện khác, như Dịch hạch Justinian (tấn công Địa Trung Hải trong hơn hai thế kỷ từ 541-767) và các cuộc chiến tranh đầu thời Trung cổ ở Tây Âu cũng khiến số lượng người trên Trái đất tạm thời giảm xuống.
Từ thế kỷ 19 trở đi, dân số bắt đầu bùng nổ, phần lớn do sự phát triển của y học hiện đại và công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy nguồn cung lương thực toàn cầu. Từ năm 1800, dân số thế giới đã tăng gấp 8 lần, từ 1 tỷ lên 8 tỷ người.
Sự phát triển của vắc-xin là yếu tố then chốt của tuổi thọ nâng cao, dân số gia tăng. Vắc-xin phòng bệnh đậu mùa đã giúp nhân loại tiêu diệt một trong những kẻ giết người lớn nhất trong lịch sử.
Theo Strait Times, France 24