Đàn ông đừng ngụy biện, đừng lý do
Đàn ông có trăm nghìn lời nguỵ biện, có vạn vạn những lý do để nhắc vợ mình đừng có mà đòi hỏi ở họ. Và buồn thay, chừng đó phụ nữ cũng chấp nhận những ngụy biện đó.
Con người chẳng ai là hoàn hảo cả. Đó là sự thật! Nhưng đó không phải là lý do để đánh đồng việc đàn ông đẹp trai hào hoa thì phải chấp nhận anh ta phong lưu lả lướt. Không phải là giỏi kiếm tiền là được quyền phó mặc gia đình, con cái cho vợ. Không phải bản lĩnh, giỏi giang là đồng tình cho việc gia trưởng, độc đoán. Tôi nghĩ thế! Nhất là khi chứng kiến những người đàn ông bận bịu cỡ Obama vẫn ăn tối cùng gia đình, những đại gia sẵn sàng bỏ cả thương vụ tiền tỷ để chăm vợ ốm hay những người đàn ông được xã hội công nhận là tài năng nhưng vẫn xắn áo giúp vợ những việc lặt vặt.
Người ta nói, người đời nhắn nhủ rằng phụ nữ đòi hỏi chồng thái quá mà thành khổ. Rằng hạnh phúc là biết đủ. Rằng vợ chồng sống với nhau phải biết thỏa hiệp, chấp nhận nhau. Thoạt tiên ta thấy đúng! Bởi càng mong đợi nhiều mà không được thì sẽ thành khổ cực. Hy vọng càng cao - thất vọng càng sâu. Nhưng nghĩ lại đi! Bữa cơm chiều gọi điện mà chồng lại đáp đang bận giao lưu khách hàng. Rằng cô muốn đàn ông biết kiếm tiền thì phải chấp nhận việc anh ta bận bịu chứ? Để hợp đồng được ký, đàn ông phải đánh đổi bằng những cuộc nhậu. Chúng ta dễ dàng đồng ý vậy. Nhưng sao lại trách phụ nữ bán thân để ký được hợp đồng? Có những anh chồng siêu sao ngoài xã hội về đến nhà vẫn khoác áo siêu sao mà bắt vợ phải nhất nhất tuân mệnh. Chúng ta dễ dàng đồng ý vậy bởi lấy chồng nổi tiếng cơ mà? Sao phụ nữ chảnh chọe ngoài đường về nhà chảnh chọe lại cho rằng phụ nữ ấy đáng chê?
Ảnh minh họa.
Không! Tôi không tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo. Tôi biết người như Obama chỉ là số hiếm. Nhưng sao vẫn cứ thấy xót xa với những người phụ nữ có chồng mà vẫn cứ như làm mẹ đơn thân? Có bận, người chị đồng nghiệp ngày xưa bảo tôi: Nhà hàng của Tú mà ra set menu cho các mẹ đơn thân thì bán nhiều phải biết. Tôi đồng ý! Bởi mẹ đơn thân vốn đã nhiều nhưng mẹ như đơn thân dù vẫn có chồng nhiều gấp chục lần, trăm lần. Tôi đã thấy những người mẹ tay năm tay mười cho con ăn, chạy theo con, vung vẩy đồ ăn khắp người trong khi chồng quần là áo lượt ngồi kế bên vừa ăn vừa… xem điện thoại. Gặp những khách hàng như vậy, tôi thực chỉ muốn tống cổ lão chồng ấy ra khỏi nhà hàng của mình. Nhưng những người vợ, người mẹ kia sao vẫn cho chuyện đó là chuyện bình thường?
Người ta có thể khổ vì đòi hỏi nhưng sao không ai nói về nỗi khổ của những người cam chịu, chấp nhận? Đàn ông có trăm nghìn lời ngụy biện, có vạn vạn những lý do để nhắc vợ mình đừng có mà đòi hỏi ở họ. Và buồn thay, chừng đó phụ nữ cũng chấp nhận những ngụy biện đó, thấy có lý với những lý do đó. Mà cam chịu. Mà chấp nhận!
Không! Trời ạ, hãy nhớ cho những ngày xưa chưa xa, khi anh ta đang còn theo đuổi bạn, anh ta đã nỗ lực đến thế nào? Chả có nhẽ câu được cá rồi thì khỏi cần mồi câu nữa? Chả có nhẽ cưới được cô ấy về rồi thì cô ấy đánh cũng không đi, đuổi cũng không rời?
Tôn trọng vốn là một thứ bất cứ ai cũng phải học và phải học từ bé. Có biết tôn trọng người khác thì mới có trân trọng người thân yêu, gia đình. Tôi nghĩ rằng, không chỉ phụ nữ là để yêu mà phụ nữ còn phải là được trân trọng. Mà đôi khi, trong nhiều trường hợp, trân trọng còn giá trị hơn cả yêu, bao trùm cả yêu! Chồng bạn có trân trọng bạn không? Bạn có cảm nhận được sự trân trọng từ chồng mình không?